Tạo chuỗi giá trị cho hạt gạo từ cánh đồng lớn (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Định hình chuỗi giá trị - Ở một số địa phương, cánh đồng lớn trong “chuỗi giá trị hạt gạo” đang mang về lợi nhuận cao cho nhà nông, góp phần tăng thêm trên mỗi héc-ta đất trồng lúa từ bốn đến năm triệu đồng/vụ và góp phần lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

* Bài 1: Tiềm ẩn rủi ro cánh đồng lớn

Tạo chuyển biến từ hợp tác xã

Bây giờ về cánh đồng lớn (CĐL) ấp Gò Gòn và ấp Hưng Thuận (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) gặp 149 xã viên của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Gò Gòn đang canh tác trên 1.164 ha, ai ai cũng phấn khởi. Có những nông dân gần như không đụng đến tay chân vì tất cả các khâu sản xuất đều được cơ giới hóa và dịch vụ lao động lo trọn gói. Giống, vật tư nông nghiệp được doanh nghiệp liên kết với HTX đầu tư, đến cuối vụ mới thu hồi vốn không tính lãi. Đầu ra của hạt thóc được HTX ký hợp đồng trực tiếp với các công ty xuất khẩu gạo thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg. Hiệu quả sản xuất trong CĐL rất rõ và đang cuốn hút nhiều hộ nông dân các ấp lân cận xin vào làm xã viên. CĐL đã và đang tạo nên chuỗi giá trị hạt gạo ngon, nâng cao thu nhập cho người dân và giúp địa phương thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Xã viên HTX nông nghiệp Gò Gòn Nguyễn Văn Ngưu canh tác 12 ha cho biết: “Bốn năm tham gia trồng lúa trong CĐL đã giúp gia đình tôi hưởng lợi lớn. Khâu kỹ thuật và các biện pháp canh tác được kỹ sư, nhà khoa học “cầm tay chỉ việc”, cho nên luôn đạt kết quả rất cao. Sau tám vụ sản xuất lúa trong CĐL do HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết “bốn nhà” đã giúp cho xã viên đều khá và giàu. Lợi nhuận tăng thêm từ bốn đến năm triệu đồng/ha/vụ so với diện tích sản xuất ngoài CĐL”.

HTX nông nghiệp Gò Gòn thành lập năm 2005, thời gian đầu bà con mạnh ai nấy làm, hiệu quả không cao. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho xã viên, HTX đã tìm các giải pháp để tăng lợi ích chung cho bà con bằng cách vận động nông dân xuống giống đồng loạt một loại giống, bón phân, phòng trừ sâu bệnh,… theo quy trình “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm”… Việc tất cả đều áp dụng một chuẩn nhất định đã phát huy ngay tác dụng là tăng năng suất, giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Giám đốc HTX nông nghiệp Gò Gòn Trương Hữu Trí cho biết: “Để phát huy vị thế của HTX kiểu mới, năm 2013, HTX nông nghiệp Gò Gòn đã bắt tay thực hiện mô hình CĐL theo mối liên kết “bốn nhà”. Khi đó, doanh nghiệp đã đến ký kết với HTX cung ứng giống, vật tư nông nghiệp trả chậm đến cuối vụ, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường 100 đồng/kg. Từ những chính sách thông thoáng của doanh nghiệp hỗ trợ nông dân đã dần xóa tập quán tự sản, tự tiêu chuyển sang làm ăn tập thể. Nông dân tham gia sản xuất trong CĐL được Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí hạt giống và vật tư nông nghiệp”.

Ông Trương Hữu Trí khẳng định: “Nếu CĐL không có một Ban quản trị HTX giỏi, không gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra sẽ khó mở rộng diện tích sản xuất”. Để nông dân giữ trọn “chữ tín” trong quá trình liên kết sản xuất trong CĐL thì Ban Quản trị HTX phải thật công tâm, phải đặt lợi ích của xã viên lên hàng đầu. Thực tế, 149 hộ dân tham gia sản xuất trong CĐL là thành viên HTX đóng góp vốn điều lệ một triệu đồng/cổ phần (bình quân mỗi hộ góp năm triệu đồng) đều được hưởng ba quyền lợi: Một là được mua giống, vật tư nông nghiệp, phí làm đất thấp hơn dịch vụ ngoài thị trường; hai là được hưởng lợi nhuận 30% sau khi quyết toán tài chính năm; ba là được hưởng chính sách hỗ trợ bán lúa cao hơn thị trường 100 đồng/kg lúa và được hưởng 30% chi phí sản xuất trong chính sách chuỗi giá trị liên kết của Nhà nước. Chính sách và quyền lợi rất cụ thể cho nên khi xã viên HTX “bẻ kèo” thì Ban Quản trị sẽ bình xét cho ra khỏi HTX, muốn gia nhập trở lại thì phải đợi ba năm sau và phải làm đơn xin vào lại HTX.

Gạo “sạch” trên cánh đồng lớn

Nắm bắt xu hướng thị trường chuộng tiêu thụ gạo “sạch”, gạo an toàn, trong những năm gần đây, Công ty Lương thực Tiền Giang xác định triển khai vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao có kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trong vụ đông xuân 2016 - 2017, doanh nghiệp này hợp đồng liên kết sản xuất lúa theo mô hình CĐL trên diện tích khoảng 1.700 ha, dự kiến sản lượng khoảng 12 nghìn tấn lúa hàng hóa. Các giống hợp đồng sản xuất trong mô hình CĐL gồm: Jasmine, Nàng Hoa 9... là những giống lúa chất lượng cao, được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Đặc biệt, Công ty Lương thực Tiền Giang lần đầu thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao có kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên diện tích 600 ha tại các xã Hậu Mỹ Trinh và Mỹ Lợi B (huyện Cái Bè), Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy).

Theo Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang Lê Thanh Khiêm, trên đây là những vùng nguyên liệu chủ lực để công ty xây dựng thương hiệu gạo với bốn dòng sản phẩm, như: Gạo đặc sản (gạo Hồng Hạc); gạo sạch trên vùng nguyên liệu lúa tôm (gạo Phong Lan Vàng); gạo thơm (Hương Việt)… Cùng với hệ thống nhà máy chế biến và kho chứa được đầu tư bài bản, công ty không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm gạo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vào các thị trường khó tính, tạo chuyển biến trong sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao.

Để nâng cao giá trị cho hạt gạo trong CĐL, thời gian qua HTX nông nghiệp Gò Gòn đã rất chú trọng đến việc sản xuất ra sản phẩm chất lượng, số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên tinh thần này, HTX đã tổ chức sản xuất 82 ha lúa theo quy trình VietGAP và đã được cấp chứng nhận. Trong năm 2017, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích lúa sản xuất theo quy trình VietGAP lên 300 ha. HTX luôn vận động xã viên phải giữ chữ tín, cho nên CĐL do HTX tổ chức ngày càng được nhiều doanh nghiệp đến liên kết hợp tác.

Vụ đông xuân 2016 - 2017 đang xuống giống và tại xã Hưng Thạnh có khoảng năm doanh nghiệp đến phối hợp với địa phương liên kết sản xuất lúa theo mô hình CĐL. Để không bỏ lỡ cơ hội trong chuỗi nâng cao giá trị hạt gạo, trong thời gian tới HTX tiến hành xây dựng thương hiệu cho hạt lúa giống trên nền VietGAP. Mục tiêu của HTX nông nghiệp Gò Gòn là phải đưa sản phẩm gạo sạch được ứng dụng công nghệ cao tiêu thụ rộng rãi, hướng tới xuất khẩu.

Tăng cường ứng dụng công nghệ cao

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Sau bốn năm triển khai thực hiện CĐL, đến nay toàn tỉnh đã phát triển được 115 CĐL với tổng diện tích 29.998 ha, được 17 doanh nghiệp liên kết và 11 nghìn lượt hộ tham gia. Giá lúa trong CĐL bán bình quân cao hơn ngoài cánh đồng 100 đến 150 đồng/kg, lợi nhuận đạt 14 đến 17 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn ngoài CĐL 1,5 đến 2,2 triệu đồng/ha/vụ. Để tạo chuỗi giá trị hạt gạo, Long An đã quy hoạch CĐL có diện tích

40 nghìn ha trong tổng số 233 nghìn ha đất trồng lúa. Trên nền CĐL, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến năm 2020 sẽ có 20 nghìn ha CĐL sản xuất lúa cao sản ở các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười được ứng dụng công nghệ cao. Những giải pháp công nghệ cao được ứng dụng như: Công nghệ tưới tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất và phòng trừ sâu bệnh hại, một số loại phân bón lá và chế phẩm điều hòa sinh trưởng, ứng dụng tia la-de trong san phẳng mặt ruộng…

Trong thực tế, nông dân trồng lúa ở Long An đã ứng dụng tia la-de san phẳng mặt ruộng được hơn 300 ha đất trồng lúa. Bằng ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có thể xây dựng được vùng nguyên liệu quản lý theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ rồi tạo thương hiệu gạo chất lượng cao phục vụ thị trường. Ngoài ra, Long An sớm hình thành chuỗi cung ứng gạo sạch VietGAP gắn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc.

Thời gian gần đây, việc tổ chức sản xuất lại theo CĐL vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trên diện rộng, vừa thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nâng cao tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế. Diện tích 20 nghìn ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản xuất khẩu 40 nghìn ha ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười là bước đệm trong việc tạo ra chuỗi giá trị cho hạt gạo. Cùng với đó, tỉnh chú trọng công tác quy hoạch, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức lại sản xuất… bảo đảm lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 22-11-2016.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31346102-tao-chuoi-gia-tri-cho-hat-gao-tu-canh-dong-lon-tiep-theo-va-het.html