Tăng trưởng xuất khẩu khó đạt mục tiêu

GD&TĐ - Những cảnh báo sớm của các chuyên gia về khả năng xuất khẩu (XK) khó đạt mục tiêu đang ngày càng hiện rõ khi tốc độ tăng trưởng và kim ngạch XK suy giảm.

Thời gian không còn nhiều và trong 2 tháng tới kim ngạch XK sẽ khó bứt phá mạnh mẽ để bù đắp cho kết quả không mấy khả quan của 10 tháng đầu năm 2016.

Những con số kém vui

Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2016 đạt gần 7,26 tỷ USD, giảm 14,6% (tương ứng giảm hơn 1,24 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2016. Tính chung, đến hết ngày 15/10 kim ngạch XK của cả nước đạt 135,78 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là kết quả thấp so với mục tiêu đã đề ra và là một diễn biến gần như tương tự với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đáng lo ngại là, đã có sự biến động, suy giảm khá mạnh đối với một số nhóm hàng quan trọng như: Gạo giảm 36,4%, tương ứng giảm 47 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 14,9%, tương ứng giảm 49 triệu USD; giày dép các loại giảm 10,5%, tương ứng giảm 53 triệu USD; sắt thép các loại giảm 51,4%, tương ứng giảm 73 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 18,2%, tương ứng giảm 103 triệu USD; hàng dệt may giảm 17,5%, tương ứng giảm 205 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 16,3%, tương ứng giảm 263 triệu USD... Trong khi đó, chỉ một số ít nhóm hàng có kim ngạch tăng so với kỳ trước như: Dây điện và dây cáp điện tăng 11,5%, tương ứng tăng 7 triệu USD; phân bón các loại tăng 11%, tương ứng tăng 910 nghìn USD...

Ngoài ra, hoạt động XK khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt gần 5,16 tỷ USD, giảm 13,7% (tương ứng giảm 819 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2016. Như vậy, tính đến hết ngày 15/10/2016 kim ngạch XK của doanh nghiệp FDI đạt hơn 95,06 tỷ USD, tăng 10% tương ứng tăng gần 8,62 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm đến 70% tổng kim ngạch XK hàng hóa của cả nước...

Như vậy, nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì khu vực này sẽ không thể bù đắp cho kết quả XK của doanh nghiệp trong nước cũng như hạn chế phần đóng góp của mình vào tổng kim ngạch XK của cả nước nói chung. Bởi từ đầu năm đến nay, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Thiên tai, biến đổi khí hậu, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế nước ta.

Một số chuyên gia cho rằng, tổng kim ngạch XK cả năm có thể chỉ tăng trên dưới 7% - tức thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra từ đầu năm 2016 là tăng 10%. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tình hình XK không mấy sáng sủa khi kim ngạch XK vào ASEAN giảm 10%, thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng...

Cần mở rộng thị trường

Thực tế XK của Việt Nam những năm qua cho thấy, cơ cấu những mặt hàng XK phần lớn là hàng gia công cũng như hướng tới một số thị trường truyền thống. Nếu những đối tác này giảm sức mua chắc chắn sẽ ảnh hưởng ngay đến hoạt động XK. Theo các chuyên gia phân tích, kết quả XK phụ thuộc nhiều điều kiện, ẩn chứa diễn biến khó lường, phức tạp không thể tính trước và sẽ trở thành nỗi thất vọng khi xảy ra.

Bởi XK đang chủ yếu phụ thuộc vào sức mua, diễn biến của thị trường quốc tế, nên đương nhiên nằm ngoài khả năng, mong muốn thuần túy của doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, giá trị XK dầu thô của nước ta đã giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước chỉ với lý do duy nhất là giá dầu giảm – giá hiện đang “neo” ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Do đó việc hiện thực hóa mục tiêu XK đang ngày càng trở nên khó khăn hơn so với giai đoạn 5 năm trước. Trước hết, một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thủy sản, gạo, than đá, dầu thô, cà phê... đã được khai thác tới hạn, hết dư địa để khai thác và tăng trưởng mạnh. Tiếp đến là diễn biến kinh tế quốc tế, đặc biệt là tại các đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam hiện vẫn chưa hồi phục, hoặc hồi phục chậm hơn nhiều so với dự tính chủ quan của cơ quan quản lý.

Theo báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), đã đến lúc cần quan tâm đến cách lập kế hoạch, chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; nhất là đối với XK, bởi kết quả phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan. Từ đó, các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ, cơ quan chức năng nên tăng cường năng lực dự báo, chủ động đưa ra mức tăng trưởng XK phù hợp hơn, nhất là không nên ấn định mục tiêu năm sau phải tăng 10% so với năm trước như nhiều năm gần đây vẫn thường đặt ra.

Giải thích về khả năng tốc độ tăng trưởng XK năm nay dự kiến chỉ tăng trên dưới 7%, thấp hơn kế hoạch là 10%, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân là kinh tế thế giới có sự phục hồi, nhưng rất chậm, sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc - thị trường vô cùng quan trọng với Việt Nam, cộng thêm với giá dầu thô, nông sản XK giảm (giảm tương ứng 5,8% và 29,6%) đang làm cho XK của Việt Nam tăng trưởng chậm lại.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tang-truong-xuat-khau-kho-dat-muc-tieu-2506710-b.html