Tạo dựng thói quen đi xe đạp

Nhiều người dân đã có những hành động thiết thực góp phần giảm thiểu ùn tắc, TNGT bằng cách sử dụng xe đạp.

Theo các chuyên gia, nếu được tổ chức khoa học, kết nối hiệu quả với hệ thống vận tải hành khách công cộng, xe đạp sẽ góp phần cải thiện môi trường giao thông tại Hà Nội.

“Những TP phát triển trên thế giới đều xem việc phát triển mạng lưới xe đạp như một giải pháp cho vấn đề ách tắc giao thông dù các đô thị này đều đang sở hữu hệ thống tàu điện ngầm thuộc loại tốt nhất thế giới” - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định.

Sử dụng trong cự ly gần

Anh Phạm Việt Dũng, nhà ở thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội cách chỗ làm khoảng 3km, thường xuyên đi làm bằng xe đạp. Chia sẻ lợi ích của việc đi xe đạp với công tác đảm bảo trật tự ATGT, anh Dũng cho hay: “Đi xe đạp dễ làm chủ được tốc độ, dễ quan sát hơn so với các phương tiện giao thông khác nên ít xảy ra va chạm”. Với một số người đang làm việc ở Hà Nội, việc lựa chọn những chiếc xe đạp nhỏ, gọn, nhẹ đi lại trong giờ cao điểm có nhiều thuận lợi nếu tắc đường, gặp đoạn đường khó khăn có thể dắt bộ đi trên vỉa hè, để đảm bảo được thời gian.

Xe đạp bắt đầu có mặt trở lại tại nhiều cơ quan, đơn vị. Ảnh: Vân Hằng

Xe đạp bắt đầu có mặt trở lại tại nhiều cơ quan, đơn vị. Ảnh: Vân Hằng

Ở nhiều TP châu Âu như London, Paris, Luxembourg…, người dân đang tìm cách để quay trở lại xe đạp. Vì thế, theo tính toán của Ủy ban ATGT quốc gia, khoảng 40 - 45% số chuyến đi tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ở cự ly 4km hoàn toàn có thể sử dụng xe đạp. Đi xe đạp mà chấp hành tốt các quy định luật giao thông thì rất dễ thu hút người đi đường, đây là một cách tuyên truyền “sống động” giúp nhiều người xung quanh ý thức hơn trong xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông. Do đó, cần khuyến khích người dân đi xe đạp trong điều kiện các chuyến đi phù hợp. Các đối tượng cần tiên phong trước tiên là khách du lịch, học sinh, sinh viên và công nhân.

Nhiều dân văn phòng đã và đang tham gia giao thông bằng phương tiện xe đạp đều đồng tình việc sử dụng phương tiện này giúp họ đảm bảo cơ thể được vận động bớt sức ì, vừa đi vừa có thể ngắm phong cảnh, xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng. Xuất phát từ lẽ đó, họ đã tích cực khuyến khích người thân, bạn bè, tham gia giao thông bằng xe đạp khi có thể, nhất là với quãng đường dưới 5km; nếu đoạn đường trên 10km thì kết hợp đi xe đạp với các phương tiện công cộng, sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

“Gia vị” kết nối vận tải công cộng

Nhiều người ở ngoại thành vào nội thành học tập, làm việc đã chọn phương tiện xe đạp từ nhà đến các điểm bắt xe buýt đầu tiên (khoảng cách không quá 0,5km). Việc này góp phần giảm lượng phương tiện cá nhân vào nội thành, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông. Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy phân tích: “Xe đạp phù hợp với cự ly 5km trở lại, sẽ tạo ra hiệu quả nếu được kết nối tốt với phương tiện công cộng (như Nhật Bản, Hà Lan... đã làm). Chính vì lẽ đó, xe đạp nên là phương tiện phụ trợ, kết nối giao thông công cộng trong tương lai”.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là vào giờ cao điểm, tình trạng xe buýt quá tải dẫn đến bỏ điểm nên một số người không bắt được xe, nếu may mắn lên được thì chen lấn, xô đẩy, đông đúc, ngột ngạt... Theo chị Lã Thị Thu Hằng, ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, chỉ cần xe buýt tăng chuyến, không nhất thiết là phải tăng toàn tuyến, nghiên cứu xem những đoạn đường nào ít xe, khó bắt giờ cao điểm nhất thì tăng cường lượt xe đoạn đó, đáp ứng được nhu cầu của người tham gia giao thông. Lúc đó, sẽ có rất nhiều người tham gia giao thông chọn giải pháp đi xe đạp kết hợp với xe buýt.

Muốn đi xe đạp thường xuyên, ngoài quyết tâm cao, nỗ lực khắc phục khó khăn khi mưa nắng, còn cần linh hoạt. Một số người đưa ra giải pháp khắc phục: Nếu có việc gấp phải giải quyết công việc của cơ quan thì đi xe máy (bao giờ cũng để cả xe đạp, xe máy ở chỗ làm); hoặc nếu đoạn đường trên 10km thì đi xe buýt... Quan trọng vẫn do ý thức chủ động của người đi xe đạp, sắp xếp công việc để không bị cập rập về thời gian.

Ủy ban ATGT quốc gia cũng đã đề nghị Sở GTVT cho phép trong không gian phố đi bộ nên cho phép được sử dụng xe đạp, xem xét những đoạn, tuyến phố mật độ giao thông cao nhưng tốc độ không quá 30km/giờ thì xe đạp được lưu thông bình thường mà không cần phân làn. “Cần có các giải pháp điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới giao thông trên địa bàn TP, trong đó cần quy hoạch vị trí điểm tập kết hợp lý cho phương tiện xe đạp tại các khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người sử dụng và sự bổ trợ, kết nối trong mạng lưới vận tải công cộng” - ông Hùng đề xuất.

Quách Duy Thanh (Công an huyện Đan Phượng, TP Hà Nội)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tao-dung-thoi-quen-di-xe-dap-273429.html