Tạo cung cách phục vụ là điểm quan trọng khi khởi nghiệp

Trong bối cảnh khởi nghiệp tại Việt Nam đang rầm rộ như hiện nay, “chìa khóa” để doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh và tạo ra sự khác biệt chính là cung cách phục vụ khách hàng.

Nhận định trên của ông Đặng Văn Thành, chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) được hàng trăm khách mời tán đồng tại buổi hội thảo do Group Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức tại TP.HCM vừa qua.

Chú trọng đến cung cách phục vụ và công nghệ để tạo ra khác biệt

Tại buổi hội thảo, ông Thành cho biết cách đây mấy chục năm, cơ hội kinh doanh của thế hệ doanh nhân tuổi như ông nhiều hơn các bạn trẻ bây giờ. Bởi vì nền kinh tế Việt Nam thời điểm đó vừa chuyển từ kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Thị trường Việt Nam lúc đó còn hơi “hoang dã” và đó là cơ hội lớn cho các doanh nhân như ông.

Ông Thành chia sẻ thêm rằng, điều kiện cho các doanh nhân trẻ hiện nay được cải thiện hơn thế hệ của ông ngày xưa rất nhiều. Về mặt kinh tế thị trường, nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế luật pháp tương thích với việc hội nhập của Việt Nam tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn. Điều kiện về công nghệ, ngoại ngữ của các doanh nhân trẻ đều tốt hơn thế hệ của ông ngày xưa.

“Tôi quan niệm, yếu tố quan trọng để giúp cạnh tranh trong nền kinh tế hiện nay chính là cung cách phục vụ. Hai khách sạn đều đạt tiêu chuẩn 5 sao với những điều kiện và tiêu chuẩn giống nhau, nhưng khách sạn nào có cung cách phục vụ tốt hơn thì tôi tin chắc lợi thế cạnh tranh sẽ lớn hơn” - ông Thành khẳng định.

Ông Đặng Văn Thành, chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC)

Theo chủ tịch Tập đoàn TTC, dù kinh doanh trong lĩnh vực nào, người quản lý phải có kế hoạch đào tạo cho cán bộ, nhân viên của mình ý thức được giá trị của thương hiệu thông qua cung cách phục vụ khách hàng. Ngay cả nhân viên bảo vệ cũng phải được đào tạo chuyên nghiệp về vấn đề này. Bởi đây là những người tiếp xúc với khách hàng đầu tiên, là đối tượng tạo ấn tượng với khách hàng đầu tiên.

Mặt khác, ông Thành cũng cho rằng vấn đề đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị của hàng hóa là điều cốt lõi mà mỗi doanh nghiệp cần hướng đến.

Phải có nhiều doanh nghiệp xây dựng quỹ đầu tư khởi nghiệp

Lê Nguyễn Huy Tâm, chủ một doanh nghiệp nhỏ đặt câu hỏi với ông Đặng Văn Thành: “Đứng trước cơ hội kinh doanh, vậy làm sao để nắm bắt cơ hội đó nhanh trong khi việc huy động vốn lại cần thời gian. Trong kinh doanh có một nguyên tắc, đầu tư vào lĩnh vực gì khả năng rủi ro cao thường sẽ đem lại lợi nhuận lớn. Vậy, có việc kinh doanh nào rủi ro ít mà lợi nhuận lớn không?”.

Trước câu hỏi này, ông Đặng Văn Thành trả lời “Những lĩnh vực ngành nghề anh biết hiện nay thì những trường hợp mà rủi ro ít lợi nhuận lớn rất ít xảy ra. Trừ trường hợp những cái gì do em phát minh ra, do những điều kiện chỉ duy nhất em có".

Ông Thành chia sẻ tại buổi hội thảo

Ông Thành khuyên, doanh nhân khi thấy được cơ hội của mình, hãy tận dụng để huy động vốn thực hiện phát minh đó. Hiện nay, Việt Nam chưa có các quỹ đầu tư mạo hiểm đúng nghĩa, vì thế doanh nhân hãy tận dụng các mối quan hệ bên ngoài để vay ngân hàng, hoặc tìm đến các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.

Nói về vấn đề quỹ, Ngô Phi Bay, doanh nhân trong lĩnh vực cà phê trăn trở, vốn là vấn đề của các công ty khởi nghiệp khi chuyện vay ngân hàng là gần như không thể khi không có tài sản thế chấp.

Ông Đặng Văn Thành cũng rất đồng tình với ý tưởng thành lập một quỹ cho vay với lãi suất thấp. Ông đã trao đổi với các thành viên sáng lập Group Quản trị và Khởi nghiệp thành lập một quỹ đầu tư cho khởi nghiệp. Theo đó, mỗi doanh nghiệp đã thành công sẽ đóng góp một khoản tài chính khoảng 100 triệu đến 200 triệu để đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp. Ý tưởng này đã nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp tham dự chương trình.

Ông Thành cho hay các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân nên thành lập một quỹ đầu tư cho khởi nghiệp và có cơ chế đặt hàng với những sinh viên nghiên cứu. “Sinh viên là những nhà khoa học trẻ có sức bật cao. Đây là đối tượng có rất nhiều ý tưởng hay và táo bạo để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có thể thành công. Tôi nghĩ cả triệu sinh viên thì cũng phải có 1 đến 2 em có khả năng làm được chuyện đó. Vậy tại sao doanh nghiệp lại không đầu tư vào họ” - ông Thành đúc kết.

Ông Đặng Văn Thành, (sinh năm 1960) Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công (TTC). Ông Thành từng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn thương tín (Sacombank) từ năm 1995 đến năm 2012.

Ông Đặng Văn Thành là người đã xây dựng ngân hàng Sacombank trở thành một trong những ngân hành cổ phần lớn nhất Việt Nam. Sau 4 năm kể từ "sự cố" Sacombank, ông Thành đang trở lại thị trường với Tập đoàn Thành Thành Công. Tập đoàn do ông làm chủ tịch đang phát triển với hơn 20 đơn vị thành viên, 10.000 nhân viên, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính gồm: bất động sản, năng lượng, giáo dục, du lịch và nông nghiệp.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tao-cung-cach-phuc-vu-la-diem-quan-trong-khi-khoi-nghiep-c7a453660.html