Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2017: Gỡ 'nút thắt' để tăng trưởng 6,7% GDP

Tại Diễn đàn Kinh tế 2017, nhiều chuyên gia kinh tế đã đóng góp ý kiến để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. Ảnh: KH.V

Tăng trưởng để thoát bẫy “thu nhập trung bình”

Theo đánh giá của Bộ KHĐT, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đang có xu hướng giảm, tiệm cận dần với mục tiêu dưới 4% đã được Quốc hội thông qua. Chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm, qua tính toán sơ bộ có khả năng đạt khoảng từ 5,5-5,7%, xấp xỉ bằng mức tăng trưởng theo yêu cầu kịch bản mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp. “Đánh giá sơ bộ có thể thấy rằng, kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bước đầu có những kết quả tích cực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% của cả năm 2017”.

Còn theo TS Trương Văn Phước (Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, bền vững giai đoạn 2018-2020. Bởi lẽ, nếu nhìn vào con số tăng trưởng, đây là tốc độ tăng khá cao, nhưng nếu nhìn vào con số tuyệt đối thì với mức tăng này, GDP của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Thực tế,chúng ta mới chỉ thoát ra khỏi ngưỡng “thu nhập thấp” và bước vào các quốc gia “thu nhập trung bình”. Thực tế, chúng ta đã đi hết chặng đường năm 2016 và nửa đầu năm 2017 với kết quả chưa được như mong đợi. Tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ đạt mức 6,21% chủ yếu do sự suy giảm đóng góp của các ngành như khai khoáng và nông nghiệp trước việc giá dầu quốc tế giảm mạnh và thiên tai hạn hán trong nước. “Năm 2017 việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% thách thức bội phần khi tăng trưởng quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2016. Như vậy, nhiệm vụ đạt mục tiêu của giai đoạn càng đè nặng lên các năm 2018-2020, đòi hỏi tăng trưởng giai đoạn này càng phải cao hơn, song cần phải bền vững” - TS Trương Văn Phước nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển Chương trình Kinh tế Fullbright (Đại học Fullbright Việt Nam) - Việt Nam đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế. Mức tăng GDP của hai năm đầu nhiệm kỳ này đều thua so với năm cuối của nhiệm kỳ trước. “Kế hoạch trung hạn 5 năm cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7%, năm 2016 đã không đạt, nên nếu năm 2017 tiếp tục không đạt thì những năm còn lại sẽ phải tăng tốc nhanh” - TS Nguyễn Xuân Thành nêu quan điểm. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong khoảng thời gian từ năm 2016-2035 mà nền kinh tế không đạt được mức tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm để GDP đầu người tăng khoảng 6%/năm, thì Việt Nam không còn cơ hội thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

Tháo gỡ những “nút thắt”

Theo TS Trương Văn Phước, giai đoạn 2016-2020, cần phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất, thực hiện thành công chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất hướng đến tích lũy tri thức, công nghệ thay vì chỉ chú trọng quy mô tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển động lực tăng trưởng kinh tế - khu vực doanh nghiệp trong nước. Đi đôi với việc tăng trưởng kinh tế cao, cần tiếp tục củng cố ổn định vĩ mô, quyết liệt hơn trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhằm củng cố tài khóa, xử lý dứt điểm những yếu tố đe dọa bất ổn vĩ mô như nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém…; đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp; cung ứng vốn từ một hệ thống tài chính hiện đại hóa cần tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tiếp tục vai trò đòn bẩy hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao.

Về các giải pháp tăng trưởng kinh tế, TS Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - nêu ý kiến về chính sách tài khóa năm 2017 được điều chỉnh theo hướng thận trọng, chặt chẽ, tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Trong đó, cần tập trung kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, những biện pháp tích cực để giảm bội chi NSNN, cân đối NSNN và quản lý nợ công… chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 ước giảm khoảng 0,3% so với tháng trước và chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ.

PHONG NGUYỄN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2017-dat-64-la-chap-nhan-duoc-677386.bld