Tăng vốn Metro số 1 lên 47.000 tỷ: Giải thích khó nghe

Con số tăng thêm 1,4 tỷ USD quá lớn nhưng việc minh bạch, lý giải, phản biện, thẩm tra thẩm định, xử lý quy trách nhiệm không rõ ràng.

LTS: Ngày 23/6, trong buổi làm việc lãnh đạo TP.HCM, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu đã nhắc đến việc triển khai xây dựng tuyến đường tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

Theo ông Thu, trước kia Thủ tướng phê duyệt tổng vốn đầu tư chỉ có 19.000 tỷ, nhưng hiện nay TP.HCM đề nghị tăng lên 47.000 tỷ. Tuy nhiên số tăng này chưa được một cơ quan có thẩm quyền nào quyết định cả. Đặc biệt với kiến nghị của TP.HCM ông Thu khẳng định cần phải báo cáo Quốc hội cho chủ trương chứ không thể tự quyết được.

Là người gắn bó nhiều năm liền với TP.HCM, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đã có những chia sẻ thẳng thắn với Đất Việt xung quanh vấn đề này.

Tăng vốn quá nhiều nhưng thiếu minh bạch

Thông tin dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên bị đội vốn đã có cách đây nhiều năm. Cụ thể, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 1453/QĐ-UBND ngày 6/4/2007 hơn 126.582 triệu yên, tương đương khoảng 1.09 tỷ USD (19.000 tỷ đồng Việt Nam).

Chỉ hơn 4 năm sau, đã có Quyết định duyệt điều chỉnh dự án số 4480/QĐ-UBND ngày 21/9/2011 của UBND thành phố, tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 236.626 triệu yên, tương đương 2.49 tỷ USD (47.000 tỷ đồng Việt Nam), tăng thêm 1,4 tỷ USD, xây gần được phần thô tòa nhà cao nhất thế giới tại Dubai. Phê duyệt ban đầu, xong xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2018, mới nhất lùi tiến độ đến năm 2020.

Số tiền tuyến Metro số 1 tăng lên quá lớn nhưng việc minh bạch, xử lý quy trách nhiệm không rõ ràng

Theo UBND TP.HCM và Ban quản lý đường sắt đô thị, nguyên nhân điều chỉnh tăng vốn đầu tư tuyến Metro này là sự biến động khách quan của nguyên - nhiên liệu, việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009 (chiếm trên 40%).

Tăng khối lượng xây dựng cho dự án nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho dự án. Cụ thể, tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lưu lượng hành khách dự báo vào năm mục tiêu thiết kế là năm 2040 (thay vì năm 2020 như trong dự án đầu tư).

Cập nhật tỷ giá yên - VNĐ, tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, tính toán cho đến năm 2019 làm cho tổng mức đầu tư dự án tăng…

Theo tôi, con số tăng thêm 1,4 tỷ USD này quá lớn, nhưng việc minh bạch, lý giải, phản biện, thẩm tra thẩm định, xử lý quy trách nhiệm không rõ ràng. Điều này dẫn đến hậu quả hiện nay, tạm thời đình trệ thậm chí ngừng thi công, trong bối cảnh nợ công quá lớn, luật pháp quản lý đầu tư công, quản lý nợ công càng lúc càng rõ ràng.

Quá nhiều sai lầm?

Phát biểu của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu khá chuẩn về thẩm quyền và trình tự thủ tục điều chỉnh dự án theo đúng các văn bản quy định pháp luật quản lý nợ công, quản lý dự án, cả dự án ODA, hiện hành cũng như xuyên suốt từ đổi mới.

Nghị quyết 66-2006 của Quốc hội khóa 11 nêu rõ, phải thông qua Quốc hội chủ trương đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư dưới 20.000 tỷ. Dự án metro 1 của TP, dưới 20.000 tỷ (19.300 tỷ), chỉ cần trình Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2010, Quốc hội tăng lên con số 35.000 tỷ. Năm 2011, khi dự án metro 1 đội vốn tăng lên trên 47.000 tỷ, đáng lẽ phải thông qua Quốc hội xin lại chủ trương. Không biết sao Ban quản lý đường sắt thành phố và UBND TP không làm theo đúng trình tự thủ tục vẫn ung dung khởi công chính thức 28/08/2012.

Những năm 2014 và 2015, khi triển khai gói thầu số 1 có đoạn đi ngầm, sau này tách ra 1a và 1b, nổi lên vấn đề phải chấp nhận vượt dự toán gói thầu, câu chuyện đội vốn khủng của tuyến metro 1 lại được đưa lên báo chí công luận, nhưng rất tiếc không được phản biện và xử lý đến nơi đến chốn.

Có lẽ TP.HCM quá kỳ vọng vào các tuyến metro nhằm giảm kẹt xe nên cách đi cách làm phụ thuộc vào một số đơn vị và cá nhân tham mưu chuyên môn không đúng, thậm chí sai luật.

Đặc biệt, các cấp quản lý... vẫn không phát hiện làm chưa đúng luật, làm không đúng các quy định về quản lý dự án ODA.

Cuộc họp báo của Ban quản lý đường sắt mới đây nhất vào tháng 5/2017, cũng chỉ ca cẩm các Bộ trên Chính phủ không giải ngân kịp, tiền rót về không đủ trả nợ, hoặc chỉ giải thích thêm việc JICA hổ trợ vốn nghiên cứu kéo dài tuyến metro 1 qua Biên Hòa, Bình Dương.

Một số ĐBQH đoàn TP.HCM cũng nêu vấn đề thiếu vốn tuyến metro 1 nhưng không ai nói về trình tự thủ tục phải thông qua Quốc hội. Cũng không ai dám khẳng định đúng sai về con số 2,4 tỷ USD và có còn trượt lên nữa hay không?

May mà có ý kiến “can đảm” của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT và ý kiến chỉ đạo góp ý chân thành của Thủ tướng Chính phủ, làm gì làm cũng theo đúng trình tự thủ tục quy định. Ở đây, dù có phớt lờ luật Đầu tư công cũng phải thông qua Quốc hội vì con số 35.000 tỷ trong luật Đầu tư công cũng đã được nói trước từ nghị quyết 66.

Phân tích nguyên nhân thì có rất nhiều. Nhưng cơ bản nhất vẫn là các tồn tại khi sử dụng vốn ODA, vốn Nhà nước vẫn chưa được khắc phục một cách căn cơ, dễ phát sinh các cơ chế xin cho thiếu minh bạch và đẻ ra lỗ hổng lợi ích nhóm.

Sau đó là trách nhiệm tư cách và năng lực đội ngũ tham gia trực tiếp cũng như gián tiếp các dự án ODA, các dự án công nghệ cao vay vốn và sử dụng các nhà thầu nước ngoài. Kế đó là việc chi tiết các văn bản pháp luật về xây dựng, đầu tư công, sử dụng vốn ODA...

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/tang-von-metro-so-1-len-47000-ty-giai-thich-kho-nghe-3338088/