Tăng lương cho giáo viên: Một số lãnh đạo trường đề xuất tăng học phí

Để nâng cao chất lượng đào tạo và tăng lương cho giáo viên, một số lãnh đạo trường học đề xuất tăng học phí ở các cấp học.

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề thu nhập của giáo viên.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thu nhập của giáo viên hiện nay còn thấp. Để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên nên muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn.

Trước vấn đề trên, lãnh đạo một số trường học cho rằng, việc tăng lương cho giáo viên có thể từ việc tăng học phí của người dân.

Tăng học phí và khoản thu từ học thêm-dạy thêm

Ông Nguyễn Tu Tập, Hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn, xã Phù Lễ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội nêu quan điểm: Các trường THPT dân lập quyết định việc tăng lương cho giáo viên dựa vào ý kiến của Hội đồng quản trị. Giáo viên nào có trình độ chuyên môn tốt thì được trả lương cao, người nào trình độ yếu hơn thì sẽ hưởng mức lương thấp hơn.

Một số lãnh đạo trường học đề xuất tăng học phí để lấy đó làm nguồn thu tăng lương cho giáo viên

Một số lãnh đạo trường học đề xuất tăng học phí để lấy đó làm nguồn thu tăng lương cho giáo viên

Tuy nhiên, hiện nay, các trường THPT công lập được Nhà nước hỗ trợ phần lớn kinh phí để trả lương cho cán bộ, giáo viên. Giáo viên sẽ được tăng lương theo quy định của Nhà nước là 3 năm tăng một bậc.

Theo ông Nguyễn Tu Tập, nguồn để tăng lương cho giáo viên có thể lấy từ việc tăng học phí nhưng các trường công lập phải được giao quyền tự chủ trong việc thu, chi. Nhà nước chỉ lo về đất đai xây dựng trường và cơ sở phòng học, còn tất cả các khoản thu, chi thường xuyên, trả lương cho giáo viên đều bằng nguồn học phí do nhân dân đóng góp. Hiệu trưởng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc chi trả lương cho giáo viên.

Ngoài việc tăng học phí thì các trường có thể có thêm khoản thu từ hoạt động dạy thêm-học thêm. Đây là những khoản thu góp phần vào việc chi trả tăng lương cho giáo viên; đồng thời cũng giảm phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước cho hoạt động chi thường xuyên ở các trường học.

Nên bỏ miễn giảm học phí với sinh viên Sư phạm

“Học sinh ở tất cả các cấp học đều phải đóng học phí để các trường có kinh phí nâng cao chất lượng giáo dục và trả lương tăng thêm cho giáo viên.

Song song với đó, các trường phải duy trì hỗ trợ, miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, thuộc diện đối tượng chính sách, khó khăn”. Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, việc nhà trường lấy tiền từ dạy thêm, học buổi thứ 2 của học sinh và các khoản đóng góp khác để tăng lương cho giáo viên và phát triển hoạt động đào tạo của trường là không đúng. Bởi vì như vậy có thể dẫn đến tình trạng “lạm thu” ở trường học và sự biến tướng trong các hoạt động giáo dục.

Để nhà trường có thể nâng cao chất lượng giáo dục và có nguồn thu trả lương tăng thêm cho giáo viên, chúng ta có thể thực hiện tăng học phí. Việc thu phải có những quy chế rõ ràng, minh bạch.

Những năm 1998-2006 là thời kỳ nước ta đang thiếu giáo viên nên để vận động học sinh giỏi “đầu quân” vào các trường ĐH Sư phạm, Nhà nước đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều sinh viên Sư phạm tốt nghiệp không làm đúng ngành nghề thì chính sách miễn giảm học phí sẽ là sự lãng phí ngân sách của Nhà nước.

Vì vậy, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, đã đến lúc Nhà nước có thể bỏ miễn giảm học phí đối với sinh viên Sư phạm mà chỉ miễn giảm và hỗ trợ những đối tượng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Nguồn thu học phí từ sinh viên sư phạm để các trường nâng cao chất lượng giảng dạy và trả lương cho giảng viên./.

** Các bài viết cùng chủ đề liên quan:

Bích Lan/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/tang-luong-cho-giao-vien-mot-so-lanh-dao-truong-de-xuat-tang-hoc-phi-629877.vov