Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cần phát triển theo chiều sâu

(VOV) - Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng như hiện nay của nước ta chưa tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời, sự chuyển giao công nghệ còn kém

Sáng 23/6, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam: thực trạng và lựa chọn cho giai đoạn 2011-2020”. Tại Hội thảo, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được các nhà nghiên cứu bàn luận là một mô hình kinh tế thị trường phát triển theo chiều sâu, chứ không phải theo chiều rộng như hiện nay. Hai thập kỷ qua, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã thể hiện đúng quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đạt được những tiến bộ ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, nhưng hiệu quả tăng trưởng và sức cạnh tranh phát triển trong tương lai còn thấp. Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng như hiện nay của nước ta chưa tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời, sự chuyển giao công nghệ còn kém. Thu hút đầu tư nước ngoài đem lại nguồn lợi nhuận cao nhưng chủ yếu là dựa trên sự kết hợp giữa vốn bên ngoài và giá nhân công rẻ. Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng, nhất thiết phải tạo ra chiều sâu cho sự tăng trưởng kinh tế, mà giải pháp quan trọng nhất là hiện đại hóa thể chế kinh tế. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới nói: “Trong các định hướng chuyển đổi, định hướng chuyển đổi về thể chế là quan trọng nhất. Thể chế phải hiện đại. Sự khác biệt một nước phát triển trung bình, kém phát triển và nước phát triển trước hết là do thể chế”. Liên quan đến những định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước, các đại biểu nhấn mạnh đến việc đổi mới cách quản lý tài chính, phân bổ ngân sách Nhà nước, phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong việc ra quyết định đầu tư. Nhiều đại biểu cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật là công cụ đưa chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống. Do vậy, phải rà soát, tạo đồng bộ, kiểm soát nền kinh tế thị trường bằng pháp luật của Nhà nước. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Nhà nước phải giải quyết những khuyết tật của thị trường, tạo sự phát triển bền vững. Nhà nước làm kế hoạch là dẫn đường để nền kinh tế đi theo. Cần hoàn thiện luật pháp trên từng loại thị trường, như: thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường tài chính…. Bởi vì trong nền kinh tế thị trường, chính sách kinh tế chỉ đi vào cuộc sống thông qua hệ thống pháp luật. Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu rõ: Để tạo dựng một mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trong giai đoạn tiếp theo, cần tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Việc hướng tới xây dựng mô hình kinh tế theo chiều sâu trong tương lai là cần thiết, tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, chúng ta vẫn cần phát triển theo chiều rộng để giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Tư duy của nhà lãnh đạo, tư duy trong phát triển phải bắt nguồn từ các ý tưởng phục vụ cho mô hình tăng trưởng mới. Đó là tăng trưởng theo chiều sâu. Muốn tăng trưởng theo chiều sâu thì phải dựa vào khoa học công nghệ, phải dựa vào nguồn nhân lực có chất lượng cao, phải dựa vào những thể chế kinh tế và phải dựa vào các giải pháp mà các nhà khoa học đưa ra…” Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua còn bất cập, thể hiện trong sự mất cân đối lớn giữa phát triển và bền vững, giữa thu chi ngân sách và nhập siêu, giữa phát triển và hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực… Đây là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp, hiệu quả nền kinh tế chưa cao, năng lực cạnh tranh còn yếu. Kết quả của Hội thảo sẽ phục vụ trực tiếp cho Đảng, Chính phủ và Quốc hội trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế- xã hội nói chung và xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói riêng đặt trong tổng thể của sự phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030./. Lưu Huyền- Thu Hiền

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/tang-truong-kinh-te-viet-nam-can-phat-trien-theo-chieu-sau/20106/147513.vov