Tạo vốn từ niềm tin

Vấn đề chủ yếu nằm ở chỗ: hiệu quả sử dụng đồng vốn đó, trước hết là trong đầu tư công như thế nào?

Khi bàn về nợ công, nhiều chuyên gia kinh tế đã lưu ý: Không nên quá quan tâm tỷ lệ nợ công cao hay thấp, mà

...Hiện nay, với chỉ số ICOR (tỉ lệ vốn đầu tư cho một đơn vị tăng trưởng) cao, thì dù tỷ lệ nợ công/GDP ở mức bình thường, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô. Cùng với điều chỉnh tỷ lệ và cơ cấu các nguồn vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn là một trong những mục tiêu chính của quá trình tái cơ cấu đầu tư công.

Cho nên, tại phiên thảo luận của Quốc hội về ngân sách ngày 28/10 vừa qua, đã có những phản ứng khác nhau, tán thành hoặc không, trước đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT: cho phép sử dụng số tiền thu được từ chênh lệch giá dầu thô giữa thực tế và mức dự kiến (khoảng 40.000 tỷ đồng) để đầu tư hoàn thành các công trình giao thông dở dang.

Trong đó, ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), dường như dung hòa được hai luồng ý kiến nói trên và được nhiều người cho là thỏa đáng. Ông ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT, nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư cho giao thông, kèm theo 3 điều kiện: Một là, ngành Giao thông phải chống tiêu cực trong xây dựng, đừng để lặp lại những PMU18, PCI. Hai là, nâng cao năng lực quản trị dự án, ở đâu chậm trễ, lôi thôi cứ “trảm tướng” như Bộ trưởng đã làm. Ba là trong xây dựng giao thông, mục tiêu thời gian phải được ưu tiên hơn tiền “chậm tiến độ, chậm thời gian còn nguy hại hơn là mất tiền. Mất tiền còn kiếm được, mất thời gian thì không”...

Nội dung ý kiến nói trên phản ánh sự lo lắng chung đối với những khuyết tật của đầu tư công. Đồng thời phát đi thông điệp: Nếu ngành xây dựng giao thông khắc phục được những mặt yếu kém, lấy lại được niềm tin, thì ngay trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, nhà nước và xã hội vẫn sẽ “xem giỏ bỏ thóc”, sẵn sàng gửi gắm những nguồn vốn bổ sung quý giá để phát triển kết cấu hạ tầng, đang còn nhiều “thắt cổ chai” kìm hãm quá trình phát triển đất nước...

Nên chăng, khi xây dựng các đề án thực hiện tái cơ cấu đầu tư công và đột phá phát triển kết cấu hạ tầng, cần tránh trích dẫn quá nhiều nghị quyết, dùng lời lẽ sáo mòn, hô khẩu hiệu và đưa ra giải pháp chung chung, mà phải đổi mới tư duy. Trong đó, một nội dung không thể thiếu là “lấy lại niềm tin của nhà nước và xã hội”: phân tích sâu sắc những mặt yếu kém, có giải pháp khắc phục thiết thực và cụ thể, giải tỏa những nghi ngại và bức xúc của nhân dân bằng việc làm, hành động thuyết phục...

Có thể nói, “lấy lại được niềm tin của nhà nước và xã hội”, việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công cơ bản hoàn thành phần cốt lõi nhất, là nội lực quyết định quá trình đột phá phát triển kết cấu hạ tầng.

Quang Tuấn

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/Du-an---Nha-thau/Goc-nhin/Tao_von_tu_niem_tin/