Tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng quốc phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn chiến lược

Ngày 20-2-1985, Binh đoàn 15 được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), có nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng dân cư-xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Trải qua 32 năm xây dựng và phát triển, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội với quốc phòng, an ninh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự đùm bọc, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 15 đã phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, năng động, sáng tạo, gắn bó với nhân dân, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh.

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, các thế lực thù địch thường xuyên kích động, chia rẽ dân tộc, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất ổn định chính trị. Đây cũng là địa bàn có khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt, giao thông không thuận lợi, kinh tế-văn hóa-xã hội chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn… Vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Binh đoàn 15 gặp muôn vàn khó khăn, thách thức do thiếu thốn nguồn nhân lực, giống, vốn, đất đai; những năm mới thành lập, cán bộ, chiến sĩ vừa bước ra từ các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hầu hết chưa được đào tạo về kiến thức quản lý kinh tế, kỹ năng, kỹ thuật canh tác nông nghiệp còn yếu; trong khi đó, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, kinh tế chủ yếu tự cấp tự túc, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu. Song với tinh thần vượt khó, cán bộ, chiến sĩ, người lao động đã đồng cam cộng khổ, cùng với đồng bào địa phương từng bước biến những vùng đất còn hoang hóa, nhiều tàn tích sau chiến tranh trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, với bạt ngàn cao su, cà phê, tiêu, lúa nước… chạy dọc trên 250km vùng biên giới. Hiện nay, binh đoàn quản lý 41.000ha cao su, 300ha cà phê, 100ha lúa nước, trên địa bàn 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Binh đoàn đã xây dựng 6 nhà máy chế biến mủ cao su tổng công suất 40.000 tấn/năm, một nhà máy sản xuất phân bón vi sinh công suất 20.000 tấn/năm. Hàng chục ngàn héc-ta cao su, cà phê cho hiệu quả kinh tế cao, tạo nhiều việc làm, đã thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa, dịch vụ ở các vùng nông thôn, bản làng ngày càng phát triển.

Từ những ngày đầu thành lập, binh đoàn đã chủ trương “Phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, thực hiện chính sách ưu tiên tuyển lao động tại chỗ, lao động là người dân tộc thiểu số; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút lao động và chăm lo về mọi mặt, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, tạo sự yên tâm, gắn bó, bám trụ địa bàn, xây dựng gia đình, xây dựng quê hương trên những vùng đất mới. Do vậy, từ chỗ chỉ có gần 5.000 lao động với 3 cụm và 21 điểm dân cư cùng 1.718 hộ vào năm 1990, đến nay, binh đoàn có 17.000 lao động (trong đó hơn 7.000 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ), xây dựng 10 cụm, 266 điểm dân cư dọc biên giới với hàng vạn nhân khẩu. Các thôn, làng mới ra đời không chỉ tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thay đổi cuộc sống, mà còn tạo thành các khu vực vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc.

Cán bộ Công ty 74, Binh đoàn 15 trao đổi kinh nghiệm với các già làng ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai về vận động bà con tham gia bảo vệ an ninh trật tự xã hội.

Bằng nhiều biện pháp, binh đoàn khuyến khích và hỗ trợ cán bộ, công nhân, người lao động và đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển “kinh tế hộ gia đình” đạt hiệu quả. Khi quy hoạch các vườn cây, những diện tích đất giáp suối, gần nguồn nước đều ưu tiên để người dân trồng hoa màu, cây lương thực. Các đơn vị của binh đoàn hỗ trợ nhân dân hàng vạn ngày công khai hoang, phục hóa ruộng nước, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Công nhân vừa thực hiện nhiệm vụ của đơn vị vừa tăng gia sản xuất theo mô hình “vườn, ao, chuồng” tạo thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Bên cạnh hỗ trợ về giống, vốn và kỹ thuật, binh đoàn giúp bà con các dân tộc thiểu số tiêu thụ sản phẩm cao su, cà phê, từng bước hình thành và phát triển tư duy sản xuất hàng hóa, hội nhập nền kinh tế thị trường.

“Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” là phương châm, mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả trong tiến hành công tác dân vận. Các công ty, đơn vị của binh đoàn kết nghĩa với 37 xã; 174 đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng; 4.020 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.020 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động kết nghĩa, gắn kết được triển khai toàn diện, từ việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng đến giúp đỡ từng hộ dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Mô hình “Gắn kết hộ” là một sáng tạo trong thực tiễn và là bước phát triển mới của hình thức “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau về mọi mặt, các hộ người Kinh đã hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho hộ người dân tộc thiểu số, giúp nhau ngày công khi vào mùa vụ...; từ mô hình này, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số đã thoát đói nghèo, vươn lên làm giàu, tình đoàn kết quân-dân ngày càng gắn bó.

Sự phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực với trách nhiệm chính trị cao giữa binh đoàn và các lực lượng chức năng trong tiến hành xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, trong đó chú trọng việc tham mưu, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền cấp xã, thôn, làng, các tổ chức quần chúng hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo... đã trở thành nhân tố quan trọng cho sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa bàn. Các tổ chức cơ sở Đảng đã bồi dưỡng, kết nạp hàng trăm đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Cán bộ của binh đoàn trực tiếp tham gia vào HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, làm trưởng thôn, công an viên, tham gia các tổ chức quần chúng (công đoàn, thanh niên, phụ nữ), Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tập thể... ở các xã, thôn, làng; thường xuyên tham gia sinh hoạt, trao đổi, bồi dưỡng năng lực, nâng cao hiệu quả công tác của hệ thống chính trị cơ sở. Đội ngũ cán bộ, công nhân của binh đoàn gương mẫu, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; vận động nhân dân từ bỏ các tà đạo (tà đạo Tin lành Đề-ga, tà đạo Hà Mòn); nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đoàn kết, cảnh giác, không mắc mưu trước những luận điệu lừa bịp, lôi kéo của các thế lực thù địch, phản động. Vì vậy, trong các đợt gây rối ở Tây Nguyên (năm 2001 và 2004), trong địa bàn binh đoàn đứng chân không có hộ gia đình người dân tộc thiểu số tham gia.

Song song với phát triển sản xuất, binh đoàn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, làm tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương vùng sâu, vùng xa; đầu tư làm mới 450km đường điện trung hạ thế, 95 trạm biến áp, trạm thủy điện, làm mới 1.500km và sửa chữa hàng nghìn ki-lô-mét đường giao thông, hàng trăm cầu, cống, hàng chục hồ đập thủy lợi; hàng chục hệ thống nước sạch; xây dựng 8 trường tiểu học, trung học cơ sở (bàn giao cho địa phương); 10 trường mầm non với 132 điểm trường, một trường tiểu học nội trú, một trường trung học cơ sở bán trú tại xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum); một bệnh viện hạng 2 và 11 bệnh xá quân dân y kết hợp, quân y ở đội sản xuất… đã góp phần cùng địa phương làm tốt công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Quá trình quy hoạch khu kinh tế-quốc phòng của binh đoàn đều có sự tham gia đóng góp ý kiến của địa phương, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng và các tỉnh, huyện, tạo sự thống nhất cao của chính quyền các cấp. Các công trình điện, đường, trường, trạm, các hồ đập thủy lợi, các nhà máy... phục vụ sản xuất, kinh doanh của binh đoàn, đồng thời phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, giúp địa phương ngày càng phát triển.

Năm 2007, binh đoàn bàn giao 400ha cao su đang trong thời kỳ kinh doanh có hiệu quả cho huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) bố trí cho nhân dân vùng lòng hồ thủy điện Sê San. Quá trình tái canh các vườn cây cao su, binh đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, bàn giao quỹ đất để địa phương quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí dân cư, tạo sự phát triển hài hòa, đồng bộ giữa địa phương và đơn vị. Các đơn vị trong binh đoàn chi hàng trăm tỷ đồng xây tặng các địa phương nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân vận động, các thiết chế phục vụ văn hóa-xã hội; xây tặng các gia đình người có công, hộ gia đình dân tộc thiểu số, gia đình đặc biệt khó khăn hàng trăm ngôi nhà; hằng năm tổ chức chiếu phim, đón các đoàn nghệ thuật trong và ngoài quân đội về phục vụ nhân dân các bản, làng trên địa bàn binh đoàn đứng chân, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, thăm, tặng quà và trợ cấp cho các cháu tật nguyền, nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công, hộ công nhân đồng bào dân tộc thiểu số, già làng, trưởng thôn... trong các dịp lễ, Tết. Những đóng góp của binh đoàn đã tạo nên những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, tạo niềm tin yêu, gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, góp phần xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, binh đoàn thường xuyên quán triệt, nắm vững phương hướng, mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tốt việc tổ chức lực lượng, xây dựng khu vực phòng thủ và các quy định về sẵn sàng chiến đấu. Xây dựng quy chế phối hợp công tác với các huyện có đơn vị binh đoàn đứng chân; phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng, lực lượng vũ trang Quân khu 5... rà soát, xây dựng kế hoạch tác chiến, các phương án chiến đấu tại chỗ, phương án bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, các phương án cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, bảo vệ nhân dân trong vùng dự án, bảo vệ cơ sở sản xuất của đơn vị, tổ chức luyện tập thành thạo, sẵn sàng xử trí các tình huống xảy ra. Cùng với địa phương khảo sát quy hoạch 14 chốt dân quân thường trực, 28 chốt tự vệ của binh đoàn phù hợp với quy hoạch khu vực phòng thủ địa phương. Nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng tự vệ và dự bị động viên, binh đoàn tổ chức sắp xếp, biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Sư đoàn Bộ binh dự bị động viên 15 với ba trung đoàn trực thuộc, huấn luyện 7.000 quân nhân dự bị ở 4 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông. Đến nay, tỷ lệ đăng ký, quản lý quân nhân dự bị đạt 95%; kết quả huấn luyện hằng năm có 100% đạt yêu cầu, hơn 75% khá, giỏi. Binh đoàn luôn chủ động phối hợp với lực lượng quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị bạn giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống vượt biên giới trái phép, truyền đạo trái phép; tổ chức lực lượng ngăn chặn các hoạt động gây mất ổn định của các thế lực từ bên kia biên giới. Trong tháng 10-2016, binh đoàn đã tổ chức Diễn tập chỉ huy tham mưu 1 bên 2 cấp có một phần thực binh “BV-16” với Đề mục “Binh đoàn 15 phối hợp với các lực lượng của Bộ, Quân khu 5, tổ chức thực hành tác chiến bảo vệ biên giới, bảo vệ cơ sở sản xuất”. Cuộc diễn tập hoàn thành tốt các nội dung đề ra, an toàn tuyệt đối, trong đó có hai nội dung mới là: Binh đoàn 15 phối hợp với chính quyền, các lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ tiếp nhận, phân loại, xử lý người tị nạn; tổ chức phối hợp tác chiến giữa lực lượng tự vệ của binh đoàn với lực lượng vũ trang địa phương bảo vệ cơ sở sản xuất. Đây cũng là đợt diễn tập sát thực tế với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của binh đoàn nếu có tình huống chiến tranh xảy ra.

Có thể khẳng định, trải qua 32 năm xây dựng và phát triển, Binh đoàn 15 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng dân cư-xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Một trong những thành tựu quan trọng là binh đoàn đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc, thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Với những thành tích xuất sắc đó, ngày 13-1-2003, Binh đoàn 15 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Những thành công của Binh đoàn 15 trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững quốc phòng-an ninh gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên trước hết bắt nguồn từ sự trung thành và vận dụng sáng tạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, người lao động... đối với lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, truyền thống của dân tộc ta “dựng nước đi đôi với giữ nước”, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, thực hiện sáng tạo và hiệu quả 3 chức năng “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, giá sản phẩm mủ cao su (sản phẩm chính của binh đoàn) giảm sâu, nhiều thời điểm xuống dưới giá thành sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn, áp lực về tài chính đối với binh đoàn rất nặng nề.

Để vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng binh đoàn phát triển bền vững, binh đoàn đã chủ trương đổi mới, trong đó “tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đa dạng hóa sản phẩm” là 3 mũi nhọn đột phá. Binh đoàn luôn đặt người lao động làm trung tâm, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 17.000 lao động, trong đó có 7.000 công nhân là người dân tộc thiểu số tại chỗ, cùng góp phần ổn định cuộc sống cho hàng vạn nhân khẩu ở vùng biên giới. Bên cạnh đó, binh đoàn thực hiện tốt công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên, nâng cao tay nghề của công nhân, tiết giảm triệt để các chi phí sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, sản lượng, hạ giá thành sản phẩm, giữ vững thị trường truyền thống và tìm các thị trường mới như: Ấn Độ, Nhật Bản, các nước châu Âu... Các công ty của binh đoàn cũng năng động phát triển thêm các ngành nghề mới như: Chăn nuôi bò thịt, trồng thử nghiệm thành công và đang mở rộng sản xuất tạo vùng nguyên liệu dứa, chuối, chanh dây, các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng vùng. Trên những diện tích tái canh cao su, các đơn vị chủ động cho công nhân và bà con dân tộc thiểu số trồng hơn 4.000ha cây lương thực ngắn ngày như lúa, đậu, lạc... đã tạo ra hàng ngàn tấn lương thực giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt mới của binh đoàn bước đầu cho hiệu quả khá về lợi nhuận, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Vì vậy, trước khó khăn thử thách vừa qua, các đơn vị và binh đoàn vẫn ổn định cả về biên chế tổ chức và quy mô sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, người lao động yên tâm gắn bó xây dựng binh đoàn. Bên cạnh đó, binh đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chú trọng xây dựng, nâng cấp các công trình phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng tổng hợp cho lực lượng quân nhân dự bị, lực lượng tự vệ; tiếp tục giữ vững mối quan hệ đoàn kết gắn bó với nhân dân, đẩy mạnh thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới được địa phương đánh giá cao, địa bàn ổn định về an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tây Nguyên vẫn là địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Vì vậy, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sản xuất, kinh doanh, phát huy kết quả đã đạt được, binh đoàn tiếp tục chú trọng xây dựng dân cư-xã hội trên địa bàn biên giới, phù hợp với kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Thiếu tướng ĐẶNG ANH DŨNG, Tư lệnh Binh đoàn 15

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tao-suc-manh-tong-hop-xay-dung-quoc-phong-toan-dan-vung-chac-tren-dia-ban-chien-luoc-513824