Tập trung 4 giải pháp cải cách thủ tục hành chính

KTĐT - Có thể nói rằng công tác cải cách hành chính đang và luôn là một vấn đề tạo được sự quan tâm của dư luận; sự mong mỏi của quần chúng nhân dân cũng như của nhiều cán bộ công chức có tâm huyết đang công tác trong hệ thống công quyền.

Bản thân là một cán bộ công tác trong lực lượng Công an Thủ đô, tôi có một số ý kiến muốn đóng góp để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Qua tìm hiểu thông tin, tôi thấy có rất nhiều ý kiến đóng góp cũng như chương trình hành động, dự án thực hiện cải cách hành chính. Tuy nhiên, điều mấu chốt là thực sự có kế hoạch tổng thể để đưa những sáng kiến có ý nghĩa vào thực tiễn.

Xin nêu 4 vấn đề cần tập trung thực hiện để đem lại sự cảI cách thực sự cho hệ thống hành chính công.

1. Nâng cao hiệu quả của chính phủ điện tử vào công tác cải cách hành chính

Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông để đổi mới tổ chức, đổi mới quy tắc hoạt động, tăng cường năng lực của chính phủ, làm cho chính phủ làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý nhà nước. Nói cách khác, Chính phủ điện tử là chính phủ hiện đại, đổi mới, vì dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ tôt hơn trên cơ sỏ ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông.

Thực hiện Chính phủ điện tử có rất nhiều lợi ích: Nâng cao năng lực quản lý điều hành của Chính phủ và các cơ quan chính quyền các cấp (trao đổi văn bản điện tử, thu thập thông tin chính xác và kịp thời ra quyết định, giao ban điện tử …); Cung cấp cho người dân và doanh nghiệp các dịch vụ công tạo điều kiện cho nguời dân dễ dàng truy nhập ở khắp mọi nơi. Người dân có thể tham gia xây dựng chính sách, đóng góp vào quá trình xây dựng luật pháp, quá trình điều hành của chính phủ một cách tích cực. Giảm được chi phí cho bộ máy chính phủ. Thực hiện một chính phủ hiện đại, hiệu quả và minh bạch.

Trong nhiều trường hợp, chính sự không công khai, không minh bạch tạo ra nhiều kẽ hở cho tiêu cực phát sinh. Đặc biệt là trong lĩnh vực chính sách, khi người có quyền lợi liên quan muốn tìm hiểu văn bản quy định về quyền lợi của mình, do không biết tìm ở đâu, phải đến cơ quan liên quan để hỏi, dẫn đến tình trạng “xin cho”, cửa quyền, sách nhiễu. Sự cung cấp không đúng, không đủ văn bản dẫn đến người có quyền lợi dẫu bị vi phạm cũng không biết đâu mà thắc mắc, kiến nghị.

Theo mô hình của Chính phủ điện tử, các ban ngành cũng cần phải thiết lập một hệ thống mạng lưới máy tính nối mạng phục vụ cho công tác cập nhật thông tin, tra cứu dữ liệu liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ. Với những ngành có tính chất đặc thù, do yêu cầu bảo mật không thể công khai dữ liệu thì phải có hệ thống nối mạng nội bộ, xây dựng kho dữ liệu phân quyền sử dụng để cán bộ có liên quan có thể tiếp cận tra cứu.

2. Tinh giảm biên chế để nâng cao năng lực của bộ máy công quyền

Hiện nay, trong tư tưởng của nhiều cán bộ công chức rất bình quân chủ nghĩa, bằng lòng với việc đã được vào biên chế nhà nước nên không chịu phấn đấu, học tập nâng cao trình độ mà chỉ chú trọng vào việc “kiếm được bằng cấp” để thăng tiến. Do vậy, phải tinh giảm biên chế các cơ quan công quyền, đảm bảo thu hút giữ chân người có tài, có đức, cho ra khỏi lực lượng những người phẩm chất đạo đức, năng lực kém.

Tại sao tệ nạn “buôn dưa lê” trong công sở vẫn còn phổ biến. Vì hiện nay, việc tuyển biên chế công chức còn ào ạt, chưa trên cơ sở công việc; chưa theo nguyên tắc “việc tìm người”, mà còn là “người tìm việc”; có những bộ phận chỉ cần 1 biên chế nhưng do giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho những đối tượng là con cháu, có quan hệ nên tuyển đến 2, 3 thậm chí 4 biên chế.

Việc tinh giảm biên chế phải làm một cách kiên quyết, thực sự thì mới nâng cao hiệu quả công việc cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ. Những cán bộ không có năng lực, thiếu trách nhiệm cần tinh giảm, cho ra khỏi biên chế, tránh để tình trạng có những đơn vị chỉ có khoảng vài cán bộ cốt cán có trình độ thực sự làm việc, còn lại nhởn nhơ, vì chính số này mới là chỗ hay phát sinh tiêu cực.

Để tinh giảm biên chế cần thận trọng trong khâu tuyển dụng. Cần xây dựng quy trình tuyển dụng công khai, minh bạch. Ngoài xét tuyển qua hồ sơ cần phải có phỏng vấn của hội đồng tuyển dụng đối với cá nhân đăng ký; qua đó mới có thể lựa chọn con người thực sự có năng lực đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng. Lâu nay, hệ thống doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh thường áp dụng loại hình tuyển dụng này bởi vì họ đặt yêu cầu người tuyển dụng phải đáp ứng được công việc. Ngược lại với cách tuyển dụng trên mỡi dẫn đến việc phòng tổ chức cứ tuyển người, còn phân bổ cho phòng nào thì phòng ấy phải chịu. Nếu tuyển được người có trình độ, có năng lực thì tốt. Nếu bị phân bổ cho đối tượng mà bố mẹ các cháu gửi gắm nhờ “giáo dục hộ” thì có nhiều trường hợp chẳng những không đóng góp được gì cho đơn vị mà nhiều nơi còn phải giải quyết hậu quả do “cháu nó quậy quá”.

3. Áp dụng ISO cho công tác hành chính công

ISO là phương pháp làm việc khoa học, là quy trình công nghệ quản lý mới, giúp cho các cơ quan hành chính có thể chủ động, sáng tạo trong hoạt động của mình. áp dụng ISO cho công tác hành chính công chính là việc xây dựng và thực hiện một hệ thống quản lý chất lượng trong một tổ chức hành chính, dựa trên các nguyên tắc quản lý chất lượng cơ bản, nhằm tạo ra một phương pháp làm việc khoa học, mang tính hệ thống, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp, thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng, các yêu cầu pháp luật và những yêu cầu riêng của tổ chức đó. Việc áp dụng này nâng cao tính chất phục vụ gắn bó nhà nước với nhân dân.

Áp dụng ISO cho công tác hành chính công có rất nhiều lợi ích: Thúc đẩy cả hệ thống làm việc tốt, đặc biệt giải phóng người lãnh đạo khỏi công việc sự vụ lặp đi lặp lại. Ngăn chặn được nhiều sai sót nhờ mọi người có tinh thần trách nhiệm cao và tự kiểm soát được công việc của chính mình. Tạo điều kiện xác định nhiệm vụ đúng và các cách đạt kết quả đúng. Lập văn bản các hoạt động một cách rõ ràng, từ đó làm cơ sở để giáo dục, đào tạo nhân lực và cải tiến công việc có hệ thống. Cung cấp cách nhận biết, giải quyết các sai sót và ngăn ngừa chúng tái diễn. Cung cấp các bằng chứng khách quan để chứng minh chất lượng sản phẩm (dịch vụ) của tổ chức và mọi hoạt động đều đã được kiểm soát. Cung cấp dữ liệu phục vụ cho hoạt động cải tiến.

Hiện nay còn tồn tại nhận thức chưa đúng về ISO, nhiều người còn nhận thức rằng ISO chỉ có thể được áp dụng cho doanh nghiệp. Trong thực tế, ISO có thể được áp dụng vào bất kỳ loại hình tổ chức nào (doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính…). Chính vì vậy, mỗi một nước, mỗi một ngành phải có sự vận dụng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng này và vận dụng một cách đúng đắn, không sai lệch, không cứng nhắc.

Thiếu quy trình công tác, làm việc theo kiểu chủ nghĩa kinh nghiệm, gặp đâu làm đó, nhớ đâu làm đó, không tuân theo nguyên tắc nào chính là hiện tượng phổ biến ở nhiều cơ quan hành chính. Điều đó dẫn đến hiệu quả, hiệu suất thấp, vi phạm quy trình công tác do thiếu hiểu biết. Việc áp dụng bộ ISO vào công tác hành chính công giúp cho những người có liên quan nắm được công việc minh làm, biết được mình đang ở bước nào, những việc gì cần làm tiếp theo; giúp các cá nhân phối hợp tốt với nhau, tạo ra cả bộ máy vận hành trơn tru.

4. Đổi mới thực sự trong công tác bổ nhiệm cán bộ

Công tác bổ nhiệm cán bộ nên đổi mới theo hướng công khai để có thể khuyến khích được cán bộ có năng lực thực sự. Hiện nay, việc xem xét, bổ nhiệm cán bộ chủ yếu dựa trên đánh giá và quyết định của lãnh đạo, mà sự đánh giá chủ quan đôi khi không toàn diện và chính xác được.

Để có thể lựa chọn được người thực sự đáp ứng yêu cầu bổ nhiệm đối với chức danh cụ thể, có thể làm theo hình thức tuyển chọn được áp dụng trong mô hình của nhiều doanh nghiệp hiện nay: Xét duyệt hồ sơ - phỏng vấn - tuyển chọn. Theo mô hình vận động bầu cử ở nước ngoài, đối với mỗi ứng viên, để được lựa chọn vào mỗi vị trí nhất định, cần phải thể hiện được trình độ, năng lực của mình thuyết phục được người bỏ phiếu; phải có chương trình hành động cụ thể khi được bổ nhiệm vào chức vụ. Điều này giúp cho những người tham gia tranh cử vào từng vị trí phải có sự tìm hiểu kỹ càng về công việc của vị trí đó phải đảm nhiệm, tránh sau khi đã được bổ nhiệm phải mất thời gian để thích nghi với công việc mới.

Vì vậy, để phòng chống tiêu cực, mỗi cơ quan đơn vị cần tổ chức một hội đồng đánh giá, trực tiếp phỏng vấn và đánh giá các ứng viên, trên cơ sở đó ra quyết định cuối cùng, sao cho đảm bảo lựa chọn được người cán bộ xứng đáng nhất cho mỗi vị trí, có chương trình hành động thuyết phục nhất.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/chinh-tri/tim-kiem-sang-kien-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh/2013/11/81020cf2/tap-trung-4-giai-phap-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh/