Tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu phải có nguyên tắc, đúng lộ trình

GD&TĐ - Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất lâu nay, đang gây sốt dư luận: Ủng hộ cũng nhiều và phản đối cũng có.

Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Anh Thủy - Giám đốc Trường Đại học Lao động – Xã hội Cơ sở II tại TPHCM xung quanh câu chuyện thời sự này.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật lao động và quản trị nguồn nhân lực, có lẽ ông cũng quan tâm nhiều đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu và các tranh luận gần đây. Theo ông, lý do để tránh vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), nên phải tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động do Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội đưa ra có đủ sức thuyết phục?

- Nói chính xác thì nó là vấn đề tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu và nó đang thu hút sự chú ý, quan tâm của toàn xã hội. Tôi biết, hiện có hai luồng ý kiến chính: giữ nguyên độ tuổi như hiện nay và tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu đối với lao động nam và nữ. Đương nhiên, những người có ý kiến khác nhau đều có những lập luận của mình.

Lý do để tránh vỡ Quỹ BHXH không chỉ do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đưa ra, mà cũng là ý kiến của rất nhiều người. Trên thực tế, tỉ lệ người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ở nước ta ngày càng giảm.

Do đó, khi số người hưởng BHXH một lần hằng năm tăng lên, sẽ dẫn đến việc Quỹ BHXH phải chi tiền sớm, khiến mục tiêu an sinh xã hội về lâu dài có nguy cơ không đạt.

Tuổi được nghỉ hưu ở nước ta hiện thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực: tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 là hơn 55,61 tuổi đối với nam và 52, 56 tuổi đối với nữ. Nhưng có không ít người nghỉ hưu trước tuổi, chiếm tới hơn 50%.

Tuy nhiên, xét tổng thể cũng có thể thấy, kéo dài độ tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu cũng đồng nghĩa với việc chi ngân sách Nhà nước (Quỹ lương) cũng phải tăng.

Quỹ BHXH của chúng ta thực hiện theo mô hình cũ là những người trẻ, đang đi làm đóng tiền để nuôi những người về hưu. Trước đây, từ những năm 1960, bình quân 25 người đóng cho 1 người hưởng.

Khi dân số già hóa, tỉ lệ người trẻ thấp đi, tỉ lệ người già tăng lên, dự kiến đến năm 2040 nước ta chính thức bước vào quá trình già hóa dân số với tỉ lệ người già trong tổng dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 25%.

Nên theo tôi, cần tính đến việc kéo dài tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu, đồng thời cũng cần tính toán lại và kiểm soát việc sử dụng Quỹ BHXH sao cho an toàn và có hiệu quả nhất.

Dư luận tỏ ra e ngại tình trạng sức khỏe của người lao động nước ta đang có vấn đề. Tầm vóc (chiều cao, cân nặng), thể lực của đa số người Việt Nam hiện nay đều có chỉ số thấp hơn, thua sút so với người dân các nước khác ngay trong khu vực Đông Nam Á. Như vậy, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ càng đẩy người lao động vào cảnh bi đát “sống dở, chết dở”. Ông suy nghĩ gì về chuyện này?

- Nếu coi đó là tình trạmg chung cũng không chính xác. Khi tuổi thọ được nâng cao thì cũng đồng nghĩa với việc sức khỏe của người về hưu được bảo đảm hơn.

Đó là sự tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là bảo đảm y tế cho người dân. Nhiều khi người ta làm việc thì sẽ khỏe hơn so với nghỉ hưu. Hoạt động sẽ giúp con người khỏe hơn.

Chẳng thế mà ngày xưa các cụ nói về hưu là "về vườn", tức là vẫn hoạt động, vui thú điền viên. Chứ nếu chỉ ngồi một chỗ, e rằng sẽ yếu đi. Đương nhiên, cũng phải hoạt động nhưng hoạt động như thế nào cũng là câu chuyện đáng bàn.

Còn nhận định tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu sẽ càng đẩy người lao động vào cảnh bi đát, “sống dở, chết dở" cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố; ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.

Tôi thấy có những trường hợp xin nghỉ hưu sớm để làm việc khác cho thu nhập tốt hơn khi còn sức khỏe. Tất nhiên, người lao động chân tay, môi trường làm việc độc hại thì có lẽ kéo dài tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo ông, người lao động trí óc và người lao động chân tay, ai sẽ hưởng lợi khi độ tuổi nghỉ hưu được tăng lên? Những đối tượng nào cần nghỉ hưu sớm và ai nên tăng tuổi làm việc?

- Theo tôi, không nên đặt vấn đề ai sẽ được hưởng lợi nhiều hơn vì câu hỏi đó xuất phát từ lợi ích của người lao động là chính. Ở đây, khi bàn về chính sách thì phải tính tới lợi ích của cả người lao động, của Nhà nước và của xã hội.

Đối với nguồn lao động của chúng ta, phụ nữ trên 55 tuổi, nam giới trên 60 tuổi có rất nhiều người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm và có thể cống hiến tốt ở các công việc cụ thể. Cho nên cần có chính sách thích hợp tận dụng lực lượng này.

Hiện nay, tuy chưa điều chỉnh tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu rộng rãi, nhưng chúng ta đang áp dụng kéo dài tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu đối với cán bộ nghiên cứu khoa học và giảng dạy có trình độ cao (Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học, Phó giáo sư, Giáo sư, Chuyên gia cao cấp, Nghiên cứu viên cao cấp, Giảng viên cao cấp).

Độ tuổi nghỉ hưu của Tiến sĩ, Phó giáo sư là 67 tuổi đối với nam và 62 tuổi đối với nữ, Giáo sư là 70 tuổi đối với nam và 65 tuổi đối với nữ. Theo tôi, đó là quy định hợp lý, vừa có lợi cho cá nhân nhà khoa học, lại có lợi cho Nhà nước và cho xã hội.

Thực ra, trên tuổi đó, tức là khi đã về hưu, nếu còn sức khỏe thì các nhà khoa học vẫn làm việc bình thường theo hợp đồng. Cũng cần chú ý là, các nhà khoa học được kéo dài tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu chỉ làm công tác quản lý cho đến 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ.

Còn đối tượng cần nghỉ hưu sớm, theo tôi, ta cũng đã có quy định. Đó là những người lao động nặng nhọc, môi trường đôc hại, lực lượng vũ trang.

Ngay trong lực lượng công an, người có học vị cao, có chức danh khoa học Giáo sư, Phó giáo sư cũng đã có quy định kéo dài tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu.

Theo tôi, nếu tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu cũng cần đề ra nguyên tắc, không kéo dài thời gian làm công tác quản lý mà chỉ là kéo dài thời gian đóng góp về chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo ông, so với một số nước trong khu vực quy định về tuổi nghỉ hưu, Việt Nam nên áp dụng mô hình của nước nào?

- Hiện nay, theo tôi được biết, ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia tuổi nghỉ hưu là 55 cho cả hai giới; ở Singapore: 62 tuổi cho cả hai giới; ở Trung Quốc: 60 cho nam giới và 50 tới 60 cho nữ giới; Philippines: 60 tuổi cho cả hai giới còn Hàn Quốc thì độ tuổi nghỉ hưu quy định chung cho cả hai giới là 60…

Nói Việt Nam áp dụng theo mô hình nào cũng không đơn giản, bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố cả tự nhiên và xã hội. Do vậy, chúng ta cần tính toán theo những điều kiện của chúng ta một cách toàn diện. Kinh nghiệm của các nước khác là hay nhưng cũng chỉ để tham khảo.

Dự báo sau năm 2030, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “dân số vàng”, bước vào giai đoạn “già hóa dân số” nhanh chóng. Vấn đề này có liên quan gì câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu hay không, thưa ông?

- Có lẽ có, cần phải tính tới. Tốc độ già hóa dân số ở nước ta đang tăng rất nhanh, tức tuổi thọ ngày nay tăng lên rất nhiều. Cho nên cần có chính sách để tận dụng cơ hội dân số vàng và đối mặt với tình trạng dân số già.

Quá trình già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra tốc độ nhanh, trong khi yêu cầu mới đặt ra phải sử dụng tốt nguồn nhân lực bởi nhiều lao động trong một số lĩnh vực, ngành nghề ở độ tuổi cao vẫn còn năng lực; nhà quản lý cần nhìn được câu chuyện dài hơn trong 10-20 năm nữa phải cân đối phần đóng và hưởng lương hưu của người lao động.

Việt Nam có đặc thù quá trình già hóa dân số và “dân số vàng” (khi tỉ lệ phụ thuộc chung dưới 50%) diễn ra song song, đan xen nhau nên vấn đề đặt ra vừa phải tận dụng nhân lực lao động nhưng vẫn đảm bảo việc làm mới và ổn định quỹ hưu trí.

Xin cám ơn ông !

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tang-tuoi-lam-viec-truoc-khi-nghi-huu-phai-co-nguyen-tac-dung-lo-trinh-2558468-c.html