Tăng thuế xăng lên 8.000 đồng/lít là trách nhiệm của công dân?

Theo thống kê, 5 tháng đầu năm nay, mức doanh thu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tăng vọt tới trên 30% so với cùng kỳ, tổng lợi nhuận hợp nhất chỉ đạt 1.350 tỉ đồng, đạt 28,8% kế hoạch và bằng 98,4% so với cùng kỳ.

Thế nhưng, phát biểu tại Hội thảo Thị trường xăng dầu và vấn đề thể chế diễn ra sáng 16/5 vừa qua, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam nói: “Việc tăng thuế bảo vệ môi trường là cần thiết… Rõ ràng, đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế. Tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi…”.

Nhiều năm nay, hễ mỗi lần tăng giá xăng, người ta hay viện dẫn lý do bị lỗ. Nhưng có lẽ giờ lý do đó không mấy thuyết phục thì lại bám vào lý do gia nhập WTO, FTA… hội nhập để tăng giá. Có thể thấy, việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000đồng/lít xăng đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ người dân. Người dân phản ứng, không phải vì chống đối chính sách của Đảng, Nhà nước, mà chính vì sự mập mờ của người đưa ra chính sách này.

Ảnh minh họa.

Lật lại Nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu, ta thấy, một lít xăng hiện đang chịu 4 loại thuế và 3 loại chi phí. Tổng 7 loại thuế và phí này khoảng 9.000 đồng/lít, tương ứng 39% giá bán một lít xăng, thuế bảo vệ môi trường các năm trước.

Vậy thì, trước tiên, người dân chúng tôi cần Bộ Tài chính và Hiệp hội Xăng dầu cho dân biết tiền đó đã đi đâu về đâu? Tăng thuế xăng dầu sẽ kéo theo hệ lụy gì?

Hàng hóa không những tăng trong nước mà là hàng xuất khẩu cũng tăng, nếu ra nước ngoài hàng giá cao thì không chịu nổi sức cạnh tranh của hàng nước khác. Mức độ tiêu thụ giảm, làm cho doanh nghiệp trong nước thất thu, thiệt hại kinh tế ảnh hưởng nền kinh tế trong nước. Lạm phát tăng ảnh hưởng đến chỉ số GDP, nếu mà lạm phát phi mã thì ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam.

Và cũng có một vấn đề dư luận thắc mắc rằng: Tại sao ở Việt Nam, việc giá xăng thấp hơn các nước thì lại không được coi là ưu điểm cần phát huy, mà lại coi đây là cơ hội để tăng thuế để cho giá thành “bằng anh, bằng em”? Rất mong các nhà quản lý ở tầm vĩ mô cẩn trọng xem xét, đừng vì khó khăn trước mắt mà để lại gánh nặng cho xã hội, đẩy mọi thứ cho người dân gánh chịu.

Xăng dầu là một mặt hàng đặc biệt, từ cán bộ đến người dân nghèo đều phải sử dụng, nếu cần bù đắp ngân sách do phải giảm thuế nhập khẩu thì hãy chọn những mặt hàng khác như: Rượu, bia, thuốc lá... vì những thứ này dân nghèo không dùng đến, riêng xăng dầu hãy cho người dân được hưởng giá thành thấp nhất.

Một người dân chia sẻ thế này: “Phí bảo vệ môi trường ở địa phương, hình như tôi có đóng rồi mà. Phí xe cộ (khi mua đóng thuế), khi mua xăng cũng có phí thuế, gia tăng các kiểu, phí lưu hành đường bộ, phí cầu đường... Bây giờ, với 1 lít xăng sử dụng để chạy trên đường trong lãnh thổ Việt Nam tôi đã phải gánh bao nhiêu thuế, phí. Mong các cán bộ tính giúp và công khai, quán triệt trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Rồi tính lại phần trăm so với chi phí thực sự tiêu vào xăng. Nếu hợp lý thì việc tăng phí bảo vệ môi trường trong xăng này không vấn đề gì với dân cả”.

Dân nói vậy vì dân cũng hiểu, ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, việc bảo đảm cho phát triển toàn diện của đất nước đều phụ thuộc rất lớn đến nguồn ngân khố quốc gia. Nguồn này chỉ có được trên cơ sở thu thuế, thông qua các hoạt động quản lý và điều hành hoạt động của xã hội.

Có điều, thực tế mang lại cho dư luận những băn khoăn rằng: Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới nhằm mục đích gì? Có phải một trong những mục đích đó là để người dân được sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt và giá rẻ? Hay vẫn như cũ không gì thay đổi? Vậy hội nhập làm gì? Thu phí để bảo vệ môi trường, người dân có nghĩa vụ là đúng nhưng thu thế nào và chi ra sao? Thời gian qua đã thu bao nhiêu và chi làm được những gì? Dân chưa được biết?

Cần công khai minh bạch cho dân hiểu, dân biết. Dân tin, dân sẽ làm, sẽ thực hiện nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của dân.

Theo Sông Hàn/DĐDN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/tang-thue-xang-len-8000-donglit-la-trach-nhiem-cua-cong-dan-177696/