Tăng học phí: “Lộ trình” hay “kịch trần”

Câu chuyện học phí của trường ĐH Kinh tế quốc dân tăng cao khiến không ít sinh viên của trường cảm thấy sốc trong suốt một tuần qua đã khiến cho nhiều câu hỏi cũ nhưng chưa có lời giải đáp thỏa đáng lại được nhắc lại: Tăng học phí, có đi kèm với tăng chất lượng một cách tương xứng? Việc một giảng viên của trường này (quan điểm cá nhân) đặt vấn đề giáo dục như “hàng hóa”, sinh viên là “khách hàng” và thu cao cũng là chuyện “tiền nào của nấy” đã nảy ra nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Rõ ràng, muốn đảm bảo chất lượng dạy học, đưa giáo dục ĐH theo hướng hiện đại hóa, mức học phí không thể giữ nguyên như những năm trước, nhưng tăng thế nào cho phù hợp không phải là một vấn để dễ giải quyết.

Năm học 2016 - 2017 tới, học phí một số ngành của trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ tăng gần 30% so với năm học trước. Học phí cao nhất là của K57 (sinh viên năm thứ 2) và K58 (khóa sẽ tuyển sinh năm 2016). Các ngành: Kế toán tổng, Kiểm toán, Kinh tế đầu tư và Kinh tế quốc tế, Tài chính doanh nghiệp có mức học phí lên 530.000 đồng/tín chỉ, tăng 115.000 đồng/tín chỉ so với năm trước. Học phí của các ngành khác cũng tăng từ 70.000 đồng đến 95.000 đồng/tín chỉ. Như vậy, mức học phí cao nhất của trường ĐH Kinh tế quốc dân cho năm học mới, cao nhất sẽ là 17 triệu đồng/năm.

Mức học phí dự báo của nhiều trường ĐH công lập trong năm học 2016-2017 sẽ tiếp tục tăng Ảnh: P.T

TS. Lê Việt Thủy, Phó Trưởng phòng Đào tạo (trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết, học phí của nhà trường đang áp dụng nằm trong mức Nhà nước cho phép, đúng lộ trình quy định. Theo TS.Lê Việt Thủy, mức học phí này cũng không quá cao, phù hợp chi phí đào tạo chung, tương đương với nhiều trường ĐH tự chủ tài chính khác trong nước. Với mức áp dụng học phí tại trường, có rất nhiều ngành 12 triệu đồng, chỉ có một số ngành 17 triệu đồng/năm. Điều này phù hợp với điều kiện hoàn cảnh chi phí đào tạo của nhà trường.

Cũng theo TS. Lê Việt Thủy, đối với những em sinh viên khó khăn, thuộc diện miễn giảm học phí, nhà trường thực hiện đầy đủ theo các quy định Nhà nước. Ngoài ra, các em không phải đóng thêm bất cứ một khoản tiền nào. Đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng chưa tới mức được miễn giảm học phí của Nhà nước mà đủ điểm vào trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhà trường vẫn xem xét tặng học bổng hoặc miễn hoặc giảm học phí một phần cho các em. Hiện nay, quỹ học bổng của nhà trường do các cựu sinh viên, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, tài trợ lên tới 50 tỷ đồng cho 4 năm và có rất nhiều tổ chức khác cũng trao học bổng cho sinh viên của trường.

Trên thực tế, hầu hết các trường ĐH đều tăng học phí qua các năm, không riêng gì ĐH Kinh tế quốc dân. Mỗi trường đều có lộ trình tăng riêng. Như trường ĐH Hà Nội: Từ năm 2008 đến nay, thực hiện tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên (gồm lương, BHXH, học bổng, chi phí hành chính…) theo cơ chể tài chính của Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Học phí hệ chính quy, mức học phí trần năm học 2014-2015 theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP đối với ngành Công nghệ thông tin, Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành (giảng dạy bằng tiếng Anh) là 6,5 triệu đồng/năm, đối với các ngành khác là 5,5 triệu đồng /năm so với thực tế chi phí đào tạo bình quân/SV chính quy/năm mới chỉ đáp ứng được khoảng 40%. Vì vậy, trường có mức thu mới lên từ 7 triệu đến 9 triệu đồng/năm đối với các ngành học này.

Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm tài chính, áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo (lộ trình từ năm học 2015 - 2016 tới năm học 2017- 2018) như sau: Ngành KHXH, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản là 1.750.000đồng/tháng; KHTN; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch là 2.050.000đồng/tháng; y dược là 4.400.000đồng/tháng. Và nếu soi vào lộ trình tăng này thì có thể thấy nhiều trường đã thu vượt trần theo lộ trình hàng năm. Đó là lí do vì sao nhiều sinh viên cảm thấy “sốc” khi học phí tăng cao đột ngột như vậy.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội từng cho rằng, việc tăng học phí là cần thiết, song tăng học phí phải đi kèm với những cải thiện rõ rệt. Nếu không, người học sẽ khó chấp nhận.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, thì cho rằng: Khi tăng học phí, cũng cần nghĩ tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em mất cơ hội được học chỉ vì học phí cao. Vì vậy, Nhà nước đã đưa ra khung, mức trần, mức sàn để quản lý chứ không phải để các trường áp dụng tăng “kịch trần”. Tăng học phí cần tính toán kỹ, dựa trên mặt bằng thu nhập xã hội và có lộ trình dần dần để người học chuẩn bị.

Trên thực tế, nhiều trường đã chọn giải pháp tăng “kịch trần” thay vì tăng theo “lộ trình”. Mức tăng đột ngột trong khi hệ thống cơ sở vật chất, giảng viên, phương thức giảng dạy chưa có thay đổi nhiều. Đó là lí do làm cho người học cảm thấy bức xúc, khi chất lượng chưa tăng bao nhiêu mà học phí đã tăng “phi mã”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, tăng học phí ĐH là vấn đề cần thiết, nhưng cũng cần có bước đi phù hợp và tham vấn của các bên liên quan.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/tang-hoc-phi-lo-trinh-hay-kich-tran-115085