Tăng trưởng GDP có thể đạt 6,3% - 6,5%

GDP có thể đạt thấp hơn kế hoạch đề ra là 6,7% nhưng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được đã thể hiện nỗ lực rất lớn

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV vào ngày 20-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017.

Tiếp tục chuyển biến tích cực

Thủ tướng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Chính phủ luôn đề cao phương châm lời nói đi đôi hành động, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm với việc tổ chức hội nghị cùng doanh nghiệp; ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 Ảnh: TTXVN

Theo Thủ tướng Chính phủ, dự báo năm nay có 11/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu về tăng trưởng GDP và xuất khẩu xấp xỉ đạt. Trong đó, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể chỉ đạt 6,3% - 6,5%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 6,7%. Tuy nhiên, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được trên đây thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Đồng tình với nhận định trên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh, trình bày cho rằng tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng vẫn khá cao so với các nước trong khu vực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%; lãi suất, tỉ giá tương đối ổn định; thu ngân sách vượt dự toán kế hoạch, dự trữ ngoại hối tăng. Đặc biệt, Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, phản ứng nhanh trước các vấn đề bức xúc của xã hội, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, “cởi trói” cho doanh nghiệp; thu hút đầu tư FDI tăng; số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động tăng cao hơn cùng kỳ…

Không cấp phép dự án gây ô nhiễm

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,7%; tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) so với GDP không quá 3,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP... Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính, NSNN; tập trung chống thất thu, chuyển giá, mở rộng cơ sở thuế, giảm nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi, gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực.

Ngoài ra, công tác tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục được thực hiện thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư kinh doanh; trình QH dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; sửa đổi quy chế bảo lãnh tín dụng và Quỹ Bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai hiệu quả Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh khi được QH thông qua.

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép các loại tài nguyên, khoáng sản; quyết liệt bảo vệ môi trường; triển khai xây dựng các trạm quan trắc môi trường, tài nguyên nước và tài nguyên, môi trường biển… Bên cạnh đó, từng bước thực hiện khoán chi hành chính, đấu thầu, đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỉ trọng thu nội địa, tỉ trọng chi đầu tư và giảm dần tỉ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi trả nợ. Chú trọng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, nhất là vay về cho vay lại, khắc phục tình trạng các khoản vay bị tăng chi phí do chậm tiến độ và hạn chế tối đa cấp bảo lãnh mới.

Đồng tình với các giải pháp trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ triển khai quyết liệt, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, UBND và người đứng đầu doanh nghiệp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.

Cân nhắc việc nới trần nợ Chính phủ lên 53%

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của QH, trình bày báo cáo thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015.

Đánh giá tình hình huy động, quản lý, sử dụng nợ công giai đoạn 2011-2015, Ủy ban TC-NS thống nhất nhận định đánh giá của Chính phủ cho rằng giai đoạn này đã huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, chất lượng công tác quản lý nợ từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, tình hình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay còn nổi lên nhiều hạn chế trong trung và dài hạn có khả năng sẽ ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia.

Ông Nguyễn Đức Hải chỉ ra giai đoạn vừa qua, do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, chính sách tài khóa chưa tích cực cùng với sự mất cân đối trong thu - chi NSNN dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu QH đề ra. Do đó, nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn. Cụ thể, tính đến năm 2015, nợ công là 2.608.000 tỉ đồng, bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP; tỉ lệ nợ Chính phủ/GDP tăng từ 39,3% năm 2011 lên 50,3% năm 2015. Đặc biệt, chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP năm 2015 là 50,3%, đã vượt giới hạn trần cho phép 50%.

Ngoài ra, các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép nếu tính cả các khoản nợ khác của NSNN, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công. Cơ cấu vay, sử dụng nợ công chưa thực sự hợp lý, nghĩa vụ trả nợ và các khoản nợ phải trả hằng năm tăng nhanh khi tính cả nghĩa vụ trả nợ phải đảo nợ thì tổng nghĩa vụ nợ đã ở mức 27,4% tổng thu NSNN vào năm 2015.

Cũng theo Ủy ban TC-NS, khả năng cân đối nguồn để trả nợ khó khăn, vay đảo nợ tăng nhanh với khối lượng lớn trong nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước; hiệu quả sử dụng vốn vay chưa cao; một số dự án vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, dự án được Chính phủ bảo lãnh khó khăn trong trả nợ; một số dự án sử dụng vốn vay điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn, kéo dài thời gian thi công; chưa có sự gắn kết chặt chẽ và chủ động trong các khâu huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay và bố trí nguồn vốn để trả nợ đến hạn.

“Đối với chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP, có thể cân nhắc quy định ngưỡng tối đa là 53% song đến năm 2020 đề nghị đưa về mức giới hạn 50%, kịp thời áp dụng những giải pháp để bảo đảm các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn cho phép; đưa tỉ lệ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của Chính phủ trên tổng thu NSNN xuống dưới mức 25% và bảo đảm trong giai đoạn tới, số vay đảo nợ năm sau phải thấp hơn năm trước” - đại diện Ủy ban TC-NS nhấn mạnh.

Ủy ban TC-NS lưu ý các chỉ số về nợ công tăng với tốc độ khá nhanh, tiệm cận ngưỡng cho phép, chưa kể một số khoản vay có tính chất nợ công, các khoản vay khác của NSNN chưa được tính vào nợ công. Do đó, việc Chính phủ đề xuất giữ nguyên mức trần nợ công như giai đoạn 2011-2015, một mặt thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ trong việc giữ ổn định các chỉ số nợ công, ổn định an ninh tài chính quốc gia song cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức để có thể duy trì được các chỉ số trong giới hạn. Đặc biệt, năm 2016, dư nợ sẽ vượt ngưỡng 65% nếu tính cả khoản 14.295 tỉ đồng phát hành thêm để bổ sung vốn cho các dự án trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 của QH.

Đa số ý kiến cho rằng trong bối cảnh NSNN còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc thì về cơ bản, cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011-2015 và thắt chặt việc quản lý, sử dụng vốn vay.

Phương Nhung - Văn Duẩn - Nguyễn Quyết

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tang-truong-gdp-co-the-dat-63-65-20161020224637777.htm