Tặng mô hình Châu Ấn thuyền tại Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật 2017

Chính quyền tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) sẽ tặng mô hình Châu Ấn thuyền kể về chuyện tình đẹp giữa nghĩa nữ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và thương gia Nhật Bản.

Ngày 24/7, Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng và Công ty TNHH Đào tạo và Đầu tư GreenHope tổ chức buổi họp báo giới thiệu Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật lần thứ 4-2017, với chủ đề: “ Việt Nam – Nhật Bản tình nghĩa thăng hoa”.

Lễ hội không chỉ là nơi giao thoa của hai nền văn hóa đặc sắc, nhịp cầu kết nối Đà Nẵng – Nhật Bản nói riêng, mà cũng là cơ hội mở rộng quan hệ hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản nói chung.

Theo dự kiến, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật năm nay sẽ diễn từ ngày 28 đến 30/7 tại cầu cảng sông Hàn (đường Bạch Đằng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Theo chia sẻ của ông Nguyễn Công Tiến, phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng, lễ hội có quy mô hơn 120 gian hàng được thiết kế theo phong cách hài hòa, mang đậm nét văn hóa lễ hội của Việt Nam và Nhật Bản, như: cắm hoa Ikebana, biểu diễn trà đạo, thư pháp, áo kimono, hùng biện tiếng Nhật..

Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng Nguyễn Công Tiến (giữa) chia sẻ thông tin trong cuộc họp.

Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng Nguyễn Công Tiến (giữa) chia sẻ thông tin trong cuộc họp.

Các gian hàng không chỉ là nơi giới thiệu và quảng bá sản phẩm của các ngành nghề như: công nghệ, điện máy, điện gia dụng,thời trang, thủ công mỹ nghệ,hóa , mỹ phẩm , thương mại…với các sản phẩm rất đa dạng về mẫu mã và đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu; mà còn là không gian trao đổi, giới thiệu các hoạt động văn hóa, ẩm thực, du lịch, du học.

Không những thế, Lễ hội còn hội tụ đông đảo các đoàn nghệ thuật truyền thống, hiện đại của Việt Nam, Nhật Bản. Khán giả sẽ được mãn nhãn bởi chương trình “Biểu diễn đường phố” với sự tham gia của hơn 100 nghệ nhân đại diện cho hai đoàn Việt Nam và Nhật Bản tại dọc tuyến đường Bạch Đằng ngày 28/7.

Ngoài ra, sẽ 6 đoàn nghệ thuật Nhật Bản của chính quyền các TP, tỉnh tại Nhật Bản, cùng 19 đoàn nghệ thuật với 31 nghệ sĩ từ Nhật Bản sang Việt Nam trong dịp này. Về phía nước chủ nhà, các ca sĩ, nhóm nhạc của Việt Nam sẽ cùng nhau mang đến cho khán giả những bữa tiệc âm nhạc mang phong cáchtruyền thống xen lẫn hiện đại của hai nền văn hóa.

Ba đêm nhạc: “Việt – Nhật hồn thiêng”, “ Hành trình văn hóa”, “Vũ điệu sắc màu” sẽ diễn ra vào lúc 20h tối các đêm, hứa hẹn mang đến cho khán giả những dòng cảm xúc khác nhau, vừa hồi tưởng để tự hào về nòi giống tiên rồng nhưng không kém phần sôi động, cuồng nhiệt.

Tặng mô hình gắn câu chuyện mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Đặc biệt, vào tối 27/7, chính quyền tỉnh Nagasaki sẽ trao tặng mô hình Châu Ấn thuyền cho đại diện TP Đà Nẵng, nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản. Mô hình Châu Ấn thuyền bắt nguồn từ câu chuyện đầy cảm động giữa Công nương Nguyễn Phúc Ngọc Hoa, nghĩa nữ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và thương gia Nhật Bản – ông Araki Soutaro.

Khác với những cuộc hôn nhân bang giao mang màu sắc bi kịch thường thấy, mối lương duyên này được xem là vô tiền khoáng hậu khi lần đầu tiên viết vào lịch sử Việt Nam một cuộc hôn nhân không nhằm mục đích đàm phán chính trị hay thương thảo đình chiến.

Những dòng đầu tiên của trang tình sử được viết vào năm 1619, khi ông Araki Soutaro gặp gỡ và kết hôn với bà tại kinh thành Huế. Một năm sau, Công nương theo chồng sang Nhật trên chiếc thuyền mang tên Châu Ấn, để rồi thêu dệt nên những giai thoại về mối tình cảm động này tại Nhật.

Mô hình Châu Ấn thuyền được phục chế tại bảo tàng Nagasaki, Nhật Bản.

Theo sử Nhật, bà guyễn Phúc Ngọc Hoa và phu quân cùng nhau xây dựng tổ ấm và tạo dựng nên một trung tâm thương mại sấm uất tại tỉnh Nagasaki. Vì Công nương không biết tiếng Nhật nên bà thường gọi chồng mình là “Anh ơi” bằng tiếng Việt. Vì thế, người Nhật đã gọi bà một cách thân mật là Anio – san (cách phiên âm tiếng Nhật của hai tiếng “Anh ơi”).

Cho đến tận ngày nay, cái tên Anio – san đã trở thành tên gọi cho những cô gái xinh đẹp và dễ thương tại Nhật. Hai người mất cùng một ngày nhưng cách nhau mười năm, mộ của đôi phu thê ngày nay vẫn tọa lạc tại ngôi chùa Đại An, tỉnh Nagasaki, Nhật Bản.

Hằng nằm, người dân đều tổ chức Lễ hội truyền thống có nghi thức rước dâu trên chiếc thuyền Châu Ấn để mô tả lại quang cảnh đám cưới của Công nương và thương nhân Araki Soutaro khi xưa.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tang-mo-hinh-chau-an-thuyen-tai-le-hoi-giao-luu-van-hoa-viet--nhat-2017-d49078.html