Tạo điều kiện để người nhiễm HIV được khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Sau 2 năm thực hiện Thông tư 15 hướng dẫn khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT đối với người nhiễm HIV và sử dụng dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS, cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Điều này gây nên sự lo ngại là những thủ tục không thuận lợi dễ khiến người người nhiễm HIV bỏ điều trị, làm tăng nguy cơ bùng phát căn bệnh thế kỷ này.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, hiện số người nhiễm HIV đang điều trị là gần 120.000 người, trong đó số người bệnh có thẻ BHYT khoảng 66%. Nguồn tài chính để thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS từ trước đến nay chủ yếu được sử dụng từ nguồn viện trợ nước ngoài.

Đại diện Bộ Y tế cho biết nhiều sửa đổi để tạo thuận lợi cho người nhiễm HIV/AIDS khi KCB BHYT

Để người bệnh nhiễm HIV tiếp cận tốt hơn đối với chính sách BHYT, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 15.

Tại hội thảo xin ý kiến về dự thảo tổ chức tại Hà Nội ngày 12 và 13-9, ông Nguyễn Văn Trung - Vụ Bảo BHYT (Bộ Y tế) đã đưa ra phương án dán ảnh bệnh nhân HIV lên thẻ BHYT để thanh toán BHYT. Tuy nhiên, nhiều người bệnh HIV lo lắng: việc dán ảnh người nhiễm HIV lên thẻ BHYT sẽ làm lộ danh tính của họ.

Bảo vệ quan điểm này, đại diện Vụ BHTT cho biết, Luật BHYT quy định thẻ BHYT có ảnh. Nhiều đối tượng khác tham gia theo Luật BHYT không có giấy tờ tùy thân vẫn làm thẻ có ảnh chứ không riêng người nhiễm HIV/AIDS. Thẻ BHYT chỉ sử dụng KCB, không quy định sử dụng trong giao dịch khác.

“Chúng tôi đề xuất phương án dán ảnh người bệnh HIV vào thẻ để giúp người bệnh thanh toán được BHYT trong trường hợp họ không có giấy tờ tùy thân. Ngoài ra, nhiều người bệnh do không muốn lộ danh tính nên họ khai không đúng tên, tuổi, địa chỉ, do vậy khi dán ảnh vào thẻ BHYT sẽ giúp họ được thanh toán BHYT và cơ quan chức năng quản lý được thông tin” – ông Trung cho biết.

Khám bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS

Đại diện Vụ BHYT cũng đưa ra phương án đăng ký thẻ BHYT cho người mới phát hiện tại cộng đồng, người chưa điều trị ARV là đăng ký mua thẻ tại phường, xã, đại lý như tham gia theo hộ gia đình. Việc đăng ký mua thẻ như vậy tạo thuận lợi cho người bệnh và giảm mức đóng.

Ông Phan Văn Toàn- Phó Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết: Bệnh HIV có đặc thù riêng, bởi bệnh này vẫn đang còn bị kỳ thị, người bệnh vẫn cần phải bí mật thông tin. Nếu bệnh nhân bỏ điều trị thì sẽ trở thành nguồn lây và tác động xấu tới xã hội. Đa số người bệnh khai không đúng thông tin vì không muốn tiết lộ danh tính.

Khi thuốc ARV được tài trợ thì người bệnh khai đúng hay sai không quan trọng. Nhưng khi thực hiện chế độ BHYT thì bắt buộc thông tin trên hồ sơ và thông tin trên giấy tờ về nhân thân của người đó phải giống nhau, nếu không BHYT sẽ không thanh toán. Do vậy, cần cân nhắc và có những giải pháp để đảm bảo người bệnh không bỏ điều trị HIV.

Tuy nhiên, để người nhiễm HIV/AIDS công khai danh tính trong điều trị cũng còn nhiều rào cản khi hiện nay, có bệnh viện cho biết, số người nhiễm HIV/AIDS điều trị tại đó thông tin không đúng với thực tế chiếm tỉ lệ cao. Các bác sĩ tại các bệnh viện cũng cho biết, người nhiễm HIV/AIDS cần phải có thông tin chính xác khi điều trị, vì nếu tử vong mà thông tin cá nhân không đúng sẽ rất khó khăn cho bệnh viện.

Nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS trong KCB BHYT, trong dự thảo sửa đổi Thông tư 15, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều đổi mới: Người bệnh đang điều trị điều trị nội trú đến kỳ nhận thuốc ngoại trú ARV thì được cấp thuốc ARV; người bệnh trong tình trạng không tự đi lại được thì được ủy quyền để nhận hộ.

Trường hợp người bệnh nhận thuốc ngoại trú ARV theo hẹn nhưng đến nhận thuốc sớm hơn về thời gian hẹn thì người bệnh vẫn được khám bệnh, cấp thuốc. Người đang điều trị ARV đi công tác, làm việc lưu động, đi học tập trung dài hơn thời gian cấp thuốc ARV ngoại trú hoặc tạm trú tại địa phương khác có thời hạn trên 6 tháng thì người bệnh được KCB HIV/AIDS tại cơ sở KCB quản lý điều trị, cấp thuốc ARV.

Trong xét nghiệm, nếu cơ sở KCB HIV/AIDS không làm được các xét nghiệm CD4, tải lượng vi rút, XN phục vụ điều trị HIV/AIDS thì người bệnh được gửi đi làm xét nghiệm trực tiếp tại cơ sở y tế khác và người bệnh tự trả chi phí rồi mang kết quả xét nghiệm, hóa đơn, chứng từ tài chính về cơ sở KCB HIV/AIDS nơi gửi người bệnh để được thanh toán. Trường hợp cơ sở KCB HIV/AIDS gửi mẫu xét nghiệm đến cơ sở y tế khác thì BHXH thanh toán chi phí xét nghiệm cho cơ sở KCB.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/nguoi-nhiem-hiv-duoc-kham-chua-benh-bao-hiem-y-te-se-giam-nguy-co-bung-phat-dich-457928/