Táo Ý, thịt lợn Đức, trái cây Bỉ sắp đến Việt Nam

Hơn 40 doanh nghiệp nông sản – thực phẩm của châu Âu đang có chuyến thăm Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội quảng bá sản phẩm chất lượng cao trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Nga.

Người đứng đầu lĩnh vực nông nghiệp của Liên minh châu  (EU) đang dẫn đầu một đoàn thương mại cấp cao gồm 42 doanh nghiệp nông sản – thực phẩm đang có chuyến thăm Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội quảng bá sản phẩm chất lượng cao trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào năm 2018.

Trong đoàn có đại diện của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chăn nuôi, chế biến thịt gia súc, gia cầm, đồ uống (sữa, rượu mạnh và rượu vang), và rau củ quả …

Đáng chú ý, Hiệp hội các nhà trồng táo Ý – Assomela sản xuất khoảng 80% tổng sản lượng táo của nước này và 20% tổng sản lượng táo của châu Âu. Pernod Ricard của Đức là hãng thứ hai thế giới về rượu vang và rượu mạnh, với doanh thu thuần đạt hơn 8,5 tỷ EUR trong năm 2015.

Tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp trong đoàn lên đến 170 tỷ EUR, ông Phi Hogan, Cao ủy Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của EU cho biết trong buổi họp báo sáng ngày 3/11 tại Hà Nội.

Ông Phi Hogan (thứ hai từ trái sang), Cao ủy Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của EU, phát biểu tại buổi họp báo này 3/11. Ảnh: Minh Tuấn.

Việt Nam là điểm trung chuyển cho hàng châu Âu vào ASEAN

Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn doanh nghiệp trong tour tới 3 nước gồm Việt Nam, Singapore và Indonesia từ ngày 2 đến 9/11. Mục tiêu của đoàn thương mại nhằm quảng bá chất lượng và sự đa dạng của thực phẩm, đồ uống châu Âu, và đa dạng hóa thị trường khi Nga cấm nhập khẩu nông sản từ EU cách đây 2 năm, ông Hogan nói.

Ngoài ra, chuyến đi còn nhằm tăng khả năng tiếp cận hai chiều cho các hàng nông sản – thực phẩm sản xuất tại Việt Nam và EU, nhất là khi Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2018.

Người phụ trách ngành nông nghiệp của EU tin rằng người tiêu dùng Việt sẽ lựa chọn các sản phẩm của EU cho gia đình mình khi đã dùng quen, bởi các sản phẩm này đề cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, và có nguồn gốc rõ ràng.

EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu tận dụng các lợi thế của Việt Nam để làm ăn trong tương lai, ông Phil Hogan nói.

“Việt Nam được coi là nước trung gian để phân phối hàng hóa châu Âu vào các nước khác trong khu vực. Mặt khác, Việt Nam có thể sử dụng châu Âu làm bàn đạp để bổ sung chuỗi sản phẩm vào thang sản xuất của mình”, đại diện của EU chia sẻ.

Ông Phil Hogan cho biết EU sẵn sàng chia sẽ mô hình nông nghiệp hiện đại để Việt Nam tham khảo, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc thực thi EVFTA.

Doanh nghiệp châu Âu quan tâm tới ngành sữa và đồ uống

Trả lời câu hỏi của BizLIVE về mức độ quan tâm của các doanh nghiệp châu Âu đối với đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, ông Phil Hogan cho biết ngành sữa, thực phẩm và đồ uống được các doanh nghiệp châu Âu đặc biệt quan tâm.

Theo đó, ngành sữa của Việt Nam mới chỉ đảm bảo 25% nguyên liệu đầu vào, 75% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Đầu tư sang Việt Nam không chỉ nhắm tới 92 triệu người tiêu dùng Việt mà còn hướng tới các thị trường lân cận.

Điều kiện tiên quyết đối với các doanh nghiệp châu Âu khi quyết định đầu tư là sự ổn định về chính sách. EVFTA được ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu này của các doanh nghiệp châu Âu, ông Hogan cho biết.

Kinh ngạch thương mại Việt Nam – EU đạt trên 38,4 tỷ EURnăm 2015, trong đó Việt Nam xuất sang EU 29,9 tỷ euro. Cũng trong năm này, Việt Nam đứng thứ 21 trong danh sách các đối tác thương mại của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT, trong đổi thương mại giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực nông nghiệp đạt gần 4 tỷ EUR năm 2015, trong đó Việt Nam xuất sang EU 2,3 tỷ EUR và nhập hơn 1 tỷ EUR hàng nông sản từ thị trường gồm 28 nước châu Âu.

Minh Tuấn

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/tao-y-thit-lon-duc-trai-cay-bi-sap-den-viet-nam-2153425.html