Tăng trưởng tín dụng: Kế hoạch 18%, Thủ tướng giao không thấp hơn 20%

Tín dụng năm nay theo Thủ tướng cần "vượt" kế hoạch 18%, ở mức cao hơn hoặc bằng 20%. Với kỳ vọng này, dư nợ tín dụng tăng thêm trong năm 2017 lên tới 1,1 triệu tỷ đồng.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải bám sát công việc, không để “tuột tay” mục tiêu, chỉ tiêu đã được phân công.

Tại kỳ hợp tháng 7/2017 lần này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Đối với Ngân hàng Nhà nước, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay.

"Dư nợ tín dụng đưa lên cao hơn hoặc bằng 20%", Thủ tướng yêu cầu. Kèm với đó, Thủ tướng giao yêu cầu song song đó là tăng trưởng tín dụng trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.

Đầu năm, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng kế hoạch được giao là 18%. Mức mục tiêu mà Thủ tướng đưa ra tại phiên họp tháng 7 cao hơn 11% so với kế hoạch đầu năm. Với 5,5 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế tính đến cuối năm 2016, ước tính, dư nợ tín dụng tăng thêm theo yêu cầu của Thủ tướng sẽ cao hơn hoặc bằng 1,1 triệu tỷ đồng.

Tính đến cuối quý II, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,06% và là mức cao nhất trong 6 năm gần đây. Cơ cấu tín dụng, theo báo cáo của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng hồi trung tuần tháng 7, vẫn đang chuyển dịch tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh. Những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ.

Thông điệp của Thống đốc thời gian gần đây cũng cho hay có thể điều hành tín dụng ở mức cao hơn trên cơ sở diễn biến thuận lợi của kinh tế vĩ mô. Với yêu cầu này của Chính phủ, liệu có hay không động thái mới từ vị tư lệnh ngành ngân hàng thời gian tới đây?

Nhiều ngân hàng như Vietcombank, MBBank, BIDV báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với dư nợ tín dụng tiến sát mức room được NHNN phê duyệt đầu năm. Một số ngân hàng, điển hình là Vietcombank, đã rục rích xin NHNN nới thêm room tín dụng từ đầu tháng 7. Nếu, "room" tín dụng toàn hệ thống được "nới", cơ hội để các ngân hàng tăng dư nợ tín dụng sẽ càng bớt khó.

Tăng mạnh dư nợ tín dụng ngay từ đầu năm, số liệu báo cáo của các ngân hàng cũng đang cho thấy thu nhập lãi thuần đã tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ nhờ tăng giải ngân cho các khoản vay. Đây cũng là mảng kinh doanh truyền thống mang về nguồn thu chính cho các nhà băng.

>> Cơ hội nào cho cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối năm 2017?

Tại phiên họp này, Thủ tướng đã nhấn mạnh mục tiêu nhất quán là tiếp tục thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng đạt kế hoạch.

Lạm phát 7 tháng đầu năm ở mức thấp, thậm chí, CPI đã tăng trưởng âm trong tháng 5 và tháng 6. Dù nguyên nhân chính khiến CPI âm xuất phát từ suy thoái cục bộ trong ngành nông nghiệp, giá hàng hóa nông sản giảm, nhưng nhờ thế CPI vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.

Thanh khoản dồi dào cùng lạm phát thấp là cơ hội để giảm lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khi mức lãi suất cho vay về mức hợp lý hơn.


CPI đã tăng trưởng âm trong tháng 5 và 6

Trái với lạm phát ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng GDP theo dự báo của nhiều tổ chức lớn như IMF, Worldbank sẽ khó đạt mục tiêu đề ra. GDP quý II/2016 tăng 6,17%, cao hơn nhiều so với quý I trước đó nhưng vẫn còn rất xa kỳ vọng 7% để kéo GDP cả năm lên đạt kế hoạch 6,7%. Lời giải cho bài toán mục tiêu tăng trưởng kinh tế lại không dễ dàng.

Bên cạnh chính sách tiền tệ, chìa khóa khác để giải bài toán này còn là chính sách tài khóa. Tại phiên họp, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thành giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công, hoàn thiện và trình ban hành Nghị quyết đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ KH&ĐT cũng được giao mục tiêu phấn đấu đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34-35% GDP đồng thời rà soát, đẩy mạnh tháo gỡ các rào cản, các điều kiện kinh doanh không phù hợp.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/tang-truong-tin-dung-ke-hoach-18-thu-tuong-giao-khong-thap-hon-20--20170804011631200p149c165.news