Tăng cường thanh tra, kiểm tra nguồn gốc chất lượng dược liệu

Đó là một trong những nhiệm vụ trong kế hoạch thực hiện kết luận của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi Tọa đàm “Phát triển dược liệu bền vững” vừa được Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung ký ban hành.

TS Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thăm hỏi bệnh nhân đến khám bệnh tại bệnh viện. Ảnh: HH

Mục tiêu của kế hoạch là gắn phát triển nuôi trồng dược liệu với phát triển y học cổ truyền tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao giá thành hạ, có sức cạnh tranh trên thị trường để khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân trên địa bàn TP.

Hệ thống y tế Hà Nội gồm 41 bệnh viện công lập, 32 bệnh viện tư nhân, 565 cơ sở chẩn trị thuốc y học cổ truyền, 45 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, 8 doanh nghiệp bán buôn dược liệu. Đặc biệt, Hà Nội có 2 trung tâm tập trung nhiều hộ kinh doanh dược liệu như phố Lãn Ông (Hoàn Kiếm) và xã Ninh Hiệp (Gia Lâm). Ngoài ra, Hà Nội còn có rừng quốc gia Ba Vì là nơi còn lưu trữ được các loại dược liệu quý hiếm như Xạ đen, Kê huyết đằng, Gắm, Mộc thông, Hoa tiên, Củ dòn…

Về công tác quản lý chất lượng dược liệu, hàng năm, Sở Y tế xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý việc sử dụng và phát triển nguồn dược liệu tại các cơ sở KCB trong ngành Y tế Hà Nội; công tác quản lý, giám sát chất lượng dược liệu, nguồn gốc dược liệu, phòng chống thuốc giả cũng được duy trì thường xuyên tại các bệnh viện.

Trong công tác quy hoạch phát triển dược liệu từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Sở Y tế tiến hành họp với các sở, ngành có liên quan bàn và đưa ra giải pháp phát triển nguồn dược liệu tại địa phương; bước đầu đã điều tra vùng nuôi trồng, thu hái trên địa bàn các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Chương Mỹ…

Bên cạnh đó, phối hợp với Hội Đông y TP tổ chức khảo sát và làm việc tại huyện Mỹ Đức về kế hoạch nuôi trồng và phát triển dược liệu gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình; khuyến khích các doanh nghiệp có kế hoạch liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP nuôi trồng dược liệu như Cty Traphaco; tăng cường kiểm tra chất lượng và nguồn gốc của dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.

Về giải pháp trong thời gian tới, theo ông Dung, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dược liệu; quảng bá giới thiệu về những phương pháp chữa bệnh hiệu quả bằng thuốc y học cổ truyền, giới thiệu bài thuốc hay để chữa bệnh cho nhân dân; tuyên truyền phổ biến những kinh nghiệm về nuôi trồng dược liệu và hiệu quả kinh tế của nuôi trồng dược liệu.

Đối với việc điều tra sưu tầm và quy hoạch phát triển dược liệu, Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư điều tra phân tích về thổ nhưỡng để quy hoạch vùng phát triển dược liệu; điều tra về nguồn gốc dược liệu để có chính sách bảo tồn gien dược liệu quý hiếm. Đề xuất TP có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào nuôi trồng phát triển dược liệu.

Đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra nguồn gốc chất lượng dược liệu; tập trung vào các cơ sở KCB, các cơ sở kinh doanh dược liệu trên thị trường, chú trọng địa bàn xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm và phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và phối hợp với Hội Đông y, Hội Châm cứu TP trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền. Tham gia nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng các bài thuốc, vị thuốc dân tộc có giá trị cao trong KCB.

Lê Thương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/tang-cuong-thanh-tra-kiem-tra-nguon-goc-chat-luong-duoc-lieu_t114c9n111628