Tập thơ tình 'Trăng ướt' của Trần Gia Thái: Giản dị và lay động

'Trăng ướt' là tập thơ mới nhất của nhà văn, nhà báo Trần Gia Thái vừa được Nhà Xuất bản (NXB) Hội Nhà văn giới thiệu cùng bạn đọc. Tác phẩm gọn gàng, nhỏ nhắn với 45 bài thơ tình đa dạng về thể loại đã cho thấy ít nhiều những thú vị về một người làm thơ lặng lẽ lâu nay phía sau một nhà báo, nhà quản lý. Trong đó, dù là với tâm thế nào thì những câu thơ đều xao xuyến vẻ đẹp giản dị và lay động, tự nhiên như niềm vui, nỗi buồn mỗi ngày…

Nhà thơ, nhà báo Trần Gia Thái nguyên là Tổng Giám đốc Đài PTTH Hà Nội, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Nghĩa là song song với công việc làm báo, quản lý, lâu nay ông vẫn viết như một thôi thúc của người vốn nhiều rung cảm với đời sống. “Trăng ướt” cũng không phải tập thơ đầu tiên, đó là sự tiếp nối các tập thơ trước như “Lời nguyện cầu trước lửa”; “Mưa không mùa”; “Ký ức khát” đều do NXB Hội Nhà văn giới thiệu lần lượt vào các năm 2011, 2012, 2013.

Là tập thơ tình, nhưng “Trăng ướt” không chỉ thăm thẳm những cung bậc cảm xúc về bóng giai nhân, dẫu rằng đó là miền cảm hứng đẹp đẽ và đầy dẫn dụ với người đọc. Trần Gia Thái trải lòng mình trong đa chiều cuộc sống và để lại trong những câu thơ cái giăng mắc của lòng người về tình yêu, lòng tin, nỗi trăn trở trước cuộc đời, là tình yêu lứa đôi, những mùa thương về Hà Nội, hay đứng trước tiếng ve, mảnh trăng quê…

Và cho dù nói về điều gì, thì sau tất cả là cảm hứng sống tha thiết của nhà thơ, thứ làm cho con người trở nên người hơn. “Gia tài dành em còn lại bài thơ/Xanh hơn biển mặn mòi hơn biển” (Làm sao quên được); “Ơ hay say lạ nhỉ/Rót đầy miền yêu thương/Thì em ơi cứ để/Anh say như lẽ thường…” (Khi say). “Yêu anh em được gì/Dỗi hờn và trách móc/Yêu anh em được gì/Khổ đau và nước mắt”, “Nhưng mỗi ngày mỗi hẹn/Thương nhớ cứ thêm dày/Tình yêu là thế đấy/Ngọt bùi và đắng cay” (Được mất)…

Trần Gia Thái có khá nhiều bài thơ ngũ ngôn thú vị mà ám ảnh, bởi nó bắt được một khoảnh khắc nào đó của đời sống, rất buồn mà cũng rất lay động, nhiều chất điện ảnh. Như “Hai người” (Người đi người không nhớ/Người về người không mong/Có hai người dưng lẻ/Thuê chung một căn phòng/Rồi một hôm cửa đóng/Cả hai đi không về/Căn phòng thay khóa mới/Lại hai người khác thuê). Hay “Chia xa” (Chia xa không gặng hỏi/Chia xa không cất lời/Mặt không nhìn thấy mặt/Cứ thế mà xa thôi/Lỗi vì chân thiện quá/Lỗi vì bao dung nhiều/Hay lỗi vì trễ muộn/Đắm đuối còn bao nhiêu)…

Thơ muôn đời nay như vậy, còn làm xao động lòng người, còn gắn kết con người với nhau cũng bởi khả năng ôm chứa, khơi gợi những cảm xúc phía sau ngôn từ. Nói cách khác, có được những câu thơ giàu mỹ cảm thì ngoài khả năng biểu đạt chủ quan, nhà thơ phải cần đến một đời sống nhiều trải nghiệm, dồi dào cảm xúc. Như Chế Lan Viên từng viết “Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi/Còn một nửa cho mùa thu làm lấy/Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá/Nó không là anh, nhưng nó là mùa”.

Đọc thơ Trần Gia Thái thấy được cái “một nửa của mùa thu” đã bước vào trong thơ, giản dị mà cất tiếng, mà tha thiết sự níu kéo không chỉ là tình yêu đôi lứa mà rộng hơn là tình yêu con người với con người, con người với cuộc sống. Đúng như chia sẻ của nhà văn Văn Chinh khi viết lời tựa cho tập thơ này: “Tôi tiếp nối cái nhìn ấy và tự nhiên lây nhiễm niềm day dứt bất an, làm thế nào để gắn kết sự dưng lẻ? Làm thế nào để cứu vãn và liệu có thể cứu vãn được chăng? Tôi không biết chắc, chỉ chắc chắn rằng, con người sẽ tự giải thể và giải thể lẫn nhau nếu cứ dưng lẻ, nếu không còn yêu nhau”.

Thi Thi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/855148/tap-tho-tinh-trang-uot-cua-tran-gia-thai-gian-di-va-lay-dong