Tạo thuận lợi để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Một trong những hoạt động ở các tổ của Quốc hội được nhiều người quan tâm trong tuần qua là Quốc hội đã thảo luận về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Khẳng định sự cần thiết phải ban hành luật, nhưng các đại biểu Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính khả thi cần rà soát kỹ lưỡng các quy định, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các luật và tạo sự công bằng trong hỗ trợ doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Cần tạo cơ chế, môi trường thuận lợi

Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV được xây dựng gồm 6 chương với 45 điều, quy định cụ thể về các nội dung hỗ trợ cơ bản DNNVV; chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân; ngân sách, cơ chế phối hợp, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV...

Đa số ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành luật. Đại biểu Phan Việt Cường (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, DNNVV có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, tham gia giải quyết việc làm và các vấn đề an sinh xã hội, do vậy việc ban hành luật hỗ trợ đối với loại hình doanh nghiệp này là hết sức cần thiết. Đại biểu Lâm Đình Thắng (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá, Luật Hỗ trợ DNNVV có ý nghĩa lớn với cộng đồng doanh nhân, do đó phải sớm ban hành, đưa vào áp dụng thực tiễn khi làn sóng khởi nghiệp đang dâng cao.

Đại biểu Phan Việt Cường đề xuất thêm, để tạo điều kiện cho loại hình doanh nghiệp này tham gia các hoạt động kinh tế, đề nghị chỉ nên chia doanh nghiệp thành hai loại: Doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp nhỏ (bỏ doanh nghiệp siêu nhỏ và chuyển vào nhóm doanh nghiệp nhỏ) và bổ sung doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ… Về các nội dung hỗ trợ cơ bản DNNVV, nhiều đại biểu tán thành với quy định tại dự thảo luật. Theo đó, quy định các nội dung hỗ trợ cho DNNVV gồm: Gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, thuê mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật đưa ra nhiều sự hỗ trợ cho DNNVV về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ kỹ thuật... Tuy nhiên, trong những văn bản pháp luật cũng như nghị quyết của Đảng đều quy định cạnh tranh bình đẳng và tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp vươn lên, tránh ỷ lại cũng như tránh sự thiếu bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Theo đại biểu, cần tạo cơ chế, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất các hỗ trợ mang tính trực tiếp hoặc hỗ trợ tài chính. Việc hỗ trợ phải mang tính khuyến khích doanh nghiệp lớn mạnh, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp "không chịu lớn", chỉ thích nhỏ để được hỗ trợ và doanh nghiệp càng nhỏ thì nhận hỗ trợ càng nhiều.

Rà soát kỹ lưỡng, tránh chồng chéo

Tại phiên thảo luận ở tổ trong tuần qua, một số đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến cho rằng, hiện đã có rất nhiều luật, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ DNNVV, nhưng do còn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, tổ chức thực hiện chưa tốt nên việc hỗ trợ DNNVV không có hiệu quả. Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Hồng Diên (Đoàn Thái Bình) lo ngại về tính chồng chéo khi cho rằng, luật này được ban hành sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác quy định về hỗ trợ DNNVV, có nhiều nội dung quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh của hơn 10 luật khác. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của dự án luật đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Đoàn Sóc Trăng) đề nghị, cần rà soát lại hệ thống pháp luật, xem cơ chế, chính sách đề ra cho DNNVV.

Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về việc ban hành dự án luật có vi phạm cơ chế thị trường, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp? Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình): "Thực tế, từng có trường hợp doanh nghiệp nước ngoài khởi kiện nước ta vì trợ giá, vi phạm quy tắc về đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp. Vậy nếu ban hành chính sách trợ giá cho DNNVV thì có vi phạm các điều ước quốc tế hay không? Ngân sách nhà nước có bị đẩy vào tình trạng quá tải khi thực hiện hỗ trợ DNNVV?"...

Tại phiên thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu đều đồng tình nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, điều cốt lõi là tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn phát triển; trong đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa DNNVV với doanh nghiệp lớn để tạo thành chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, cạnh tranh. Các đại biểu cũng kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính một cách thực chất; rà soát loại bỏ rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý; tạo điều kiện tốt nhất và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và công dân.

Phương Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thuong-hieu-DN/854852/tao-thuan-loi-de-doanh-nghiep-nho-va-vua-phat-trien