Tăng trưởng ngành dược, tác động tích cực lên giá cổ phiếu

Ngành dược luôn được xem là có nhiều cơ hội trong việc tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, diễn biến giá cổ phiếu ngành này đã cho thấy một bức tranh sáng và tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn trong tương lai.

Thị trường hấp dẫn

Chia sẻ tại Hội thảo “Ngành dược Việt Nam - Cơ hội thay đổi chính sách” được tổ chức tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa qua, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành dược Việt Nam phát triển nhanh nhất châu Á, đứng thứ 17/175 quốc gia với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) trung bình giai đoạn 2010-2015 là 17-20%.

Ông Truyền cũng cho biết, đến năm 2017 tốc độ thị trường này vẫn sẽ cao hơn mức 17%. Tính đến năm 2015, ngành dược đã thu hút hơn 40 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với tổng giá trị đạt 650 triệu USD. Các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia và công ty nước ngoài cũng đang đẩy mạnh mua cổ phần tại các công ty dược Việt Nam.

PGS.TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Ánh Hoa

Với nền tảng đó, mục tiêu ngành dược đặt ra là đến năm 2020, bảo đảm 100% nhu cầu thuốc cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công nghiệp dược trong nước đáp ứng 80% nhu cầu thuốc thành phẩm và 20% nguyên liệu làm thuốc. Chất lượng thuốc sẽ được nâng cao với 40% thuốc gốc (generic) đăng ký được thử sinh khả dụng (BA) và tương đương sinh học (BE).

PGS.TS Lê Văn Truyền đánh giá room phát triển thị trường dược tại Việt Nam còn rất lớn, quy mô dân số trên 90 triệu dân và nhu cầu thuốc tăng nhanh với chi phí thuốc bình quân đầu người hiện còn rất thấp so với bình quân thế giới. Do đó, đây sẽ là cơ hội tốt cho ngành dược phát triển.

Theo báo cáo của Business Monitor International (BMI) ngành dược sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng 2 chữ số trong giai đoạn 5 năm tới khoảng 11,8%.

Ngoài ra, thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị lên đến 3,5 tỷ USD, rất hấp dẫn các doanh nghiệp sản xuất dược nước ngoài. Dược phẩm là một trong những mặt hàng mà Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, tạo nên động lực lớn cho doanh nghiệp nước ngoài tăng cường thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Triển vọng tích cực phản ánh lên giá cổ phiếu

Những triển vọng tích cực trên đã được phản ánh vào diễn biến cổ phiếu ngành dược trong giai đoạn vừa qua khi nhóm cổ phiếu ngành này luôn thuộc top những ngành đạt mức tăng trưởng tốt nhất. Theo thống kê của Fiinpro, tính chung 12 tháng trở lại đây ngành dược đạt mức tăng xấp xỉ 70% và trong 3 tháng vẫn duy trì mức tăng tốt là khoảng 10% (số liệu ngày 8/9/2016).

Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu CTCP Chứng khoán VietinBank, động lực chính giúp cổ phiếu ngành dược tăng trưởng đến từ 3 yếu tố chính đó là hoạt động kinh doanh cốt lõi phát triển; kỳ vọng Luật Dược sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 và nới room.

Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu CTCP Chứng khoán VietinBank (ngồi đầu tiên đếm từ trái qua phải). Ảnh: Ánh Hoa

Một yếu tố tác động khá lớn lên diễn biến giá cổ phiếu ngành dược chính là sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với những điểm mới trong Luật Dược sửa đổi đã được thông qua. Điển hình là những quy định liên quan đến hoạt động đấu thầu ưu tiên nguồn dược nguyên liệu và sản phẩm trong nước nếu đáp ứng được các yêu cầu về điều trị. Cho phép nộp hồ sơ đăng ký thuốc generic sớm trước khi biệt dược gốc hết hạn quyền sở hữu công nghiệp và ưu tiên hỗ trợ phát triển nuôi trồng dược liệu.

Không riêng gì ngành dược mà ngay cả các ngành khác trong thời gian qua nhờ vào yếu tố này để tăng trưởng chính là việc nới room cho nhà đầu tư ngoại. Theo ông Đăng, kỳ vọng của thị trường về khả năng nâng trần quy định 49% đối với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được nới rộng theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ lên thị trường Việt Nam, trong đó có cổ phiếu ngành dược.

Có thể kể đến những doanh nghiệp kín room ngoại như CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Traphaco (TRA), CTCP Y tế Xuất nhập khẩu Domesco (DMC) đã thu hút dòng tiền đặc biệt là vốn ngoại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có cổ đông chiến lược là công ty dược phẩm quốc tế lớn như Abbott hay Taisho Pharmaceutical cũng là yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm và kỳ vọng. Đây đều là những cổ phiếu dược tăng trưởng hàng đầu trong năm 2016 (DHG tăng 70%; DMC tăng 178%; TRA tăng 113% tính trong 1 năm trở lại đây).

Tuy nhiên một rào cản với việc nới room là các doanh nghiệp nước ngoài không được trực tiếp phân phối thuốc, như DMC đã phải loại bỏ mảng phân phối ra khỏi đăng ký kinh doanh của công ty. Nhưng một điều tích cực cho thấy từ khi DMC nới room, giá cổ phiếu đã tăng lên chóng mặt từ mức 30.746 đồng/cổ phiếu (4/1/2016) lên 77.500 đồng/cổ phiếu (16/11/2016), tương ứng tăng trưởng ở mức 152%. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian DMC tiến hành nới room đã có lúc giá cổ phiếu này tăng đến 101.000 đồng/cổ phiếu (giá tại ngày 8/9/2016).

Nếu DMC là doanh nghiệp mở màn cho việc nới room thì trong việc M&A (mua bán và sáp nhập) DHG lại là người tiên phong khi được CTCP Chế tạo thuốc Taisho của Nhật Bản nhận chuyển nhượng 21.304.064 cổ phần DHG từ 34 cổ đông ngoại. Và nhờ vào việc này cổ phiếu của DHG đã tăng vọt từ mức 62.803 đồng/cổ phiếu (4/1/2016) lên mức 103.000 đồng/cổ phiếu (tại ngày 30/6/2016, khi thông tin thương vụ này diễn ra).

Ánh Hoa

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tang-truong-nganh-duoc-tac-dong-tich-cuc-len-gia-co-phieu-d49968.html