Tập huấn về soạn thảo văn bản pháp luật trong lĩnh vực tài chính

(HQ Online)- Sáng 29-7, tại Quảng Ninh, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng soạn thảo và xây dựng chính sách trong lĩnh vực Tài chính theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cho các cán bộ công chức của ngành Tài chính.

Quang cảnh buổi tập huấn.

Ông Đặng Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực do đó lãnh đạo Bộ Tài chính luôn xác định việc xây dựng và ban hành văn bản pháp luật là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành.

Do khối lượng văn bản ban hành hàng năm rất lớn nên việc thực hiện công tác này gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy, thực tế công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật ngành Tài chính vẫn đạt kết quả cao vì cán bộ trong Ngành luôn nắm vững quy trình và có kỹ năng liên quan đến xây dựng thể thức văn bản.

Đồng ý với nhận định này, bà Bùi Thu Hằng – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá: Bộ Tài chính là một trong những Bộ xây dựng rất nhiều văn bản nhất. Một năm, Bộ Tài chính soạn thảo 6 Luật, từ 20 đến 30 Nghị định và khoảng 300 Thông tư. Với khối lượng công việc lớn, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong quy trình nên lập tức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của Bộ Tài chính.

Theo bà Hằng, hiện nay, với công nghệ ngày càng hiện đại, việc xây dựng văn bản dễ dàng hơn khi có "form" mẫu chuẩn. Các điều khoản thi hành, viện dẫn đều sẵn có nên tiện ghép nội dung và tự động thay đổi số điều, số chương. Tính toán ở Canada, mỗi công đoạn xây dựng văn bản Luật được ứng dụng công nghệ thì có thể tiết giảm được từ 30-50% sức lao động. Những điều này ở Việt Nam chưa thực sự triển khai được.

Chuyên gia Dự án phát triển lập pháp quốc gia (NLD) hiện đang hỗ trợ xây dựng phần mềm soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho Việt Nam. Trước khi được sự hỗ trợ của chuyên gia, Bộ Tư pháp cũng đã ứng dụng thủ thuật mới là đánh số điều tự động trong soạn thảo. Bà Hằng hi vọng, thời gian tới, với sự giúp đỡ của Dự án NLD, Việt Nam sẽ xây dựng được những "form" mẫu sẵn để giúp cán bộ dễ dàng hơn trong việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Tại Hội nghị, các CBCC ngành Tài chính cũng đã nghe bà Bùi Thu Hằng giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và văn bản hướng dẫn với những phân tích cụ thể sự khác nhau trong quy trình xây dựng ban hành văn bản của Luật cũ và Luật mới để giúp các cán bộ ngành Tài chính có một bức tranh tổng thể về quy trình xây dựng văn bản.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 với nhiều nội dung mới điều chỉnh toàn diện công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Để hướng dẫn triển khai và tổ chức thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, ngày 14-5-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, trong đó giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngành Bộ hướng dẫn việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong phạm vi Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Quyết định số 1480/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính.

Chính vì thế, Bộ Tài chính đã phối hợp với Dự án NLD tổ chức hội nghị này vừa mang tính chất tập huấn, mang tính chất trao đổi với các đại diện đơn vị thực hiện xây dựng văn bản, và các đơn vị đặc biệt là địa phương để triển khai thực hiện một cách thống nhất.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tap-huan-quy-trinh-soan-thao-van-ban-phap-luat-moi-trong-linh-vuc-tai-chinh.aspx