Tăng cường thanh tra, hạn chế 'ém' thông tin tai nạn lao động

Trước tình trạng số vụ tai nạn lao động gia tăng, diễn biến các vụ tai nạn lao động xảy ra ngày càng phức tạp, Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các doanh nghiệp (DN) nhằm hạn chế mức thấp nhất tai nạn lao động và đảm bảo an toàn cho người lao động.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) - tại buổi họp báo ngày 24.4. Ảnh: HOA LÊ

Ngoài ra, thời gian tới, công tác thanh tra sẽ được tăng cường để tránh tình trạng DN “ém” thông tin tai nạn.

Nhiều doanh nghiệp “trốn” khai báo tai nạn lao động

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), trong năm 2016 cả nước xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 8.251 người bị nạn, trong đó số vụ TNLĐ chết người lên đến 799 vụ làm 862 người chết. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động trên toàn quốc đã xảy ra 7.588 vụ TNLĐ, làm 7.806 người bị nạn. Tại khu vực không có quan hệ lao động, thống kê tại 44/63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy có 393 vụ TNLĐ làm 445 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị tai nạn.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động - cho biết: “Trong năm 2016, số vụ TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động giảm 0,42%, trong khi đó tổng số nạn nhân tăng 0,27%, số người chết tăng 6,75%, số vụ có người chết tăng 6,75%. Đặc biệt, TP.Hồ Chí Minh có số vụ tai nạn lao động tăng 12,86% so với năm 2015, sau đó đến Hà Nội, Bình Dương, Thanh Hóa”. Trong khu vực không có quan hệ lao động, các địa phương có số vụ tai nạn lao động chết người nhiều nhất là Hải Dương, Quảng Nam, Thanh Hóa… Đáng báo động hơn, tại nhiều địa phương như Hải Dương, Quảng Nam, TNLĐ xảy ra đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng cao hơn khu vực có quan hệ lao động.

Điều đáng chú ý, những con số trên chưa thống kê hết được số người gặp rủi ro trong quá trình lao động. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết: “Nhiều doanh nghiệp thỏa thuận với gia đình của nạn nhân như đưa ra mức đền bù 100 - 200 triệu đồng nhằm tránh việc gia đình công khai với pháp luật. Doanh nghiệp tìm cách “ém” thông tin về TNLĐ. Con số thống kê TNLĐ của ngành lao động và ngành y tế có sự chênh lệch gần gấp đôi, trong đó ngành y tế báo cáo có khoảng 1.500 TNLĐ thông qua việc người nhà nạn nhân khai báo khi nhập viện, ngành lao động báo cáo gần 800 TNLĐ”.

“Chế tài của chúng ta về thống kê báo cáo số vụ TNLĐ chưa có tính răn đe. Tới đây, chúng ta phải đề xuất sửa đổi Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính, nâng mức độ xử phạt đối với những hành vi không báo cáo” - ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết thêm.

Tăng cường thanh tra ATVSLĐ

Tình trạng nhiều doanh nghiệp trốn tránh việc khai báo khi có người lao động gặp TNLĐ dẫn đến việc báo cáo không đúng với thực tế. Năm 2017, Bộ LĐTBXH phối hợp với các ngành thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng. Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH - cho biết: “Trong năm 2016, chúng tôi tăng cường thanh tra xây dựng vì đây là ngành có số vụ TNLĐ nhiều nhất trong những năm qua, chiếm khoảng 35 - 37% tổng số vụ tai nạn toàn quốc. Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổng LĐLĐVN và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam phát động chiến dịch thanh tra toàn diện trên toàn quốc ở lĩnh vực xây dựng”.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế, Bộ LĐTBXH tập trung thanh tra hai ngành chế biến thủy sản và sản xuất lắp ráp điện tử. Đây là những ngành nghề mũi nhọn, phục vụ mặt hàng hằng ngày, và chuỗi cung ứng cao nên có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ. Ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết thêm: “Qua thanh tra sẽ xử phạt rất nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm ATVSLĐ. Tuy nhiên, việc xử phạt mang tính răn đe, chứ không phải để báo cáo thành tích”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tăng cường triển khai công tác ATVSLĐ, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp từ đó tổ chức huấn luyện ATVSLĐ và phòng ngừa TNLĐ cho người lao động.

Ngày 24.4 tại Hà Nội, Bộ LĐTBXH tổ chức họp báo thông tin Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ nhất. Theo đó, tháng hành động sẽ được tổ chức trong các ngày 1- 31.5.2017. Lễ phát động sẽ được tổ chức tại Cung Văn Hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) vào ngày 6.5.2017 với tinh thần đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả hướng về doanh nghiệp, cơ sở.

HOA LÊ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/tang-cuong-thanh-tra-han-che-em-thong-tin-tai-nan-lao-dong-658727.bld