Tăng tốc vốn cho doanh nghiệp dịp cuối năm

Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp (DN) “hút” vốn nhiều nhất để chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho dịp Tết. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đang tăng tốc cho vay với nhiều ưu đãi về lãi suất cũng như chính sách nhằm tiếp thêm nguồn lực cho DN tăng khả năng sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu bình ổn thị trường hàng hóa.

Dồn vốn rẻ cho DN

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng tính đến thời điểm này đã tăng 11,24%. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 9/2016, tín dụng đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 13,26% so với cuối năm 2015 và đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trước.

Theo đánh giá của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, để được kết quả khả quan này, các NHTM luôn chủ động tìm kiếm DN cho vay, qua đó giúp các DN ổn định, phát triển sản xuất. Đặc biệt, việc ưu tiên vốn rẻ cho DN luôn được các NHTM chú trọng nên rất nhiều DN đã tham gia vay vốn. Cụ thể, với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN), 9 tháng năm 2016, các NHTM đã giải ngân được 178.117 tỷ đồng cho gần 19.160 khách hàng, chiếm 44% so với tổng số tiền đã giải ngân trong hơn 4 năm qua là 405.723 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ vay vốn giá rẻ đã góp phần ổn định thị trường giá cả, nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Để tăng tốc giải ngân cho chương trình kết nối NH-DN lên đến 250.000 tỷ đồng vào cuối năm 2016 theo kế hoạch, trong tháng 10, đã có hàng loạt ngân hàng như Sacombank, Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, ACB, SeABank đã ký kết hợp đồng tín dụng với tổng nguồn vốn 817 tỷ đồng hỗ trợ cho 67 DN và hộ kinh doanh tại quận Bình Thạnh. Song song với chương trình kết nối, chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh cũng được các NHTM hưởng ứng tích cực. Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, được triển khai từ ngày 1/4/2016 đến ngày 31/3/2017, chương trình bình ổn thị trường hiện có 86 DN tham gia, tổng hạn mức tín dụng mà các ngân hàng đăng ký cho vay thực hiện chương trình là 12.900 tỷ đồng, tăng 1.050 tỷ đồng (tăng 8,86%) so với năm 2015 với lãi suất tương đương năm 2015 (ngắn hạn 5,5 - 7%/năm, trung và dài hạn 9 - 10%/năm).

Ngoài ra, các NHTM còn dồn vốn rẻ cho các DN thông qua các chương trình, gói vay riêng của NH. Mới đây nhất, TPBank đã triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ DN với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,8%/năm kể từ ngày 20/10. HDBank dành 6.000 tỷ đồng cho DN từ nay đến 31/12 với số tiền vay từ một tỷ đồng trở lên, áp dụng trong thời gian ngắn hạn, lãi suất từ 7%/năm đến 10,5%/năm tùy hạn mức vay. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) thì ưu tiên cho DN may mặc xuất khẩu nên chương trình cho vay với tỷ lệ tài trợ cao, lên đến 100% giá trị đầu vào hoặc nhu cầu thanh toán lương, thời gian cho vay tối đa 6 tháng/khế ước.

Trước đó, trong tháng 9, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã cho ra mắt hai chương trình “Đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp lớn” và “Lãi suất siêu ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ” với tổng gói tín dụng lên đến gần 11.000 tỷ đồng, mức lãi suất siêu ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm… Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB, cho biết với chương trình tín dụng này chắc chắn sẽ mang tới những tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp lớn sẽ đảm bảo nguồn vốn kịp thời cho việc sản xuất kinh doanh vào mùa cao điểm cuối năm.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, PCT UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết nhờ chương trình kết nối NH - DN cũng như sự chủ động của các NHTM trong việc đưa ra các chương trình ưu tiên vốn rẻ cho DN, nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh luôn đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP TP Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm ước đạt 7,76%, cao hơn mức cùng kỳ năm trước và xấp xỉ mức kế hoạch cả năm 2016 là 8%; vốn đầu tư toàn xã hội và tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chỉ số sản xuất công nghiệp đều tăng cao so với năm trước. Đặc biệt, số lượng các DN được thành lập và đăng ký vốn cao hơn so với cùng kỳ.

Tăng cung hàng hóa, bình ổn thị trường

Theo bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Hội đồng Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây, với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền thành phố và các NHTM, DN đã có thêm cơ hội đầu tư dây chuyền hiện đại, khép kín để sản xuất những sản phẩm sạch như mì, phở, bún (tươi và khô). Hiện nay, DN đang cung ứng mỗi ngày khoảng 120 tấn, trong đó xuất khẩu trên 50%. Riêng việc thực hiện kế hoạch hàng hóa dịp Tết do thành phố giao, DN đã đưa ra chỉ tiêu tăng 30 - 40% tất cả các sản phẩm, dao động trên dưới 50 tấn cho mỗi chủng loại.

Các tín dụng viên ngân hàng luôn đồng hành cùng DN để hỗ trợ vốn vay kịp thời, từ đó đảm bảo hoạt động sản xuất của DN hiệu quả.

Tương tự, Công ty TNHH San Hà (SANHA FOODS), cũng đã mở rộng thêm dây chuyền sản xuất mới và các điểm bán hàng bình ổn nhờ vốn vay bình ổn thị trường. Hiện DN có 4 nhà máy cùng với 257 điểm bán hàng bình ổn, mỗi ngày cung ứng bình quân khoảng 100 tấn sản phẩm, trong đó khoảng 45.000 kg thịt gà. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc SANHA FOODS, cho biết dự kiến từ nay đến cuối năm công ty sẽ phát triển thêm 4 cửa hàng và mở thêm 18 điểm phân phối.

Có thể thấy, việc hỗ trợ vay vốn giá rẻ kịp thời đã đem lại những tín hiệu tích cực, góp phần ổn định thị trường giá cả, nhất là dịp cuối năm. Theo đó, lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2016 đã tăng bình quân 30 - 35% so với năm 2015. Cụ thể, các mặt hàng lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 25 - 30% nhu cầu thị trường các tháng thường, 30 - 40% nhu cầu thị trường các tháng Tết. Đáng chú ý, riêng mặt hàng sữa, năm 2016 - 2017 là 4.529,5 tấn sữa/năm (tương đương 377,5 tấn/tháng) tăng 8,37% so với kết quả thực hiện chương trình năm 2015 - 2016. Các mặt hàng dược phẩm, lượng hàng hóa thực hiện chiếm 50% thị phần của các nhóm thuốc thiết yếu mà người dân thành phố sử dụng trong năm 2016.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, hiện các DN đã chuẩn bị lượng hàng Tết Đinh Dậu 2017 tăng 15 - 20% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 25 - 45% so với kết quả thực hiện vào dịp Tết Bính Thân 2016. Theo đó, hơn 17.000 tỉ đồng hàng hóa sẽ được dự trữ, sản xuất và cung ứng trong 2 tháng Tết (riêng hàng bình ổn chiếm gần 7.000 tỉ đồng). Dự báo, giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng đột biến về giá, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường.

Dù vậy, để có thể đáp ứng vốn cho DN trong những tháng cuối năm đạt hiệu quả kinh tế hơn, nhất là việc chuẩn bị hàng hóa Tết và bình ổn giá cả thị trường, ông Trần Vĩnh Tuyến cho hay đã chỉ đạo UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm đẩy mạnh chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN nói chung và chương trình kết nối NH-DN, bình ổn thị trường nói riêng; giúp các DN, hộ kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là hộ tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ truyền thống tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp, chấm dứt tình trạng cho vay nặng lãi, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh: Ngân hàng sẽ tập trung vốn cho DN cuối năm

Theo đó, từ nay đến cuối quý 1/2017, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2017, các NHTM sẽ tập trung vốn phục vụ cho DN vay và đảm bảo bình ổn thị trường tốt nhất trong dịp Tết, qua đó cũng hỗ trợ các DN tiến hành đúng kế hoạch về chương trình bình ổn thị trường mà Sở Công Thương đề ra. Tính đến nay, doanh số cho vay chương trình bình ổn thị trường chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên đán 2017 đã đạt 812 tỷ đồng. NHNN kỳ vọng, con số giải ngân sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng cuối năm. Tại TP Hồ Chí Minh, với quy mô nguồn vốn huy động hiện nay ở mức 1,7 triệu tỷ đồng và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cùng với thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định, NHNN đảm bảo sẽ hoàn toàn đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn hợp lý, hợp pháp và đủ điều kiện tín dụng của mọi DN.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Nam Thái Sơn: Cần giảm thêm lãi suất cho vay trung và dài hạn

Mặc dù các chương trình cho vay của TP Hồ Chí Minh và NHTM đã chia sẻ khó khăn với DN khi đưa ra những gói cho vay vốn giá rẻ, nhưng sự cải thiện mới chỉ thể hiện đối với lãi suất cho vay ngắn hạn, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay trung - dài hạn như hiện nay vẫn đang là rào cản đối với các DN cần vốn. Vì thế, NHTM nên xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn để DN có thể yên tâm vay vốn và đầu tư lâu dài. Có như vậy, sức khỏe DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, mới có thể hồi phục hoàn toàn.

Hải Yên

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/tang-toc-von-cho-doanh-nghiep-dip-cuoi-nam-20161030230422728.htm