Tăng học phí đại học: Các trường có day dứt với học viên nghèo không?

Sắp kết thúc học kỳ I của năm 2016 nhưng mới đây một số trường đại học thông báo tăng học phí với mức tăng "khủng" khiến nhiều sinh viên lo lắng không đủ khả năng theo học tiếp.

Ảnh minh họa.

Theo đề án tự chủ tài chính của các trường đại học công lập ở Việt Nam đã được triển khai, các trường đại học bên cạnh việc tự chủ tài chính còn phải tự chủ trong chương trình đào tạo, quy hoạt đội ngũ, liên kết quốc tế, nhiều lĩnh vực khác. Nhiều sinh viên vừa trúng tuyển năm 2016 cũng tỏ ra lo ngại cho những năm học tới của mình với lộ trình học phí tăng tại các trường.

Học phí tăng theo lộ trình, sinh viên đành phải "theo lao"

Hiện nay, nguồn thu của các trường ĐH, CĐ nước ta trông chờ vào 2 nguồn chính là: ngân sách bao cấp và khoản phí đóng góp của sinh viên. Trong khi đó, tại nước ngoài các trường ĐH còn có nhiều nguồn khác như kết hợp với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu... nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Tính đến nay, tại Hà Nội có các trường ĐH đã thực hiện đề án tăng học phí là các trường ĐH Ngoại thương, ĐH kinh tế quốc dân, ĐH Điện Lực, Học viện Nông nghiệp. Đối với những trường tự chủ tài chính Nhà nước sẽ cắt kinh phí thường xuyên từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, tất cả các hoạt động của Nhà trường vẫn phải chi, nhiều khoản chi phải theo giá cả ngang với thế giới như máy móc, thiết bị, vật tư, internet… do đó việc tăng học phí là tất yếu.

Câu chuyện tăng học phí đại học đang nhận sự thắc mắc của nhiều sinh viên và phụ huynh khi có quy định về chính sách tăng học phí mới. Hiện nay các trường đại học đều ồ ạt tăng học phí, đây là vấn đề đáng lo ngại đối với một số bạn sinh viên khi tham gia học tập và rèn luyện tại các trường. Tuy nhiên vấn đề đáng quan tâm là chất lượng thực sự đảm bảo hay vẫn thực hiện chính sách giảng dạy cũ trong khi các bạn cử nhân đầu ra luôn trong tình trạng thất nghiệp dài hạn.

Dù nhiều trường có phương án tăng học phí, tuy nhiên, rất ít sinh viên biết về lộ trình tăng những năm tiếp theo. Nên hiện nhiều sinh viên khi vào nhập học ở các trường vẫn “mù mờ” thông tin về tăng học phí. Tức là học đến năm nào thì sinh viên được nhà trường thông báo mức học phí năm đó. Do đó, cứ đến đầu năm học, sinh viên lại lo lắng khi nhận được thông báo việc tăng học phí.

Một sinh viên khoa Môi trường Học viện Nông nghiệp bức xúc: “Đồng ý rằng Nhà trường tăng học phí theo đúng quy định của Nhà nước nhưng chúng em cảm thấy số tiền học phí mình bỏ ra chưa xứng đáng với những gì nhận được. Năm học 2016 – 2017 học phí của sinh viên khoa em là gần 300.000/tín chỉ. Thế nhưng, như kỳ trước, trời nắng gần 40 độ nhưng chúng em không được dùng điều hòa, mặc dù trong phòng có lắp. Hệ thống quạt trong một số giảng đường như giảng đường B, T, D xuống cấp trầm trọng, ngồi học mà chúng em như ngồi trong “lò bát quái”, mồ hôi đứa nào cũng đầm đìa. Đó là chưa kể, đồ thực hành trong giảng đường B quá cũ, điển hình như pipet với các quả bóp cao su đã cũ từ lâu, hơn một nửa số đó bị hỏng. Ngay cả khu để xe cũng không có mái che”.

Nhiều sinh viên vẫn chấp nhận mức học phí tăng nhưng một vấn đề cần quan tâm là sau khi trường tăng học phí, chất lượng đào tạo liệu có tương ứng.

“Hiện tại, chúng tôi phải học ở các cơ sở trường thuê mướn, điều kiện học còn hạn chế: giảng viên đi thuê, phòng chật chội, lớp học đông… Tại sao nhà trường không đầu tư cơ sở vật chất cho thật tốt để sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn trước khi tăng học phí? Cối lõi của giáo dục là chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội. Cả ba yếu tố trên đều phụ thuộc vào "nguồn lực con người".

Có nguồn lực vật chất mới mà không thay đổi "tư duy cũ" sẽ chẳng giải quyết được gì. Hiểu một cách tương ứng, có thêm phòng học đẹp, không phải học ba ca, có nhiều máy vi tính trên các giảng đường - cơ sở vật chất cải thiện, nhưng con người "vẫn cũ" (trình độ chuyên môn của giáo viên, năng lực ngoại ngữ, vi tính, nghiệp vụ sư phạm...), làm sao tạo ra chất lượng đào tạo?” Mai Anh (sinh viên trường ĐH Mở chia sẻ).

Một vấn đề nữa được đặt ra khiến người học băn khoăn là chất lượng đào tạo có cải thiện và theo kịp với lộ trình tăng học phí? Học sinh sinh viên nghèo, học ở nông thôn liệu có mất cơ hội học tập khi là gánh nặng học phí ngày càng tăng? Việc tăng học phí là vấn đề nhạy cảm xã hội, liên quan đến nhiều đối tượng xã hội, đặc biệt là dân nghèo, đối tượng chính sách.

Sinh viên Nguyễn Hoa - năm 2 ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ trong lo lắng: “Học phí cao quá khiến em điêu đứng trước quyết định bỏ học để đi làm, với mức học phí vượt quá khả năng tài chính của gia đình, kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng ở quê cộng với em đi làm thêm vẫn không thể trụ nổi".

Tăng học phí, liệu có tạo nên sự bất bình đẳng?

Trong một buổi đối thoại giáo dục do Bộ GD-ĐT chủ trì về vấn đề tăng học phí tại các trường học, có những ý kiến cho rằng giữ học phí thấp để người nghèo có thể theo học là cách tiếp cận sai lầm.

Bởi lý do, nếu không tăng học phí các trường sẽ không có nguồn thu và cấp đủ học bổng cho sinh viên nghèo. Và nói như giáo sư Nguyễn Lân Dũng việc giữ học phí thấp chính là lấy tiền của người nghèo để nuôi người giàu, tạo nên sự bất bình đẳng nếu cứ tiếp tục để mức sàn học phí thấp như những năm qua.

Việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng lớn đến rất nhiều sinh viên và các gia đình, nếu chúng ta tính đến thực tế càng nghèo, người dân càng muốn cho con vào ĐH để mong thoát khỏi cuộc sống lầm than thì thực tế cũng không phải ít gia đình bán thóc lúa, ruộng vườn để mong mỏi cho con cái được học hành tới nơi tới chốn.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS. Lê Việt Thủy, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, học phí của nhà trường đang áp dụng nằm trong mức Nhà nước cho phép kèm theo mức hỗ trợ tương ứng bao gồm miễn giảm học phí, tín dụng và học bổng. Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí, từng phần hoặc toàn bộ, cho những ngành học cần thiết cho sự phát triển bền vững của quốc gia nhưng thị trường không có động lực để đáp ứng nhằm khuyến khích người học và cân bằng nhu cầu về nguồn lực.

Cùng với cơ chế này là chính sách bắt buộc tất cả các trường công cũng như tư dành ra một tỉ lệ nhất định trong tổng thu học phí để làm học bổng bao gồm nhiều loại khác nhau phù hợp với những đối tượng khác nhau. Việc tăng học phí là nhà trường sẽ tối đa đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo đủ điều kiện học tập cho sinh viên.

Ông Nguyễn Xuân Trạch, Phó giám đốc Học viện Nông Nghiệp Việt Nam khẳng định: Việc tăng học phí chính là để thoát vòng luẩn quẩn, học phí thấp thì không thể đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục và ngược lại. Việc tăng học phí cũng sẽ là điều sớm hay muộn xảy ra mà thôi. Các trường tăng học phí là để tự chủ tài chính, tăng cường xã hội hóa giáo dục. Và nhà trường tuyệt đối sẽ minh bạch tài chính, tránh tối đa nhất tình trạng "tự chủ để lạm thu".

Nói về chính sách học phí, ông Nguyễn Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết: Thực tế thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã ưu tiên đầu tư ngân sách cho GD&ĐT, nhưng tốc độ tăng trưởng nhu cầu đào tạo lớn hơn tốc độ tăng trưởng của ngân sách nhà nước.

Nếu điều chỉnh, thay đổi chính sách thu học phí, thay đổi chính sách phân bổ kinh phí theo các tiêu chí đầu vào gắn với cơ sở giáo dục đại học như hiện nay sang các tiêu chí theo kết quả đầu ra, gắn với đối tượng thụ hưởng, gắn với người học thì trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học không tăng, chúng ta vẫn hoàn toàn có có thể xây dựng được một hệ thống giáo dục đại học hoạt động có chất lượng, gắn với mục tiêu công bằng và hiệu quả.

Phạm Oanh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/tang-hoc-phi-dai-hoc-cac-truong-co-day-dut-voi-hoc-vien-ngheo-khong-49401.html