Tạo động lực cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất một triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động. Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu nêu trên là tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trong thực tế, việc thực hiện mục tiêu này đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức...

Phần lớn hộ kinh doanh chưa mặn mà chuyển đổi thành doanh nghiệp. Trong ảnh: Cửa hàng bánh kẹo của một hộ kinh doanh ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: BẢO SƠN

“Ngại” lên doanh nghiệp

Là chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng gia dụng, thời trang trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khi được vận động hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, chị Hoàng Thúy An lắc đầu, cho biết, cửa hàng của chị đã mở được gần 5 năm, có số vốn đầu tư gần một tỷ đồng, doanh thu 40 đến 50 triệu đồng/ngày, lợi nhuận hơn 20%, người phụ bán hàng, giao hàng, lựa hàng cũng gần chục người nhưng chị không muốn “nâng cấp” thành DN. Lý do chủ yếu là rất ngại bị kiểm tra, thanh tra. “Thà là đóng thuế khoán, có sao thì nộp vậy, chứ tiếp các đoàn kiểm tra như ở công ty bên cạnh thì thật sự người dân chúng tôi rất ngại phiền phức”, chị Thúy An nói.

Anh Phạm Trường Giang, quản lý một cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch kiêm quán cà-phê giải khát trên đường Hoàng Văn Thụ, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, cơ sở kinh doanh này cần tới 13 đến 15 nhân viên mới bảo đảm được hoạt động. Tuy nhiên, ngay sau khi biết được quy mô cơ sở kinh doanh như vậy thì phải thành lập DN, chủ cơ sở quyết định thu hẹp lại so với dự định ban đầu, chỉ xin phép thành lập hộ kinh doanh bởi ngại các thủ tục phiền phức, nhất là việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chồng lấn và các thủ tục khai báo thuế định kỳ, có thể phải gánh thêm nhiều trách nhiệm, tăng chi phí, nhất là chi phí thuê kế toán. “Thà nhận mức thuế khoán, còn hơn phải căng ra lo hóa đơn đầu vào, đầu ra, lo kê khai tình hình sử dụng hóa đơn, lo đến kỳ quyết toán thuế...”, anh Phạm Trường Giang chia sẻ.

Nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển lên DN do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là tránh những vướng mắc từ thủ tục hành chính, quản lý, quản trị DN... Anh Phạm Trường Giang cho biết, dù chỉ đầu tư một cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện ở Đà Lạt với quy mô hộ gia đình mà đã quá vất vả vì thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê. Việc xin giấy phép kinh doanh thì rất nhanh, UBND thành phố. Đà Lạt có hẳn một trung tâm hành chính để giải quyết việc này, nhưng với loại hình kinh doanh có điều kiện thì buộc phải có đủ các loại giấy phép con như giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận tiêu chuẩn xếp hạng du lịch. Thực tế, không có một cơ quan nào hướng dẫn người kinh doanh về thủ tục xin cấp giấy, dẫn tới những phiền phức không đáng có. “Thí dụ như chủ cơ sở của chúng tôi là nhà đầu tư từ Hà Nội vào, nhưng đi vòng quanh cả thành phố, nơi này chỉ sang nơi kia mới biết cần phải có một hồ sơ tư pháp do Hà Nội cấp thì mới đủ điều kiện nộp hồ sơ. Thế là chủ đầu tư lại phải bay ra bay vào, đi tới đi lui rất tốn kém. Không những thế, khi cơ sở kinh doanh vừa đi vào “chạy thử”, doanh thu chưa được bao nhiêu thì đã có tới bốn đoàn kiểm tra vào làm việc, rất ức chế và mệt mỏi. Cơ sở kinh doanh hộ gia đình còn vậy, lên DN có khi lại còn bị “hành” hơn”, anh Phạm Trường Giang nêu ý kiến.

Đồng quan điểm trên, nhiều hộ kinh doanh tại địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, dù được tuyên truyền vận động như chuyển lên hoạt động theo mô hình DN thì hộ kinh doanh có thể tăng thêm uy tín, mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh, quảng bá hình ảnh, dễ dàng tiếp cận vốn rẻ từ các ngân hàng… Nhưng khi đã kinh doanh lâu năm thì các ưu đãi trên không còn cần thiết. So với mức độ phức tạp của thủ tục kiểm toán và thuế, chế độ kế toán, “gánh nặng” thanh tra, thủ tục hành chính..., các ưu đãi không đủ khuyến khích hộ kinh doanh quyết định chuyển đổi thành DN.

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Tại cuộc làm việc mới đây với Tổng cục Thuế, lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có hơn 36.472 hộ kinh doanh cá thể có khả năng phát triển lên DN. Riêng năm 2017, kế hoạch có khoảng 21 nghìn hộ kinh doanh cá thể được cho là có tiềm năng vận động phát triển lên DN bởi có địa chỉ, quy mô, doanh số cao, từ vài trăm triệu tới hàng tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, ngay tại địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh, năm 2017, với mục tiêu vận động hơn 2.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN nhưng đến nay chỉ mới có gần mười hộ kinh doanh chuyển đổi. Có những hộ kinh doanh mỗi tháng nộp 300 đến 350 triệu đồng tiền thuế vẫn không muốn chuyển thành DN. Vấn đề là các cơ quan chức năng phải đưa ra được hệ thống các tiêu chí quan trọng để thuyết phục người dân mạnh dạn chuyển đổi hình thức đăng ký kinh doanh, sao cho vừa thuận lợi cho người dân yên tâm làm ăn, cơ quan quản lý cũng “nhàn” và minh bạch, công khai được hoạt động quản lý, tránh gây phiền nhiễu DN.

Theo Trưởng phòng Hỗ trợ tuyên truyền (Cục Thuế TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Văn Thiện, thực hiện phát triển DN, ngay sau tháng hỗ trợ người nộp thuế quyết toán thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình hỗ trợ thông tin về thuế cho DN khởi nghiệp, trong đó có các hộ kinh doanh chuyển đổi hình thức đăng ký kinh doanh. Tại văn phòng của chương trình đặt ngay tại các cơ quan thuế, các thông tin liên quan về thuế đều được cập nhật, tuyên truyền, giải thích cho DN, không để DN gặp khó khăn hay ngừng kinh doanh do thiếu thông tin về thuế; đồng thời tạo kênh thông tin thu thập các nội dung vướng mắc liên quan chính sách, thủ tục về thuế. Cục Thuế TP cung cấp và hỗ trợ kịp thời các dịch vụ liên quan để DN bắt đầu hoạt động, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí của DN, hạn chế các phiền hà.

Tuy nhiên, so với nhu cầu của hộ kinh doanh, các hoạt động của ngành thuế cũng mới chỉ dừng ở mức độ hỗ trợ ban đầu. Điều cốt lõi cho DN khởi nghiệp, chuyển đổi hình thức đăng ký kinh doanh chính là môi trường kinh doanh. Ngoài hỗ trợ về thủ tục hành chính thuế là bước khởi đầu, phải tháo gỡ áp lực cho hộ kinh doanh. Các cơ quan nhà nước cần tập trung xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN. Về phía cơ quan thuế, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách áp dụng thuế khoán sao cho vừa quản lý được khu vực hộ kinh doanh, tránh thất thu ngân sách nhà nước, vừa loại bỏ được các yếu tố để hộ kinh doanh tận dụng “né” thuế. Cần triển khai ngay việc áp dụng công nghệ thông tin trong khai báo thuế, tính thuế sát với doanh thu, lợi nhuận; tạo cơ chế để người tiêu dùng lấy hóa đơn mua bán hàng hóa thường xuyên từ người bán, giảm sử dụng tiền mặt trong tiêu dùng...

Chỉ khi tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, công bằng, hộ kinh doanh cá thể sẽ có động lực tự nguyện chuyển đổi lên DN.

SÔNG TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/32691502-tao-dong-luc-cho-ho-kinh-doanh-chuyen-doi-len-doanh-nghiep.html