Tạo chuyển biến mới trong phân luồng học sinh

Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) thực hiện hiệu quả một số giải pháp phân luồng học sinh (PLHS) sau THCS và THPT. Tuy nhiên, để việc PLHS hiệu quả, cần điều chỉnh chương trình giảng dạy, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị trường học, thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh…, từng bước giúp học sinh lựa chọn phương pháp học tập và định hướng, theo đuổi ngành nghề phù hợp.

Giờ học môn Ngữ văn của học sinh Trường THPT Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Giờ học môn Ngữ văn của học sinh Trường THPT Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Những tín hiệu bước đầu

Tại tỉnh Thái Bình, công tác PLHS những năm qua được đánh giá có chuyển biến tích cực. Theo Sở GD và ĐT Thái Bình, so với cấp THPT, cấp THCS thực hiện khá tốt công tác PLHS. Trong năm học 2016 - 2017, số học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT chiếm khoảng 70%; số còn lại phần lớn đi học giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng nghề.

Đến Trường THCS Thụy Dân (Thái Thụy), thầy giáo Nguyễn Đức Thuận, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Những năm gần đây, công tác PLHS đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Mỗi khi bước vào năm học mới, bên cạnh các hoạt động giáo dục, nhà trường đề ra kế hoạch cụ thể hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, đoàn thanh niên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh cuối cấp để tư vấn, định hướng nghề nghiệp.

Khi mới thực hiện, gặp khó khăn do phụ huynh phản đối, học sinh không hào hứng. Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là để con mình học tiếp lên THPT rồi vào đại học. Qua nhiều lần tư vấn về những điểm mạnh, điểm yếu, nguyện vọng của học sinh và nhu cầu xã hội, những phụ huynh từng phản đối đã thay đổi nhận thức, chấp nhận cho con mình đi học văn hóa kết hợp học nghề ở trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, tại Trường trung cấp Nông nghiệp Thái Bình, trước đây, mặc dù trường có chính sách không thu học phí đối với học sinh đã tốt nghiệp THCS học văn hóa (cấp THPT) kết hợp học nghề, nhưng vẫn không thu hút được người học. Thầy giáo Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Cách đây bốn năm, trường đứng bên bờ vực giải thể vì không tuyển được người học. Sau đó, nhà trường lên kế hoạch, cử từng cán bộ, giáo viên đến các trường THCS, THPT trên địa bàn để dạy nghề miễn phí cho học sinh và người dân.

Nhờ đó, từ vài học sinh đăng ký học (năm học 2011 - 2012) đến năm học 2016 - 2017, Trường trung cấp Nông nghiệp Thái Bình tuyển sinh được hơn 1.200 học sinh. Điều đáng mừng, những học sinh sau khi tốt nghiệp không chỉ có bằng tốt nghiệp THPT, mà có thêm bằng trung cấp nghề, được nhiều công ty sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, trang trại lớn tuyển vào làm việc, với mức thu nhập ổn định.

Tại tỉnh Lai Châu, phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số, sinh sống phân tán, cho nên công tác phân luồng gặp nhiều khó khăn. Thầy giáo Đinh Bá Tuyến, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn) chia sẻ: Học sinh của trường phần lớn là người dân tộc Mảng. Những năm trước đây, học sinh học hết THCS chiếm tỷ lệ rất ít, học sinh đi học trường nghề gần như không có. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước thông qua một số đề án về hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn…, đến nay các em đã đến trường đông đủ, bước đầu có một số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học trường nghề.

Khác với nhiều địa phương, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất và một số ngành nghề truyền thống. Chia sẻ về PLHS sau THPT, thầy giáo Lê Văn Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Minh (huyện Mê Linh) cho biết: Chung quanh địa bàn huyện có một số nghề truyền thống như trồng hoa, cây cảnh và có khu công nghiệp Quang Minh, Bắc Thăng Long. Vì vậy, trong công tác phân luồng, hướng nghiệp, điều đáng mừng là không chỉ học sinh có học lực trung bình tham gia học nghề, mà còn có sự góp mặt của khoảng 30% số học sinh có học lực khá, giỏi. Sau khi học xong, nhiều em tìm được việc làm tại các công ty trên địa bàn, với mức lương khá cao, nhờ đó cuộc sống ổn định, kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Theo đánh giá của Bộ GD và ĐT, những năm qua, công tác PLHS trong giáo dục phổ thông được quan tâm, đạt một số kết quả bước đầu. Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đa dạng hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; triển khai thí điểm dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Ngành giáo dục cũng rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải; hướng dẫn và giao quyền chủ động cho các nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học, thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, góp phần nâng cao hiệu quả PLHS.

Để PLHS được như kỳ vọng

Mặc dù đã có tín hiệu tích cực, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số hoạt động PLHS vẫn mang tính hình thức, chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân do hệ thống giáo dục quốc dân chưa mạch lạc, công tác quản lý nhà nước về GD và ĐT chồng chéo, sức hấp dẫn của các chương trình đào tạo nghề còn yếu, chưa gắn với năng lực hành nghề. Đáng chú ý, sự gắn kết của các trường phổ thông, trường nghề với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, đội ngũ giáo viên đào tạo nghề thiếu kinh nghiệm thực tế, tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề. Mặt khác, theo Bộ GD và ĐT, cơ cấu PLHS sau THCS và THPT còn bất hợp lý, do nhận thức hạn chế của người dân và xã hội nói chung đối với giáo dục nghề nghiệp. Phần lớn cha mẹ học sinh đều mong muốn, định hướng con em mình được học đại học. Mặt khác, hệ thống thông tin về thị trường lao động chưa đáp ứng yêu cầu; thị trường lao động và điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn…

Vì vậy, để PLHS hiệu quả, cần có giải pháp và sự phối hợp từ nhiều phía. Theo Giám đốc Sở GD và ĐT Thái Bình Đặng Phương Bắc, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp, trang trại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; đề xuất lãnh đạo tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ để những học sinh trong diện phân luồng khi tham gia học nghề được đào tạo bài bản, ra trường có việc làm, thu nhập ổn định. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Lai Châu Hoàng Đức Minh cho rằng, để PLHS hiệu quả cần có chính sách hỗ trợ học sinh của tỉnh đến các tỉnh, thành phố có các trường đào tạo về một số ngành nghề theo yêu cầu xã hội; liên kết chặt chẽ doanh nghiệp để học sinh khi ra trường có việc làm.

Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội nhận định, để thực hiện tốt PLHS, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD và ĐT cần giảm tải phần lý thuyết, giảm số môn học không cần thiết đối với những học sinh trong diện phân luồng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều thể hiện khá rõ một số năng lực về học tập, năng khiếu, sở trường, nhưng cần sự định hướng nghề nghiệp. Trong khi đó, học sinh cuối cấp THPT, tự ý thức về bản thân, ý thức xã hội và ý thức công dân của các em phát triển mạnh. Vì vậy, việc tự lựa chọn ngành nghề, phương thức học tập của các em là có cơ sở. Để làm được điều đó, công tác đánh giá học sinh cần thực hiện nghiêm túc; tránh tình trạng vì bệnh thành tích mà đánh giá chưa đúng, chưa sát năng lực người học; điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp.

Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, thời gian tới, Bộ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về công tác PLHS; xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu của thị trường lao động, nhằm cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực của địa phương và cả nước, phục vụ công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh; đổi mới nội dung và phương thức giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông… Từ năm học 2017 - 2018, Bộ GD và ĐT sẽ lựa chọn 10 tỉnh, thành phố có điều kiện phù hợp để triển khai thí điểm đổi mới nội dung, phương thức giáo dục trong phân luồng, hướng nghiệp; sau đó nghiên cứu, đánh giá tổng kết và nhân rộng.

“Mỗi năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT chiếm hơn 70%; vào học bổ túc THPT hơn 8%; học trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề hơn 5%; tham gia vào thị trường lao động khoảng 15%. Đối với THPT, số học sinh tốt nghiệp hằng năm vào học đại học, cao đẳng chiếm khoảng 50%; vào học trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 20%; phần còn lại vào học nghề hoặc tham gia thị trường lao động”.

(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bài và ảnh: QUÝ TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/32000402-tao-chuyen-bien-moi-trong-phan-luong-hoc-sinh.html