Tăng tuổi hưu - nói dễ, làm không dễ

Ngay trước Tết âm lịch, trong một cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp vào nội dung hướng dẫn Điều 187- Bộ Luật Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lại đề xuất việc tăng tuổi nghỉ hưu. Đại diện của ngành này, bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội sau đó cũng cho biết: Ngoài phương án tăng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ thêm 5 năm để áp dụng từ ngày 1-1-2014; Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất phương án: Tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lao động theo lộ trình tức là thêm 5 năm nữa. Nguyên do chính của cả hai đề xuất kể trên là nhằm giúp Nhà nước tránh được sự kiện hy hữu ở Việt Nam: Vỡ quỹ lương hưu. Nhìn xa hơn, kể từ trước khi hai phương án trên được đề xuất cũng đã vài lần QH tính chuyện tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ theo như đề xuất của Chính phủ. Nói thế có nghĩa, chuyện tăng tuổi hưu không phải bây giờ mới được đề cập.

Với nhiều người, kéo dài thời gian lao động rất có thể sẽ

ảnh hưởng nhất định tới tâm lý, sức khỏe

Ảnh: Hoàng Long

Trở lại với hai phương án tăng tuổi hưu mới được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất gần đây có thể thấy: Đề xuất của Bộ chủ quản vừa có những ưu điểm nhưng đồng thời cũng lại có những hạn chế nhất định. Việc tăng tuổi hưu với kỳ vọng sẽ thu hút các cán bộ có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt thêm năm năm với mục đích có thể kéo dài thời gian sử dụng nguồn chất xám của những cán bộ này cho công cuộc phát triển chung của đất nước là một ý tưởng tốt; nhất là trong điều kiện tuổi thọ trung bình và kỳ vọng sống của người Việt Nam đã cao hơn trước, theo hướng tỉ lệ thuận với mức sống của người Việt Nam nói chung đang được nâng lên. Trong trường hợp ấy, những cán bộ có trình độ chuyên môn thật sự cao sẽ có cơ hội đóng góp thêm cho đất nước. Thực tế những năm qua cũng cho thấy, tại nhiều học viện và trường đại học một đội ngũ các GS, PGS ở tất cả các ngành học khác nhau (từ khoa học đến nghệ thuật) dù làm quản lý hay không làm quản lý; sau khi qua tuổi 60 đã chuyển sang chỉ đảm trách công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học hay hướng dẫn nghiên cứu sinh- tức là làm việc theo chế độ chuyên gia. Đúng là "gừng càng già càng cay”- những nhà giáo, nhà khoa học kể trên đã có đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kế cận ở nhiều ngành; hoặc tham gia tích cực vào việc nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học của nước nhà. Đối với những trường hợp này thì nghỉ hưu đúng là một sự lãng phí nhân tài- vật lực của quốc gia. Đó là câu chuyện của những trường hợp cụ thể với những nhà khoa học đầu ngành của quốc gia. Việt Nam cũng giống như những quốc gia phát triển khác trên thế giới đang biết tận dụng tối đa nguồn chất xám này và kết quả, người ta vẫn thường xuyên bắt gặp trên giảng đường nhiều vị giáo sư đã qua tuổi thất thập từ lâu nhưng vẫn hăng say với sự nghiệp trồng người.

Tuy nhiên, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH hiện vẫn nhận được khá nhiều ý kiến. Nhìn ở khía cạnh tích cực thì đó chính là những phản biện về một chủ trương, chính sách được Bộ này đưa ra. Điều đó có nghĩa- chính sách này ít nhiều cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều giới. Chỉ có điều nếu xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo sẽ nhận thấy những phản biện về tăng tuổi hưu không phải không có lý của nó. Trên thực tế, theo như cả hai phương án đề xuất của ngành LĐ-TB&XH đề xuất mới đây dù là tăng tuổi hưu cho cả nam và nữ hay chỉ có nữ giới thì đều hướng đến một đối tượng ở khung rộng chứ không phải chỉ hạn hẹp trong số các cán bộ có chuyên môn cao hay quản lý giỏi (một khái niệm quả thực không dễ thống nhất về tiêu chí). Nhưng, liệu có bao nhiêu trong số những người ở diện được tăng tuổi hưu thực sự muốn cống hiến lâu dài đến thế. Như vậy, một cá nhân có thể có thời gian cống hiến dao động ở mức 35-40 năm hoặc 40-45 năm. Vấn đề ở chỗ với những người có thời gian công tác lâu lại chưa chắc đã phải là chuyên gia đầu ngành mà chỉ làm những công việc có tính chất giản đơn hoặc nặng nhọc, độc hại. Xét ở góc độ tâm sinh lý, đối với những người này việc kéo dài thời gian lao động rất có thể sẽ có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý, sức khỏe của chính họ; mặt khác dù có làm thêm 5 năm thì trợ cấp lương hưu chắc cũng không tăng thêm bao nhiêu nếu theo cách tính của thang bảng lương hiện hành. Còn nếu chỉ tăng tuổi nghỉ hưu cho cán bộ quản lý, rõ ràng nhóm đối tượng được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách sẽ là một bộ phận không nhỏ các cán bộ quản lý ở cấp thường thường bậc trung; thậm chí nhiều vị trí trong số đó không khó tìm người thay thế từ phía các cán bộ trẻ. Và, lấy gì đảm bảo sẽ không có cuộc chạy đua "ngầm” để vào vị trí lãnh đạo rồi… "ngồi mát” và hưởng thụ đến khi nghỉ hưu!?

Đặc biệt, trong giai đoạn chúng ta đang cố gắng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tri thức nhằm tạo tiền đề cho quá trình CNH-HĐH đất nước; hơn lúc nào hết chúng ta đang cần- rất cần một đội ngũ cán bộ trẻ có tay nghề, có trình chuyên môn cao. Không chỉ có vậy, một hệ thống 412 trường ĐH, Cao đẳng trên cả nước mỗi năm cho "ra lò” hàng ngàn sinh viên. Thế nhưng, khoan hãy nói về chất lượng đào tạo, 26,2 % trong tổng số 3000 cựu sinh viên thuộc 5 khóa của 3 trường ĐH đứng hàng đầu Việt Nam (ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH quốc gia TP.Hồ Chí Minh và ĐH Huế) cho biết mình vẫn chưa thể tìm được một công việc (dù là việc gì) cho thu nhập để nuôi sống bản thân. 46,5 % trong số 3000 cựu sinh viên kể trên bảo rằng họ đã từng đi xin việc nhưng bất thành (Khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn-ĐHQG Hà Nội thực hiện). Với một lượng dân số được trẻ hóa ngày càng nhiều; nếu chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu "đại trà” như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH thì rất có thể đẩy những lao động kỳ cựu trở thành người cản đường đường thăng tiến của giới trẻ. Mặt khác, nó còn góp phần tạo ra một nghịch lý "cười ra nước mắt’: Người già nai lưng đi làm nuôi người trẻ sức dài vai rộng. Đó là chưa kể đến việc tăng tuổi nghỉ hưu ở một khung rộng sẽ không thật sự công bằng với 70 % số công chức làm việc cật lực; ngay đến cả Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng phải bức xúc khi nêu lên thực trạng 30% công chức của ta vẫn chỉ "làm chơi, ăn thật”. Nếu tăng tuổi hưu cho cả 30 % số công chức kể trên đồng nghĩa với việc ngân sách Nhà nước sẽ phải "cõng” thêm nhiều khoản như tiền lương, tiền tăng lương, tăng bảo hiểm xã hội… Kéo dài thêm 5 năm công tác đối với tất cả những người lao động dù là nam hay nữ; dù có hiệu suất công việc cao hay chỉ nhàng nhàng theo kiểu "sáng cắp ô đi tối cắp về” vì thế không thể là chuyện dễ dàng quyết định.

Có lẽ, cũng vì lý do này mà TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội) đã thẳng thắn nhận xét: "Lý do đối phó với nguy cơ vỡ quỹ lương hưu mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để trình đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên 5 năm là chưa thuyết phục”. TS Phong cũng đề xuất: Cần phải khảo sát và có số liệu cụ thể, minh bạch. Nếu không tính toán cụ thể, không xây dựng được lộ trình khoa học thì việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có thể phản tác dụng, gây hiệu ứng ngược. Khi ấy sản phẩm làm ra có khi không đủ bù đắp cho khoản lương đã chi trả và nguy cơ vỡ quỹ lương hưu có khi còn cao hơn.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=61427&menu=1384&style=1