Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Mới đây, dư luận hết sức quan tâm việc Lotte Mart, một trong những thương hiệu bán lẻ của Hàn Quốc kinh doanh ở Việt Nam có doanh thu tăng trưởng “ngưỡng mộ” từ 30 tỷ đồng năm 2008, tăng lên tới hơn 5.130 tỷ đồng vào năm 2016, nhưng vẫn tiếp tục thua lỗ. Đến nay dù lỗ lũy kế tới hơn 2.000 tỷ đồng nhưng Lotte Mart vẫn mở rộng hệ thống bán lẻ của mình với 13 trung tâm từ bắc vào nam.

Câu chuyện lỗ “khủng” nhưng vẫn mở rộng quy mô của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam không có gì mới. Thực tế tại Việt Nam, việc chuyển giá của nhiều DN FDI nổi tiếng như CocaCola, PepsiCo, Adidas, Unilever, BigC, Metro,… đã có từ lâu. Các DN này dù liên tục thua lỗ cả nghìn tỷ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu, song vẫn tiếp tục mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị trường, đánh bại DN trong nước. Dường như tình trạng chuyển giá có dấu hiệu ngày càng gia tăng và đang gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý nghiêm, tạo sự công bằng, minh bạch cho môi trường kinh doanh.

Trước vấn nạn chuyển giá ngày càng gia tăng, từ năm 2012, Tổng cục Thuế xây dựng chương trình thanh tra kiểm soát và thành lập Tổ quản lý giá chuyển nhượng. Chỉ tính trong ba năm kể từ khi ngành thuế cương quyết phát hiện, làm rõ nhiều vụ việc chuyển giá, giá trị điều chỉnh để tính thu nhập và thuế đều rất lớn. Điển hình như tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, ngay trong năm đầu thành lập Tổ quản lý giá chuyển nhượng, số lỗ đã giảm tới hơn 2.688,5 tỷ đồng; số giảm khấu trừ lên tới 86,8 tỷ đồng; số truy thu, truy hoàn và phạt lên tới 2.611 tỷ đồng…

Chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước mà nghiêm trọng hơn, còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Chuyển giá khó có thể ngăn chặn triệt để, mà chỉ có thể hạn chế thiệt hại bằng hàng rào pháp lý của nước sở tại. Từ đó, việc nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá được coi là giải pháp hàng đầu. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu để cơ quan chức năng có thể theo dõi sát sao những thay đổi về doanh thu, lợi nhuận của các DN. Đối với cơ quan thuế, cần tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để theo dõi, kiểm soát chuyển giá, trong đó chú trọng đào tạo về kỹ năng xác định giá thị trường, trang bị kiến thức về kinh tế ngành, kỹ năng tin học, ngoại ngữ... Bên cạnh việc hoàn thiện bộ máy, cần khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đáp ứng được yêu cầu khai thác, phân tích rủi ro làm căn cứ để xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương nhằm bãi bỏ sự chênh lệch thuế thu nhập DN giữa các quốc gia cũng như địa phương. Thu hút FDI bằng mọi cách nhưng không phải bằng mọi giá. Việc cân nhắc ưu đãi thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền và trường hợp cần phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Có thể trong ngắn hạn, hoạt động chống chuyển giá tác động đến khả năng thu hút FDI vào Việt Nam theo hướng giảm số lượng dự án và vốn đầu tư. Song, về dài hạn, sẽ nâng cao chất lượng thu hút FDI bằng việc hạn chế các nhà đầu tư không hiệu quả, thu hút được các nhà đầu tư có uy tín, tăng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài. Có như thế, môi trường đầu tư Việt Nam mới phát triển theo hướng tích cực và lành mạnh.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33459802-tao-moi-truong-kinh-doanh-binh-dang.html