Tạo tiền đề pháp lý cho giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế

- Vậy theo ông, đâu là hướng tiếp cận mà các quốc gia có liên quan nên theo đuổi để bảo đảm hòa bình, thịnh vượng chung?

- Tôi cho rằng giải pháp khả dĩ nên tính đến vào lúc này là dựa vào phán quyết, xem đó như căn cứ pháp lý chung cho các bên liên quan trong việc tìm đến một giải pháp chính trị, ngoại giao thực chất vì quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan. Theo đó, các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông sẽ tận dụng giá trị pháp lý của phán quyết để củng cố khối đoàn kết, có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn, đặc biệt là khai thác nội dung phán quyết để phục vụ cho việc xây dựng và ký kết được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà cho đến nay vẫn bị “đường lưỡi bò” ngáng trở. Trong ngắn hạn, để ủng hộ chủ trương kiểm soát tình hình tranh chấp Biển Đông bằng việc thông qua COC, có lẽ các quốc gia cần thiết lập một thiết chế khu vực (tài phán và thực thi pháp luật) để xử lý tranh chấp, kiểm soát tình hình, không để các tranh chấp bùng nổ, tạo môi trường chính trị thuận lợi để các bên liên quan có thể cùng nhau tìm giải pháp giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Ngoài ra, chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa vào các phương tiện pháp lý quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 cần tiếp tục được duy trì. Các cuộc tiếp xúc đàm phán song phương hoặc đa phương tùy theo số lượng các chủ thể có liên quan đến các tranh chấp cụ thể phải được ủng hộ. Nếu các cuộc đàm phán đó không thành công thì cần sử dụng đến vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế mà hình thức và nội dung khởi kiện phải theo đúng thủ tục có liên quan đến thẩm quyền xét xử của các cơ quan này theo quy định của pháp luật quốc tế hiện hành. Cùng với đó, các bên bị xâm phạm bởi yêu sách phi lý của Trung Quốc cần tiếp tục triển khai mặt trận đấu tranh pháp lý mạnh mẽ, thiết thực, cụ thể hơn. Muốn làm được điều này thì cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung của phán quyết, coi đây là một căn cứ có giá trị, một bài học kinh nghiệm quý giá góp phần đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan theo nguyên tắc cùng thắng, hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc, bất kể lớn nhỏ hay giàu nghèo. Trong cuộc đấu tranh đó, cần có sự phản đối và có biện pháp ngăn cản các hoạt động đơn phương trái với quy định của luật pháp quốc tế, chống lại các hoạt động quân sự hóa Biển Đông có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang, gây ra chiến tranh, đe dọa hòa bình, an ninh trong khu vực và quốc tế.

Đối với Việt Nam, một trong những việc làm quan trọng của chúng ta lúc này là phải để cho dư luận thế giới hiểu rõ các quyền hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông đến đâu. Tìm hiểu cặn kẽ vụ kiện của Philippines không chỉ giúp chúng ta tự tin đưa ra phản ứng phù hợp, công khai ủng hộ lợi ích hợp pháp của mình.

- Theo ông, liệu có khả năng về việc một bên đơn phương sẽ tiến hành những hành vi mang tính liều lĩnh hay không?

- Hiện nay, mối quan tâm lo ngại của dư luận quốc tế, khu vực là liệu Trung Quốc có gia tăng căng thẳng bằng những hành vi phiêu lưu quân sự mạo hiểm ở Biển Đông hậu phán quyết hay không? Từ lâu đã có những quan điểm, phân tích của giới nghiên cứu, giới quan sát tin rằng, Trung Quốc có thể đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, xây dựng đảo nhân tạo ở Scarborough như đã làm ở Trường Sa...

Thực tế, việc Trung Quốc có leo thang và phản ứng liều lĩnh với phán quyết của Tòa trọng tài, hay lấy cớ Tòa trọng tài ra phán quyết bất lợi cho họ để có một hoặc một vài hành động ngoài thực địa thực chất là tính toán chiến lược của họ, không phụ thuộc vào phán quyết của Tòa... Tuy nhiên, tôi cho rằng trong lịch sử quan hệ quốc tế, giải pháp chính trị, ngoại giao gần như đã trở thành vũ khí mạnh mẽ nhất, sắc bén nhất, có hiệu quả nhất giúp loài người thoát khỏi những cuộc chiến tranh đẫm máu, ngăn chặn khủng bố, vạch trần và chặn đứng những âm mưu gây chiến tranh xâm lược, vi phạm chủ quyền quốc gia, phá hoại hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển, hữu nghị giữa các nước, các dân tộc… Trước những thời cơ và thách thức hậu phán quyết như trình bày ở trên, giải pháp được ưu tiên vào lúc này vẫn là chính trị và ngoại giao.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Linh thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/842143/tao-tien-de-phap-ly-cho-giai-quyet-hoa-binh-cac-tranh-chap-quoc-te