Tăng cường tuyên truyền để ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật

Tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị 'Rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân'. Theo thống kê, trong năm 2016, có 52 tàu với 388 thuyền viên; từ đầu năm 2017 đến nay, có 17 tàu với 118 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Phóng viên Báo Biên Phòng đã phỏng vấn nhanh các thành viên trong Ban Chỉ đạo đề án tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo để tìm giải pháp cho vấn đề này.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định:

Trong thời gian tới, phải tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân cam kết không xâm phạm vùng biển của các nước khác đánh bắt hải sản. Nhưng tuyên truyền rồi thì phải có hình thức kiểm tra đến nơi đến chốn và xử lý quyết liệt, không tuyên truyền xong rồi để đấy.

Trước đây, trường Đại học Thủy sản Nha Trang tổ chức đào tạo, nhưng ngư dân không ai theo học. Vậy là thuyền trưởng chỉ làm theo kinh nghiệm, trong suy nghĩ chỉ tính tới sản lượng. Cách đây 2 tháng, ngư dân bị bắt ở In-đô-nê-xi-a còn lấy trộm dầu, cắt lưới để chạy về. Làm như vậy, sau này lỡ chúng ta bị bão phải chạy qua phía họ, họ không cho tránh trú bão thì như thế nào?

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tổ chức đào tạo lại thuyền trưởng, máy trưởng để ngư dân đi đánh bắt cũng phải có ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, không xâm phạm qua vùng biển các nước khác. BĐBP Bình Định cũng phải thường xuyên liên hệ với các ngư dân, các tổ đội để theo dõi, nắm bắt tình hình, giáo dục cho ngư dân nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp quốc tế trong đánh bắt xa bờ.

Đại tá Trần Huy Giáp

Đại tá Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định:

Chúng tôi đã xác lập Chuyên án TX 58 để làm rõ các đối tượng môi giới đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài đánh bắt. Nhưng rồi phải thả người bị bắt, vì Bộ Ngoại giao cho biết, tọa độ này chưa hẳn là lãnh thổ nước ngoài, khả năng là vùng chồng lấn, chưa phân định. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự khó khăn, vì nước ngoài xử lý rồi thì về Việt Nam không thể xử lý lần thứ 2. Bên cạnh đó, khi ngư dân bị đưa ra xét xử thì không có người đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam, không có bất cứ tài liệu, bản án, chứng cứ nào của tòa án gửi về Việt Nam, nên không biết xử lý bằng cách nào. Để xử lý nhóm tội này thì phải có những thỏa thuận và cam kết với nước sở tại. Chúng tôi đề nghị Chính phủ rà soát chế độ hiện hành, áp dụng chế tài hình sự tội xuất cảnh trái phép để xử lý thuyền trưởng, ngư dân, môi giới ra nước ngoài trái phép. Để phục vụ công tác thu thập tài liệu, có thể cho chúng tôi sang các nước để xác minh.

Ông Trần Văn Phúc

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định:

Số tàu cá bị các nước bắt giữ nhiều nhất là của ngư dân ở địa bàn huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ. Chúng tôi đã cấp phát 4.000 sơ đồ cho 100% tàu cá Bình Định nắm được vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Qua kiểm tra, ngư dân đã nắm bắt được ranh giới Việt Nam với một số nước.

Trong thời gian tới, cần phải có biện pháp mạnh tay hơn, đó là quy định ngư dân mỗi ngày phải nhắn tin một lần để quản lý tọa độ, hỗ trợ máy thông tin có định vị vị trí để quản lý; xử lý đối tượng cò mồi đưa ngư dân ra nước ngoài. Khó khăn là hiện nay, ngư dân đăng ký tần số thông tin, nhưng ra biển thì cắt máy hoặc đổi tần số nên không liên lạc được.

Đối với công tác tuyên truyền, BĐBP và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp tốt để tránh việc trùng lặp, bên này vừa tuyên truyền xong thì bên kia lại tiếp tục thực hiện. Cần phải có biện pháp xử lý nghiêm đối tượng môi giới đưa ngư dân ra nước ngoài.

Ông Bùi Thanh Ninh

Ông Bùi Thanh Ninh, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định:

Ngư dân Bình Định đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thường xuyên bị Trung Quốc đe dọa nên chuyển hướng về khu vực quần đảo Trường Sa. Để ngư dân ra khơi đánh bắt bám biển bảo vệ biển đảo, nhưng không xâm phạm sang vùng biển của nước khác thì có 2 giải pháp. Đó là tăng cường lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát Biển để bảo vệ ngư dân đánh bắt trên biển. Vì, khi ngư dân không nắm rõ vùng biển giáp ranh thì hỏi lực lượng này. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, khi ngư dân đánh bắt ở vùng chồng lấn thì bị phía In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a kéo qua bắt giữ. Dù ngư dân đã chấp hành tốt, nhưng cuối cùng vẫn bị thiệt hại. Thứ 2 là quy định lại về tàu cá. Hiện nay, nhiều tàu chỉ dài 14-15m và tình trạng rất cũ nát cũng đi khơi. Những chiếc tàu này chỉ trị giá vài trăm triệu nên ngư dân liều lĩnh sang vùng biển các nước đánh bắt. Họ tính toán, nếu bị bắt thì chỉ mất vài trăm triệu đồng. Nếu quy định chỉ tàu lớn đi khơi thì ngư dân ít dám sang vùng biển các nước đánh bắt, vì nếu lỡ bị bắt giữ thì trắng tay và mất hàng tỷ đồng.

Đại tá Lương Ngọc Chinh

Đại tá Lương Ngọc Chinh, Chỉ huy trưởng BĐBP Bình Định:

Trước tình hình xảy ra trên biển, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có hình thức đấu tranh với hành động của nước ngoài trong việc uy hiếp, lấy tài sản của ngư dân hành nghề khai thác hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam, nhất là ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng chồng lấn.

Bên cạnh đó, tổ chức đàm phán với các nước lân cận có vùng biển chồng lấn để sớm phân định rõ ràng, có thỏa thuận hợp tác khai thác hải sản với các nước để có thể đưa tàu cá Việt Nam sang khai thác công khai và hợp pháp. Cần bổ sung các quy định đối với tàu cá đánh bắt xa bờ phải mở máy định vị 24/24 giờ, từ khi xuất bến đến khi về bờ nhập trạm kiểm soát Biên phòng, đồng thời có chế tài xử lý các thuyền trưởng, chủ tàu không chấp hành. Tiếp tục trang bị phương tiện cho lực lượng Hải quân, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư, BĐBP để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển, đồng thời có thể hỗ trợ cho ngư dân.

Lê Văn Chương (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tang-cuong-tuyen-truyen-de-ngu-dan-chap-hanh-nghiem-phap-luat/