Tăng trưởng kinh tế chững lại

Tăng trưởng GDP quý 1 năm nay cao hơn mức tăng của quý 1 các năm 2012-2014, nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.

GDP đã bắt đầu tăng trưởng chậm

Sáng 29.3, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố báo cáo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 1/2017.

GDP chỉ tăng 5,1%

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 1/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm.

Tăng trưởng quý 1 năm nay cao hơn mức tăng của quý 1 các năm 2012-2014, nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và mức 5,48% của cùng kỳ năm 2016.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, tăng trưởng kinh tế đã chững lại so với 2 năm trước.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, bằng 90% cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,76 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung; ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng 8,30% (giảm đáng kể so với mức tăng 9,70% của cùng kỳ năm 2015 và 8,94% của cùng kỳ năm 2016); ngành xây dựng tăng 6,10%, thấp hơn tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,30 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp đã cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (quý 1/2016 ngành này giảm sâu 2,69%), đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Về cơ cấu nền kinh tế quý 1 năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,06%; khu vực dịch vụ chiếm 43,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,76% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2016 là: 11,42%; 34,37%; 43,54%; 10,67%).

Xét về góc độ sử dụng GDP quý 1, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,73% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 7,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 6,65 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 8,50%, đóng góp 2,27 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu, làm giảm 4,42 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

Lạm phát tăng lên 4,96%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2017 tăng 0,21% so với tháng trước, trong đó 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 7,51% (dịch vụ y tế tăng 9,86%) do trong tháng có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (tác động làm CPI tăng khoảng 0,38%).

Nhóm giáo dục tăng 0,75% (dịch vụ giáo dục tăng 0,87%) do trong tháng tỉnh Thanh Hóa thực hiện lộ trình tăng học phí; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5% (giá vật liệu xây dựng tăng 0,53%; giá nước sinh hoạt tăng 0,43%; giá điện sinh hoạt tăng 0,26%); nhóm giao thông tăng 0,39% chủ yếu do ảnh hưởng của lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu tại thời điểm 18.2.2017 (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,04%)…

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,87% (lương thực tăng 0,16%; thực phẩm giảm 1,22%); may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,12%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,02%.

CPI bình quân quý 1 năm nay tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. CPI tháng 3.2017 tăng 0,90% so với tháng 12.2016 và tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 3.2017 không đổi so với tháng trước và tăng 1,60% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 1,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, trong tháng qua, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3.2017 giảm 0,28% so với tháng trước; tăng 1,98% so với tháng 12.2016 và tăng 5,00% so với cùng kỳ năm trước.

Còn chỉ số giá USD tháng 3.2017 tăng 0,41% so với tháng trước; tăng 0,26% so với tháng 12.2016 và tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2016.

Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh vỉa hè góp 11-13% GDP

Nói tại cuộc họp báo, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ thương mại điện tử (Tổng cục Thống kê) cho hay, vỉa hè tạo thêm công ăn việc làm cho các hộ kinh doanh cá thể, nhất là hàng hóa và dịch vụ ăn uống. Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè đóng góp GDP 11-13%.

Chiến dịch dọn dẹp vỉa hè ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM giai đoạn đầu ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu của các hộ kinh doanh dịch vụ vỉa hè. Tuy nhiên, chủ trương lấy lại vỉa hè, về lâu dài cần phải ủng hộ, tạo văn minh đô thị và thói quen không lấn chiếm, sử dụng tài sản công cho cá nhân.

"Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dù ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo, thu nhập nhưng nhiều hộ nhận thức được đó là chủ trương đúng nên đã ủng hộ", bà Thủy nói thêm.

Hoài Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tang-truong-kinh-te-chung-lai-59697.html