Tặng thưởng về văn hóa nghệ thuật: Rất ý nghĩa nhưng chưa thuyết phục

Các giải thưởng Hồ Chí Minh (GTHCM), giải thưởng Nhà nước (GTNN) được Nhà nước trao tặng là một việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với những tác phẩm có giá trị lớn. Đồng thời cũng thể hiện sự trân trọng cao đối với lao động sáng tạo của giới văn nghệ sỹ.

Tuy nhiên, qua một vài lần xét để trao tặng hai giải thưởng nói trên đã để lộ không ít điều khiến dư luận xã hội chưa đồng tình, giới văn nghệ sỹ không tâm phục khẩu phục, bản thân người được thưởng cũng không thoải mái, có khi xấu hổ khi bị dư luận dị nghị là không xứng đáng.

Với tư cách một văn nghệ sỹ hoạt động trong cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu lý luận, không nằm trong diện được bình xét (tôi không làm hồ sơ để xin xét) và cao hơn là tư cách một người dân quan tâm đến tình hình văn nghệ nước nhà, tôi xin mạnh dạn đề cập thẳng thắn một số điểm sau đây.

Những điểm bất hợp lý

Trước hết, về quy trình xét, chọn. Các “đương sự” được xét qua ba hội đồng tương đương với ba cấp độ: 1. Hội đồng Cơ sở (các hội chuyên ngành, ở địa phương là UBND tỉnh, thành phố tương đương). 2. Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước (do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL thành lập). 3. Hội đồng cấp Nhà nước (do Thủ tướng thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL). Hội đồng cấp trên chỉ nhận và xem xét các hồ sơ do hội đồng cấp dưới trình lên (tức là không xem xét những trường hợp trình vượt cấp).

Một “đương sự” nào đó chỉ được công nhận khi có từ 90% số phiếu thuận trở lên (ở cả 3 hội đồng). Đây là một điều kiện khá cao nhưng cần thiết. Tuy nhiên, tại điều khoản này đã lộ ra một sơ hở không thuyết phục. Đó là: Tại Hội đồng cơ sở, các thành viên trong Hội đồng sẽ chủ yếu gồm những người có cùng chuyên môn với đương sự (các hội VHNT như âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhà văn…). Nhưng ở 2 hội đồng cấp trên thì không như vậy mà mọi thành viên ngồi trong hội đồng đều bỏ phiếu (hay không bỏ) cho tất cả các đối tượng được xét. Ví dụ: Thành viên là một nhạc sỹ (hoặc họa sỹ) vẫn bỏ cho “đương sự” là nhà văn, nhà thơ (hoặc ngược lại). Vậy làm sao có thể chính xác? Người của lĩnh vực này làm sao có thể am hiểu lĩnh vực kia? Chẳng hạn một thành viên của Hội đồng là nhà văn nếu không để ý đến âm nhạc thì sao có thể biết được nhạc sỹ A, nhạc sỹ B là tác giả của những tác phẩm âm nhạc nào? Có khi cái tên người nhạc sỹ đối với vị đó cũng còn xa lạ. Như vậy, chắc chắn không thể tránh khỏi việc bỏ phiếu (hay không) nặng tính chất cảm tính (thích hay không thích) hoặc “tham khảo” ý kiến người có nghề âm nhạc trong hội đồng. Vậy thì sao có thể đạt được yêu cầu “khách quan, công bằng, chính xác” như tại khoản 2 điều 4 Nghị định số 90/2014 NĐ-CP quy định? Đương sự phải được từ 90% số phiếu tán thành trở lên mới được công nhận. Như vậy chỉ cần 1-2 thành viên của Hội đồng không thích ai đó theo cảm tính là người đó rất có thể bị… oan.

Nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn là 2 ví dụ điển hình về sự bất hợp lý trong việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Về tiêu chuẩn xét tặng, cả 2 mức độ giải thưởng đều có chung những yêu cầu giống nhau, chỉ khác một từ. Đó là: “1. Có giá trị xuất sắc về VHNT, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. 2. Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đó là đối với GTNN. Còn đối với GTHCM thì thêm từ “đặc biệt”: “Có giá trị đặc biệt xuất sắc…”. Trong phần tiêu chuẩn có điều khoản về các giải thưởng mà đương sự cần giành được tại các hội VHNT Trung ương hoặc tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp quốc tế. Khác nhau ở 2 loại giải thưởng chỉ ở 1 từ: Ở GTHCM, phải là đoạt giải cao nhất, còn ở GTNN là giải thưởng chính. Về tiêu chuẩn này, rõ là rất khó để bảo đảm sự chính xác và công bằng. Có một thực tế hiển nhiên: Không ít tác giả chưa hề tham dự một cuộc thi, liên hoan, hội diễn nào ngay cả ở trong nước chứ chưa nói là quốc tế, nhất là thời kỳ chiến tranh. Nhưng tác phẩm của họ cực kỳ nổi tiếng, có sức lan tỏa rộng rãi, đáp ứng rất trúng tiêu chuẩn: “Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng…”.

Ví như trong lĩnh vực âm nhạc, Doãn Quang Khải là tác giả bài hát “Vì nhân dân quên mình” ở vào trường hợp này. Cái tên tác giả có thể còn xa lạ với nhiều người nhưng bài hát của ông thì người Việt Nam nào cũng biết. Vậy tính sao đây? Bài này chẳng có giải thưởng gì ở đâu. Hoặc nữa: Phan Lạc Hoa là tác giả bài hát rất nổi tiếng có tên “Tàu anh qua núi”. Bài này tác giả cũng chẳng dự thi ở đâu. Trong khi đó thì trong danh sách những người từng được lĩnh GTNN ở lĩnh vực âm nhạc có người không có được bài nào có thể so được với 2 bài trên. Nhưng họ lại có nhiều bài được giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sỹ VN. Những bài này đã không ai biết đến. Mà không ai biết đến thì làm sao có thể đạt được tiêu chuẩn “Có tác dụng to lớn phục vụ Cách mạng…” như trong NĐ của Chính phủ đã quy định? Nhân đây, cần nói một sự thật là chẳng những chỉ ở Hội Nhạc sỹ VN mà ở nhiều hội khác, giải thưởng hằng năm trao cho một số tác phẩm ít sức thuyết phục khiến dư luận dị nghị nhiều. Vậy nên rất nhiều tác giả đã không gửi tác phẩm đến dự xét thưởng. Vậy thì căn cứ vào một tiêu chí không chính xác về chân giá trị ắt là sẽ không thể đạt được sự công bằng, khách quan như Chính phủ mong muốn. Dựa trên một căn cứ ít sức thuyết phục thì làm sao có được sức thuyết phục tiếp theo, cao hơn?

2 tập thơ của Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.

Một nội dung nữa không thể không nói là tại khoản 4 điều 4 Nghị định nói trên có quy định tác phẩm, công trình đã được tặng GTNN thì không được kết hợp với các tác phẩm, công trình khác để đề nghị xét tặng GTHCM nữa. Điều khoản này nhằm tránh việc một tác phẩm lại được xét tặng hai lần. Nhưng từ sự ràng buộc này mà đã dẫn tới một nghịch lý như sau: Những tác phẩm xuất sắc, nổi tiếng đã được tác giả khai hết để đề nghị xét tặng GTNN trước đây. Nay đành phải khai những tác phẩm còn lại để xin xét GTHCM. Nhưng những tác phẩm này lại ít hiệu quả, không ai biết tới nếu không nói là chưa phát huy tác dụng ở đâu (có khi chỉ nằm ở ngăn kéo). Vậy thì tác phẩm dự GTHCM lại kém xa tác phẩm dự GTNN trước đây? Nhạc sỹ Văn Ký là một ví dụ. Trước đây, ông từng nhận GTNN với những bài hát rất có giá trị, công chúng rất đỗi ưa thích như: Bài ca hy vọng, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về, Tây Nguyên bất khuất… Lần này, để được GTHCM, ông đã khai một số tác phẩm xa lạ với công chúng vì họ chưa nghe vang lên ở đâu chứ chưa nói là nổi tiếng. Ông đã bị trượt lần này. Tuy nhiên, lẽ ra, Văn Ký xứng đáng được GTHCM ngay từ lần trước, cùng đợt với những nhạc sỹ như Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Huy Du, Xuân Hồng…, bởi ông là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc VN hiện đại với rất nhiều tác phẩm có tầm cỡ lớn như đã nói. Lần này, với những bài đã khai thì việc ông không được GTHCM là không khó hiểu.

Cần một cách tôn vinh khác để công bằng, chính xác hơn

Không phải là các Hội đồng xét giải không làm việc hết mình. Cũng khó có thể có sự “chạy chọt” gì ở đây vì những 3 hội đồng với số lượng thành viên không ít. Nhưng chính những quy định còn chưa chặt chẽ, còn máy móc và kém thuyết phục đã gây khó cho việc bình chọn dẫu chỉ là tương đối. Bởi vậy mà mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới yêu cầu Bộ Văn hóa soạn thảo lại nghị định. Ông nhấn mạnh là không vì những điều khoản cứng nhắc mà để thiệt thòi cho những tài năng lớn, có cống hiến đáng kể cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Quả là một chấn chỉnh kịp thời, cần thiết.

Nhưng xem ra, sửa đổi thế nào để cho chặt chẽ, giàu sức thuyết phục hơn trong việc này quả là một việc khó khăn, không hề đơn giản. Rất cần những cái đầu giàu trí tuệ để nghĩ ra được những quy chuẩn nhằm giảm thiểu tối đa những bất ổn như hiện nay. Tuy nhiên, việc trao thưởng gần đây với quá nhiều bất ổn, để lại trong dư luận xã hội nhiều dư âm không đáng có, có phần “lợi bất cập hại” thì nên chăng đã đến lúc cần khép lại hình thức trao thưởng kiểu này để nghĩ tới những cách tôn vinh khác đạt được sự công bằng, chính xác hơn.

Nguyễn Đình San

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/rat-y-nghia-nhung-chua-thuyet-phuc/