Tạo 'nhân tố bí ẩn' cho chương trình truyền hình?

“Cái cũ” trở thành “cái mới” và được cổ xúy như một xu hướng – như là một trong những phương thức làm truyền thông cho hầu hết các chương trình truyền hình hiện nay. Nhiều nghệ sĩ được “khơi xới” từ trong quá khứ, để bước vào nhiều vị trí có thể giám khảo, người dẫn chương trình, huấn luyện viên…miễn làm sao gây được xôn xao khi lên sóng. Trong làn sóng ấy, nghệ sĩ hải ngoại cũng là lựa chọn hàng đầu, đầy hứa hẹn nhưng không ít mạo hiểm. Tại sao, các chương trình nhất định chọn “người cũ” để làm yếu tố mới?

NSUT Hoài Linh gần như không thiếu trong một chương trình nào.

“Chấn hưng” hay hết cách?

Trước khi trở thành một phương thức hay xu hướng, quá trình thể nghiệm và thành công đã xảy ra khi sử dụng yếu tố cũ để làm cái mới. Hàng loạt chương trình truyền hình đã chọn việc đi tìm lại quá khứ vàng son của cá nhân, giai đoạn, dòng nhạc… để khơi trong khán giả sự tò mò, thích thú. Với khán giả cũ, thì đó là tìm về quá khứ, khán giả mới lại là trải nghiệm xưa và nay. Việc tận dụng tối đa các yếu tố tâm lý khi một cái gì đó cũ được làm mới vẫn luôn có tần số quan tâm cao hơn nên thành công đã chứng minh cho lý thuyết. Những chương trình khơi lại dòng nhạc Bolero, hay nhạc xưa trải qua hàng thập kỷ thành công, khán giả có Tình khúc vượt thời gian, Sol Vàng, Dấu ấn… ngay cả trong các chương trình này, yếu tố nghệ sĩ cũng đặc biệt quan trọng. Đa phần chiếm hơn nữa là những nghệ sĩ của “quá khứ”. Ở đây, không có nghĩa họ mất đi vị trí của mình ở hiện tại, nhưng đỉnh cao định vị danh tiếng đã trở thành “cái cũ” trong các xu hướng giải trí đang thịnh thành.
Trong một cách nói hoa mỹ, các chương trình hiện nay muốn khôi phục lại những giá trị, thành quả sáng tạo nghệ thuật có từ xưa. Đương nhiên, câu chuyện này vẫn luôn ẩn chứa trong quá trình đi lên của một nền giải trí, nhưng không hẳn là sự tìm lại, khởi dựng như tiêu chí hàng đầu mà là sự kế thừa, học hỏi và phát huy. Do đó, đã có khoảng thời gian, cái cũ tràn ngập trên sóng truyền hình, khiến nảy sinh nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang thờ ơ với lớp trẻ đầy mới mẻ, tại sao cứ “ngủ mãi” trong “tháp ngà” mà quên đi những bờ đại dương xanh mới…? Ngay cả các cuộc thi âm nhạc, chương trình truyền hình có định dạng cập nhật xu hướng làm truyền hình mới nhất trên thế giới cũng không thể không có yếu tố cũ để thành công?
Rầm rộ trở lại của dòng nhạc dân ca vùng miền ở Thần tượng âm nhạc hay Giọng hát Việt, dòng Bolero có hẳn những cuộc thi riêng, các nghệ sĩ cũ, xưa, hay trở về từ hải ngoại đúng vào các vị trí quan trọng… Tất cả đều phản ánh một xu hướng làm thật hiện nay, đó là sự song hành của những giá trị cũ, và yếu tố mới. Vẫn có những lúc xung đột, tạo ra nhiều vấn đề khi đời sống giải trí ngày một phát triển, chất lượng là mối quan tâm hàng đầu của nhà chuyên môn, khán giả thì chọn lựa những chương trình giải trí phù hợp nhu cầu…lớn hơn là một nền giải trí thì cần sự sáng tạo có tính cấp tiến, văn minh, hiện đại hơn là mãi nắm giữ quá khứ vàng son mà không thể tiến lên…Và cuộc chơi ấy ngày một mạo hiểm hơn khi quyết định đưa hàng loạt các nghệ sĩ hải ngoại lên sóng. Phải chăng, chính họ “cứu vớt” các chương trình truyền hình hiện nay?

Ngọc Huyền - một trong số những giám khảo Danh ca vọng cổ.

Nghệ sĩ hải ngoại phủ sóng

Khi mà nghệ thuật chưa từng có những ranh giới, và nền văn hóa giải trí phát triển văn minh cũng không tạo khoảng cách không gian giữa các thế hệ nghệ sĩ, thì việc chọn nhiều nghệ sĩ hải ngoại lên sóng truyền hình hiện nay cũng chẳng có gì phải bàn. Nhưng, khi nó trở thành lựa chọn ưu tiên thì nảy sinh nhiều câu hỏi là chúng ta đang thiếu các nghệ sĩ trong nước xứng tầm, đủ tâm huyết và tài năng để lên sóng? Thực tế không phải vậy và từ “hải ngoại chỉ để gọi dễ hiểu những nghệ sĩ có khoảng thời gian sinh sống nhiều năm ở nước ngoài, nay về Việt Nam hoạt động, hoặc tham gia các chương trình với tư cách khách mời. Trong đó, có nhiều trường hợp khá đặc biệt, cũng được xem như yếu tố “trở lại”, như ca sĩ Tóc Tiên. Cô ca sĩ này đã có thời gian tham gia nhiều chương trình ở hải ngoại nhiều năm, sau đó, Tóc Tiên về nước trong nhiều danh từ chỉ định mới, và yếu tố “trở lại” giúp cho cô thu hút hàng triệu khán giả trong các chương trình cô tham gia.
Hay hàng loạt những gương mặt như ca sĩ Ý Lan, NSUT Hoài Linh, Chí Tài, nghệ sĩ Việt Hương, Lê Giang…đều là những nghệ sĩ tạm gọi là hải ngoại về nước và được các chương trình truyền hình săn đón, mời mọc đưa vào các chương trình truyền hình. Dù rằng, nhiều trong số họ đã gần như hoạt động hoàn toàn ở quê nhà trong thời gian qua, nhưng ấn tượng về sự “trở lại” rất đậm nét hơn nửa chặng đường. Yếu tố cũ của các nghệ sĩ như thế này trở thành mới mẻ với khán giả trong nước. Họ quan tâm về hình dáng, giọng hát hay phong cách có gì thay đổi sau thời gian hoạt động ở nước ngoài, công chúng tò mò về con người cá nhân rất nhiều vì vậy sự thu hút cộng hưởng tạo nên thành công cho các chương trình truyền hình là có.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều mạo hiểm khi quyết định chọn một nghệ sĩ xưa lên sóng. Có vài trường hợp đã không thể phát sóng như dự định, như MC Kỳ Duyên từng được hứa hẹn sẽ xuất hiện trong một chương trình giải trí, đến phút chót thì không thể và thay đổi hoàn toàn nhân vật mới. Hay gần nhất, nghệ sĩ cải lương Ngọc Huyền khi được thông tin rằng sẽ ngồi ghế giám khảo một chương trình truyền hình mới cũng nhận không ít luồng dư luận khác nhau về sự xuất hiện này. Yếu tố mạo hiểm ở đây chính là thành công của những cái tên này còn tồn tại bao nhiêu phần trăm trong lượng công chúng thưởng thức có thực? Hình ảnh của họ được chấp nhận ra sao? Và liệu, khi chọn quá nhiều các nghệ sĩ cũ, thì lớp những người cống hiến đương thời không làm nên giá trị trong đời sống thực tế chăng?
Ở một động thái khác, nhiều chương trình quyết định chọn yếu tố “trở lại” như khách mời của chương trình. Họ chọn trọng tâm là các nghệ sĩ thành công đương thời, hoặc không mang yếu tố hải ngoại vào chương trình, và chọn thời điểm thích hợp để đưa ra dàn khách mời cũ hơn để tạo nên sức hút. Đó cũng là cách song hành tạo ra nhiều cái nhìn về nền giải trí hiện nay, cũ có mới có, đừng ôm ấp mãi cái cũ mà bỏ quên nhiều giá trị mới đang chờ đón. Hơn nữa, các chương trình truyền hình luôn vận động theo xu hướng của trào lưu, thì “nhại lại” các thành công xưa liệu có trở nên lỗi thời? Ghi nhận, tôn vinh là điều không thể không có để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, nhưng nếu xem đó là động lực, hay “cứu cánh” thì sớm dần đi đến việc bào mòn các nghệ sĩ, các giá trị và nhiều chương trình sẽ na ná giống nhau không có sự khác biệt.

Huyền Minh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/tao-nhan-to-bi-an-cho-chuong-trinh-truyen-hinh-614001.bld