Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp - chìa khóa thu hút đầu tư

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xác định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chính là chìa khóa thu hút đầu tư.

BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Khóa XIV tỉnh Thừa Thiên Huế xung quanh nội dung này.

BNEWS: Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thủ tục hành chính là rào cản lớn nhất hiện nay bởi thời gian kéo dài gây giảm sút hiệu quả đầu tư, thậm chí làm nản lòng doanh nghiệp. Triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ, tỉnh đã có những động thái cải thiện tình hình này như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Ngọc Thọ: Đây cũng chính là mục tiêu được tỉnh đặt ra khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 35. Xác định cải cách hành chính là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế đã tập trung đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực.

Một số lĩnh vực được địa phương đặc biệt chú trọng như: đầu tư, đất đai, xây dựng, sở hữu nhà ở, thuế, hải quan, xuất khẩu, nhập khẩu, y tế, tiếp cận điện năng, quản lý thị trường... nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế.

Với mục tiêu rất rõ ràng, phấn đấu đến năm 2020, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%, Thừa Thiên Huế đã chủ động đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Sản xuất sợi ở Công ty Cổ phần Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt-TTXVN

Tỉnh từng bước cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp, tạo sự công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước.

Trách nhiệm và đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội được đề cao và thực hiện song song với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành.

Cùng đó, tỉnh cũng chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội quy, quy chế và các quy định trong quản lý nhà nước ở từng cơ quan, đơn vị.

Qua đó, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm để tạo chuyển biến rõ nét trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Vấn đề cải cách thủ tục hành chính và nâng cao các chỉ số ngành cần được đưa vào một cách hệ thống để nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi nhất, chi phí ít tốn kém nhất, thời gian ít nhất và chất lượng phục vụ của cơ quan Nhà nước cho nhà đầu tư tốt nhất.

BNEWS: Xin ông chia sẻ những kết quả bước đầu từ sự hỗ trợ cụ thể của tỉnh dành cho doanh nghiệp?

Ông Phan Ngọc Thọ: Năm 2016 được tỉnh xác định là “Năm Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế” và đã tổ chức nhiều khóa tập huấn nâng cao năng lực của doanh nghiệp, nhất là về các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.

Tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp thanh, kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký thành lập nhằm đảm bảo hạn chế tối đa thời gian doanh nghiệp phải làm việc với các đơn vị thanh, kiểm tra.

Trước đây, Thừa Thiên Huế đã xây dựng được hình thức “một cửa” với phương châm là thân thiện hơn, đúng hẹn hơn và hiện đại hơn.

Phương châm ấy giúp nhà đầu tư tới Thừa Thiên Huế có quá trình giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy trình, đúng quy định; cùng đó là chi phí đỡ tốn kém nhất.

Điều mà doanh nghiệp đặc biệt cần là tác phong làm việc nhanh gọn của cán bộ công chức và thái độ thân thiện nhất.

Tất cả những yếu tố này phải trở thành thực chất của nền hành chính đất nước, nhất là khi Việt Nam đang đi trên con đường xây dựng một nền hành chính tiên tiến với sự cải cách nhiều hơn; tạo thuận lợi cho các tổ chức doanh nghiệp trong quá trình tham gia đầu tư trên địa bàn.

Hiện Thừa Thiên Huế duy trì kênh đối thoại trực tuyến “Trao đổi và tháo gỡ” theo định kỳ 2 tháng/lần giữa UBND tỉnh chủ trì, các sở, ban, ngành với cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân nhằm trao đổi và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục kiện toàn bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo 100% các cơ quan có bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

Đồng thời thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ và tiếp nhận các phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm khắc phục và cải thiện môi trường đầu tư ngày một tốt hơn.

Đường dây nóng được thành lập và công khai ở tất cả các cơ quan; hỏi đáp trực tuyến trên cổng Thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.

Điều này cũng được cụ thể hơn qua việc tỉnh đã phát động chương trình “Nụ cười công chức năm 2016”.

Chính những yếu tố này đã giúp củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Đến hết quý III/2016, tỉnh có 492 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tỉnh cũng cấp mới 22 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 4.900 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã thêm 9 dự án đăng ký mới có số vốn 23,42 triệu USD, tăng 3 dự án và bằng 1/3 vốn so với cùng kỳ năm trước.

Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 7.000 doanh nghiệp hoạt động; trong đó gồm nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 80 - 85% tổng thu ngân sách của tỉnh, khoảng 70 - 75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành tỉnh khá của cả nước.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chính là chìa khóa thu hút đầu tư. Những chuyển biến về cách ứng xử, giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp với tinh thần “thân thiện, lắng nghe, tận tâm” đã giúp nâng cao hiệu quả trong nắm bắt, giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

BNEWS: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-chia-khoa-thu-hut-dau-tu/26888.html