Tăng thuế VAT: Cần một lý do thuyết phục!

Bộ Tài chính đưa ra kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng VAT từ 10% lên 12% nhằm tăng nguồn thu trong bối cảnh nợ công tăng cao. Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân và thuế Tài nguyên, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất thuế VAT theo hai phương án. Phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019, phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1. Biểu thuế thu nhập cá nhân mới dự kiến chỉ còn 5 bậc thuế, thay vì 7 bậc như hiện nay. Theo Bộ Tài chính, mục tiêu sửa đổi là để phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán và tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Thông tin này gây xôn xao dư luận bởi Bộ Tài chính chưa đưa ra được lý do thuyết phục đối với việc tăng thuế. Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính cần đưa ra thông tin về việc tại sao chọn tăng thuế VAT và nhất là cần phải cho người dân thấy ảnh hưởng của đối tượng chịu tác động.

Tăng thuế vì nợ công tăng cao!

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi một số luật về thuế, trong đó có đề xuất sửa đổi thuế VAT theo hướng tăng thuế, giảm nhóm hàng hóa ưu đãi thuế. Cụ thể, với thuế VAT thông thường, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: Tăng thuế VAT mức 10% hiện hành lên 12% từ ngày 1/1/2019; hoặc tăng theo lộ trình lên 12% từ năm 2019 và lên 14% từ 1/1/2021.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đơn vị soạn thảo nghiêng về phương án tăng thuế VAT lên 12% (phương án đầu). Lý giải về đề xuất tăng thuế VAT, ông Thi dẫn kinh nghiệm quốc tế cũng làm vậy khi nợ công tăng cao. Khi nợ công tăng cao, các nước cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng thuế gián thu (thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt), để bù hụt thu từ giảm thuế thu nhập (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân), ưu đãi thuế xuất – nhập khẩu… Qua đó đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp và phù hợp thông lệ quốc tế…

Ông Thi còn dẫn mức thuế VAT tại một số nước để thuyết phục cho đề xuất tăng thuế trên, như: Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) thuế VAT trung bình đã tăng lên 21,5% từ năm 2014 (thay mức 19% năm 2000); Trung Quốc thuế VAT là 17%,…

Tăng thuế VAT phải có lộ trình hợp lý

Bộ Tài chính cũng đề xuất loại một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được ưu đãi thuế VAT sang nhóm chịu thuế thông thường, dù đây là những hàng hóa thiết yếu của người dân. Những hàng hóa, dịch vụ này sẽ tăng thuế VAT từ 5% hiện hành lên 12% (thậm chí lên 14% nếu phương án 2 được chọn). Các loại hàng hóa nhóm này như: Nước sạch sinh hoạt và sản xuất, dịch vụ văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất và phát hành phim, biểu diễn thời trang, thi người mẫu, bóng đá… “Những hàng hóa, dịch vụ này đã được xã hội hóa sâu rộng, nhiều thành phần kinh tế tham gia vì mục đích lợi nhuận. Nếu tiếp tục ưu đãi thuế VAT sẽ không bình đẳng giữa các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác”, ông Thi nói.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ quy định miễn thuế VAT cho hoạt động chuyển quyền sử dụng đất. Thay vào đó, hoạt động này vẫn phải chịu thuế VAT theo mức thông thường (theo mức đề xuất 12% vào năm 2019).

Phải có lộ trình hợp lý!

Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Bộ Tài chính lý giải việc tăng thuế GTGT để bảo đảm công bằng xã hội là chưa hợp lý. Bởi lẽ, với việc bảo đảm công bằng xã hội về thuế, các quốc gia không sử dụng thuế GTGT mà họ thường ấn định một sắc thuế cụ thể cho từng ngành nghề, lĩnh vực.

Nhiều ý kiến nhận định trong bối cảnh bội chi ngân sách, nợ công tăng cao, đặc biệt là nguồn thu ngân sách sẽ bị co hẹp vì thuế nhập khẩu giảm dần về 0% khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực, có lẽ đây là lý do chính để Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT. Tuy nhiên,. Bộ Tài chính lại chưa đưa ra cơ sở nào cho thấy đã tính toán việc tăng thuế là hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả – Bộ Tài chính, nhận định: “Thuế là một công cụ để tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội… song chúng ta chưa thực thi trọn vẹn mục đích này. Một nguyên tắc quan trọng cho việc thu thuế là nuôi dưỡng nguồn thu. Thế nhưng, lâu nay chúng ta chỉ tập trung tái cơ cấu nguồn thu và tăng thuế mà ít chú trọng đến nguồn chi, khi có nhiều khoản chi hết sức bất hợp lý. Do đó, nhà nước cần chú trọng tái cơ cấu nguồn thu lẫn chi để cân đối ngân sách thay vì phải tăng thuế để tăng nguồn thu”.

Chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước để đảm bảo chi tiêu, không để bội chi lên quá cao. Hiện, hết tháng 7, chi thường xuyên đã lên tới gần 511,3 nghìn tỷ đồng (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm hơn 73% số chi ngân sách).

Tuy nhiên, theo ông Doanh, lộ trình áp dụng cần xem xét lại, và cần lắng nghe thêm ý kiến người dân, doanh nghiệp, chuyên gia… “Người kinh doanh cần có môi trường kinh doanh có thể dự báo, tiên liệu trước. Nếu cứ bất chợt bị tăng thuế thì phương án kinh doanh sẽ bị thay đổi do chi phí, giá cả tăng lên, lợi nhuận giảm đi. Hàng hóa tăng giá người dân sẽ thắt lưng buộc bụng, chi tiêu ít hơn, khi phần lớn tiền phải dùng cho chi tiêu thiết yếu, ngược lại sẽ khiến doanh nghiệp khó tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận giảm nên nộp thuế cũng giảm theo. Như vậy là lợi bất cập hại”, ông Doanh phân tích.

Cũng theo ông Doanh, Việt Nam khi hội nhập có những cam kết ổn định môi trường kinh doanh và sự thay đổi được dự báo trước. Theo đó, khi chính sách thay đổi phải được lấy ý kiến rộng rãi, có lắng nghe và sửa đổi, khi thay đổi phải có lộ trình để người dân và doanh nghiệp chuẩn bị phương án ứng phó.

Khánh An

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tang-thue-vat-can-mot-ly-do-thuyet-phuc/