Tập đoàn Sao Mai giải 'bài toán khó về chợ mới'

Với năng lực của một nhà đầu tư kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp và uy tín hàng đầu ĐBSCL vừa có “tâm” vừa có “tầm”, Sao Mai đã từng bước hoàn thành công tác di dời chợ theo kế hoạch đề ra.

Đầu tư xây dựng chợ mới thay thế chợ cũ đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn là nhu cầu cần thiết đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với chủ trương của Chính phủ.

Qua đó, cũng nhằm tạo thuận lợi trong việc giao thương, mua bán của người dân. Tuy nhiên, không phải sự ra đời của ngôi chợ mới nào cũng “thuận buồm xuôi gió” khi mà còn vướng phải nhiều cản lực vô hình và hữu hình đã khiến cho những ngôi chợ mới chưa phát huy được những công năng vốn có của nó.

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có rất nhiều chợ xuống cấp trầm trọng không xứng tầm với việc phát triển kinh tế xã hội, chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm trao đổi hàng hóa của người dân.

Hơn nữa, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) không bảo đảm, hệ thống thoát nước thải quá tải, không có nơi xử lý rác, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm… Thực trạng đó ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thậm chí là sự an toàn tính mạng bởi gần đây xảy ra hàng loạt các vụ việc cháy chợ nghiêm trọng...

Do vậy, xây chợ mới là bước đột phá quan trọng, có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong và ngoài vùng thông thương, trao đổi hàng hóa.

Một chợ mới do Tập đoàn Sao Mai xây dựng, thu hút nhiều tiểu thương và người dân đến mua sắm, trao đổi hàng hóa.

Từ ý tưởng thiết thực mang đậm chất nhân văn ấy nên những ngôi chợ mới dần được ra đời hội tụ tất cả các tiêu chí xứng tầm với sự phát triển kinh tế-xã hội quốc gia cũng như nhận được hầu hết sự đồng tình người dân cũng như tiểu thương. Thế nhưng, có một số tiểu thương chưa chịu di dời sang chợ mới bởi họ chưa hiểu hết tầm quan trọng và khả năng phát triển trong việc kinh doanh khi di dời sang các ngôi chợ này.

Bên cạnh đó, họ còn bị dao động bởi những luận điệu xuyên tạc gắn với quyền lợi một số cá nhân hưởng lợi ăn theo, gây nhiễu loạn thông tin, trật tự trị an, ảnh hưởng đến kinh doanh của chính các tiểu thương.

Một số tiểu thương kinh doanh tại các chợ mới cho biết: “Khi có chủ trương di dời chợ cũ sang chợ mới, phần lớn tiểu thương buôn bán cũng đi vào ổn định nhờ những chính sách hỗ trợ của chủ đầu tư nên chúng tôi đã dần thích nghi với ngôi chợ mới sạch sẽ, khang trang, khách hàng cũng cảm thấy thoái mái khi đi chợ… nhưng chỉ có vài tiểu thương chợ cũ còn bám chợ gây rối trật tự thôi”.

Mặc dù, việc di dời chợ cũ sang chợ mới chưa đạt kết quả như kỳ vọng nhưng nếu như có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền địa phương, tăng cường các biện pháp tuyên truyền thông tin được sâu – rộng.

Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tiểu thương và triển khai xử lý kịp thời, cho các tiểu thương thấu hiểu hơn về tương lai đang mở ra trước mắt cho chính họ khi di dời vào kinh doanh trong ngôi chợ mới thì chắc rằng những vướng mắc trong quá trình di chuyển sẽ được hóa giải.

Trên tinh thần dân chủ, hiện nay công tác di dời chợ ở các tỉnh, thành trên cả nước bước đầu đã nhận được sự đồng tình của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và nhất là sự đồng thuận của nhân dân và các hộ kinh doanh trong chợ tiêu biểu như: từ chợ vỉa hè sang chợ tạm phường Đoàn Kết Gia Lai (Lai Châu), chợ phiên Bãi Cháy (TP Hạ Long) về khu vực chợ mới, Chợ Đầm (Nha Trang) sang chợ Đầm mới, chợ Long Xuyên (An Giang) sang chợ Cái Sao.

Trong đó, phải kể đến việc di dời từ chợ Tân Hiệp cũ sang chợ Tân Hiệp mới (Kiên Giang) do Tập đoàn Sao Mai làm chủ đầu tư. Lúc đầu di dời còn gặp nhiều khó khăn bởi một số tiểu thương và người dân có nhà ở khu vực chợ cũ không đồng tình với phương án dời chợ, nên đã xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài và một số vụ kích động, lôi kéo tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự tại địa phương…

Tuy nhiên, với năng lực của một nhà đầu tư kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp và uy tín hàng đầu ĐBSCL vừa có “tâm” vừa có “tầm”, Sao Mai đã từng bước hoàn thành công tác di dời theo kế hoạch đề ra. Thông qua việc ban hành các chính sách ưu đãi thiết thực giúp bà con tiểu thương ăn nên làm ra trên những ngôi chợ hiện đại này.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn sự hỗ trợ tích cực từ ngân hàng thương mại xây dựng kênh tín dụng dành riêng cho các tiểu thương với lãi suất ưu đãi giúp họ có nguồn vốn để an tâm kinh doanh buôn bán.

Đây là cách dần tiến tới loại bỏ tình trạng cho vay nặng lãi gây bất lợi cho tiểu thương đã tồn tại từ rất lâu ở các ngôi chợ cũ, lồng ghép vào đó là nhiều chương trình kích hoạt người tiêu dùng đến mua hàng giúp tiểu thương có đầu ra ổn định. Nhờ vậy mà những ngôi chợ mới do Sao Mai xây dựng bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan.

Nếu như phương pháp di dời chợ hợp lòng dân như Tập đoàn Sao Mai đã áp dụng được nhân rộng hơn nữa, ở nhiều địa phương khác thì chuyện dời chợ sẽ không còn là bài toán hóc búa cho các chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương các cấp.

Phương Lan

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/tap-doan-sao-mai-giai-bai-toan-kho-ve-cho-moi-418845/