Tăng cường tiềm lực Dự trữ Quốc gia

Chiến lược phát triển Dự trữ quốc gia (DTQG) đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2091/QĐ-TTg ngày 28/12/2012. Sau hơn 3 năm triển khai, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã thực hiện nghiêm túc Chiến lược DTQG, đáp ứng với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất (lần thứ hai) cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước

Quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển DTQG có nhiều thuận lợi. Trước hết là việc các bộ, ngành và các địa phương quán triệt các quan điểm, mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra theo hướng coi lực lượng DTQG vừa là công cụ, vừa là tiềm lực tài chính của Nhà nước nhằm sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Quốc hội, của Chính phủ nên tiềm lực DTQG ngày càng tăng trưởng bền vững do hàng năm NSNN đều bố trí vốn từ nguồn chi đầu tư phát triển để mua tăng hàng DTQG; bố trí vốn để đầu tư xây dựng kho DTQG và bố trí kinh phí từ nguồn chi thường xuyên thuộc NSTW để chi cho công tác quản lý, nhập, xuất bảo quản hàng DTQG. Hàng DTQG đã được các bộ, ngành bố trí trên các địa bàn chiến lược của cả nước; sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó là việc rà soát, sắp xếp và đổi mới cơ cấu danh mục mặt hàng DTQG theo hướng loại ra khỏi danh mục một số mặt hàng có thời hạn bảo quản ngắn, công nghệ lạc hậu, không phù hợp với yêu cầu DTQG trong tình hình mới. Công tác quản lý DTQG tại các bộ, ngành đã được tổ chức tốt; nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật hàng DTQG đã được ban hành. Hàng hóa DTQG trong quá trình lưu kho đã được các đơn vị bảo quản theo đúng quy định và theo công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại.

NSNN đã bố trí vốn đầu tư, vốn sửa chữa để xây dựng mới và nâng cấp nhiều kho chứa hàng tại Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT theo quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTNN đến năm 2020 do các bộ phê duyệt; đáp ứng được yêu cầu công tác bảo quản hàng hóa.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, trong giai đoạn 2011-2015, nguồn lực DTQG đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, bố trí vốn với mức bình quân khoảng 1.800 tỷ đồng/năm (bao gồm cả vốn mua tăng và bổ sung, mua bù số lượng hàng đã xuất cấp trong năm theo quy định của Luật DTQG) nên tính đến hết năm 2015, tổng mức DTQG tăng gần 1,5 lần so với năm 2010. Tuy nhiên mức này vẫn chưa đạt chỉ tiêu Chiến lược DTQG đưa ra là 1% GDP. Với tổng mức DTQG như hiện nay thì việc chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất cấp bách về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, quốc phòng còn hạn chế, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng và tình hình an ninh quốc phòng diễn biến phức tạp, nhất là tình hình Biển Đông, hải đảo hiện nay.

Song song với việc củng cố, tăng cường tiềm lực, trong giai đoạn 2011-2015, ngành DTQG cũng đã thực hiện nhiệm vụ xuất cấp lương thực, vật tư cứu hộ cứu nạn, vật tư phục vụ nông nghiệp, hàng an ninh, quốc phòng, y tế… để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội với tổng trị giá lên tới trên 6.300 tỷ đồng. Việc xuất cấp hàng DTQG đã đáp ứng kịp thời nhu cầu đột xuất, cấp bách phát sinh, góp phần ổn định đời sống, ổn định sản xuất của nhân dân các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và làm tốt nhiệm vụ quan hệ quốc tế.

Giải pháp cho chặng đường mới

Quá trình thực hiện Chiến lược phát triển DTQG vẫn gặp một số khó khăn như: Hàng năm, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chi cho DTQG còn hạn chế, mới đáp ứng được khoảng 30-40% so với nhu cầu Chiến lược phát triển DTQG đề ra; hệ thống kho DTQG còn lạc hậu, phân tán trong khi vốn đầu tư cho xây dựng hệ thống kho còn thấp; vốn sửa chữa tu bổ kho tàng còn rất hạn chế…

Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020, ngành DTQG sẽ đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu, định hướng trong Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã đề ra: Đưa quy mô DTQG đạt 1-1,5%/GDP; danh mục, số lượng, chất lượng hàng DTQG luôn phải được bảo đảm để Chính phủ có thể can thiệp khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra, kịp thời đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Để thực hiện được định hướng trên, một số giải pháp thực hiện chiến lược DTQG giai đoạn 2016-2020 được xác định là:

Trước hết, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, thực hiện Luật DTQG, như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức nhập, xuất, bảo quản đối với hàng DTQG; tiêu chuẩn đối với hệ thống kho DTQG theo quy hoạch được duyệt; xây dựng cơ chế quản lý và huy động nguồn lực cho DTQG; khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động DTQG; ứng dụng công nghệ bảo quản, công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động DTQG.

Việc tăng cường lực lượng DTQG: Trước hết là xác định mức tăng DTQG (theo % GDP) trong tổng chi NSNN hàng năm để trình Quốc hội phê chuẩn; đề nghị Chính phủ, Quốc hội khi NSNN có vượt thu và dư dự toán chi thì quan tâm bố trí tăng ngân sách cho DTQG. Bên cạnh nguồn từ NSNN, cần có chính sách huy động các nguồn lực khác trong xã hội (đầu tư xây dựng kho, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động DTQG) để tăng cường DTQG.

Tiếp đến sẽ đưa vào dự trữ những mặt hàng thiết yếu, chiến lược theo kế hoạch phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, bảo đảm đáp ứng mục tiêu của DTQG; phối hợp với các địa phương để chủ động bố trí các mặt hàng chiến lược, quan trọng tại các địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh…

Những năm qua, hoạt động DTQG được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, các địa phương quan tâm, coi đó là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, góp phần cho sự phát triển bền vững của kinh tế-xã hội của đất nước. Chiến lược phát triển DTQG đã đáp ứng tốt yêu cầu “4 tại chỗ”, bảo đảm yêu cầu an sinh xã hội./.

Dự trữ của quốc gia là dự trữ đặc biệt về vàng, nội, ngoại tệ và những mặt hàng chiến lược quan trọng của Nhà nước, nhằm mục đích bảo đảm sự cân đối của nền kinh tế quốc dân khi có những biến động lớn xảy ra như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và đột biến của thị trường mà không một loại dự trữ nào có thể đáp ứng được. DTQG góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, bảo đảm sự ổn định chính trị-xã hội. DTQG thuộc sở hữu Nhà nước, là công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết, quản lý, điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiến sĩ Phạm Phan Dũng
Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/tang-cuong-tiem-luc-du-tru-quoc-gia/292169.vgp