Tăng cường vai trò giám sát của người dân trong cung ứng dịch vụ công

Nhiều chương trình hầu hết khi người dân được hỏi có biết mục tiêu hỗ trợ của các chương trình như hỗ trợ về y tế, giáo dục… hay không thì họ đều trả lời là không biết ?

Tăng cường vai trò giám sát của người dân trong cung ứng dịch vụ công. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 11/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố báo cáo “ Chi tiêu công cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng ở một số tỉnh tại Việt Nam – Một số quan sát và khuyến nghị”.

Nghiên cứu được thực hiện tại 7 địa phương ở Việt Nam bao gồm cả thành thị và nông thôn từ tháng 7 đến tháng 9/2016 đưa ra một góc nhìn độc lập về nhận biết chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ công của người dân tại một số địa phương. Kết quả nghiên cứu đã tái khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc xây dựng các chương trình đầu tư công, nhất là ở những khu vực khó khăn.

Tuy chi ngân sách cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng đang ngày càng được ưu tiên và độ phủ của chính sách không ngừng được cải thiện, nhưng chất lượng của các dịch vụ này còn hạn chế. Bên cạnh đó, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng không đồng bộ với hỗ trợ về dịch vụ, người dân không được biết đến và không được giám sát chất lượng các hỗ trợ này.

Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông công cộng, mặc dù người dân đóng góp đến 15% tổng số vốn sửa chữa, thi công các đường liên thôn liên xã trong thời gian qua nhưng việc người dân tham gia xây dựng quy hoạch và giám sát các công trình này còn hạn chế, nhiều nơi chỉ là hình thức. Theo báo cáo, chỉ từ 0,24-0,47% người dân biết về chương trình hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động trợ cước, trợ giá vận chuyển và cung cấp phương tiện vận chuyển, vốn được ưu tiên cho khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, rất nhiều chương trình hỗ trợ thông tin không đầy đủ. Vì vậy hầu hết khi người dân được hỏi có biết mục tiêu hỗ trợ của các chương trình như hỗ trợ về y tế, giáo dục… hay không thì họ đều trả lời là không biết ?

"Đây là điểm tương đối đáng tiếc. Bởi chính sách của Nhà nước đã được xây dựng và thực hiện khá bài bản với mục tiêu bảo đảm để người dân tiếp cận về y tế, giáo dục đầy đủ hơn, chất lượng hơn, nhưng hầu hết người dân lại không được biết mục tiêu của chương trình này. Vì vậy, họ đơn thuần là hưởng lợi từ hoạt động ấy nhưng việc góp ý, kiến nghị để điều chỉnh các hình thức hỗ trợ lại chưa được tham gia nhiều", ông Dương nói.

Theo báo cáo, chất lượng dịch vụ công ở Việt Nam tương đối tốt, đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, các chương trình có quá nhiều loại hỗ trợ khác nhau trong khi nguồn lực hạn chế nên hỗ trợ còn thiếu tập trung, cách thức thực hiện còn nhiều bất cập.

Theo các chuyên gia kinh tế, bảo đảm và tăng cường chi ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và giao thông công cộng là nhiệm vụ quan trọng, song cần điều chỉnh cách thức triển khai chi tiêu công cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng theo hướng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân. Đặc biệt, Nhà nước cần huy động người dân tham gia với vai trò bình đẳng hơn trong quá trình xây dựng quy hoạch, đóng góp chi phí, thực hiện và giám sát các dự án đầu tư công và trong phân bổ ngân sách nhà nước để nâng cao hiệu quả của các dịch vụ thiết yếu.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Việt Nam nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn các cơ quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế… sẽ đưa ra những chính sách thực sự khuyến khích người dân và trân trọng đóng góp của người dân trong việc để họ được phản ánh về chất lượng dịch vụ, hiệu quả dịch vụ mà họ đang được hưởng. Chỉ có như thế thì câu chuyện giảm chi tiêu công mới đi vào thực chất"./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tang-cuong-vai-tro-giam-sat-cua-nguoi-dan-trong-cung-ung-dich-vu-cong/28512.html