Tăng cường phòng, chống tham nhũng trong ngành Tài chính

Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị số 08-CT/BCSĐ về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Tài chính.

Yêu cầu có phương án cụ thể để bố trí người đứng đầu cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc cấp tỉnh, thành phố. Ảnh: H.V.

Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Tài chính đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách, cải cách hành chính và hiện đại hóa của Ngành.

Tuy nhiên, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Tài chính vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, do vậy, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Bộ Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình; kịp thời xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ và có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch về phòng, chống tham nhũng của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên về công tác phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy mạnh, đổi mới hình thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về tài chính, tài sản công để kịp thời phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung những nội đung quy định còn sơ hở, bất cập dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc phát hiện và xử lý hành vi tiêu cực, tham nhũng,...

Các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng cần được thực hiện đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực Thuế, Hải quan; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện nghiêm các chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập; xác minh, làm rõ, xử lý kịp thời đối với những cán bộ, công chức có hành vi liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Trong công tác tổ chức, cán bộ, Ban cán sự Đảng yêu cầu phải thực hiện thường xuyên, toàn diện các quy định, quy trình về tiếp nhận, điều chuyển, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai; rà soát lại, có phương án cụ thể để bố trí người đứng đầu cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc cấp tỉnh, thành phố; tăng cường phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, quản lý thị trường, công an, kiểm sát, tòa án và các cơ quan chức năng khác trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước được phân công, nhất là lĩnh vực quản lý thuế, hải quan; tích cực phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng đã được phát hiện và việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Đặc biệt, tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tham mưu cho các cấp ủy, tổ chức đảng, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

H.Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tang-cuong-phong-chong-tham-nhung-trong-nganh-tai-chinh.aspx