Tăng cường phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm

Cùng với bảo đảm việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế TP Hồ Chí Minh luôn duy trì, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa, theo thời tiết và các căn bệnh truyền nhiễm khác. Cuối tuần qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), bệnh do vi-rút Zika năm 2017, sớm hơn một tháng so với các năm trước.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm rất phổ biến ở các quốc gia vùng nhiệt đới. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây chết người nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Bệnh SXH lây truyền qua trung gian muỗi vằn, loại muỗi lưu hành tại vùng nhiệt đới và gắn liền với đời sống dân cư đô thị như TP Hồ Chí Minh. Cùng cách lây truyền với bệnh SXH, bệnh do vi-rút Zika cũng đang là mối quan tâm lớn vì nguy cơ gây ra dị tật thai nhi khi người mẹ bị nhiễm vi-rút Zika trong thai kỳ.

TP Hồ Chí Minh có khí hậu nóng ẩm, mật độ dân số cao và di, biến động dân cư lớn tạo thuận lợi cho sự lây lan cả hai bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika. Bốn tháng đầu năm 2017, thành phố đã phát hiện 20 trường hợp nhiễm vi-rút Zika và hơn sáu nghìn trường hợp SXH (giảm 4% so cùng kỳ năm 2016). Với diễn biến thông thường của mùa dịch SXH hằng năm, khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 là giai đoạn cuối mùa khô, cũng là lúc số người bệnh giảm thấp nhất trong năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay đã xuất hiện nhiều cơn mưa nên dự báo số người bệnh SXH trong mùa khô sẽ không giảm nhiều như những năm trước và như vậy, nguy cơ dịch bệnh SXH năm 2017 có khả năng sẽ cao hơn năm 2016.

Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay, Sở Y tế thành phố tổ chức phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh SXH, bệnh do vi-rút Zika sớm hơn những năm trước một tháng nhằm chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết. Đây là đợt hoạt động cao điểm nhằm tuyên truyền người dân loại bỏ các vật dụng có thể gây đọng (chứa) nước, xóa các điểm nguy cơ, giảm nguồn sinh sản của muỗi trên toàn thành phố ngay từ đầu mùa mưa, ngăn chặn sự gia tăng và phát triển của đàn muỗi truyền bệnh khi mùa mưa đến.

Ngay sau lễ phát động, nhiều người dân, các hộ gia đình, các cơ quan, công ty, xí nghiệp, đơn vị sản xuất… toàn thành phố đã dành 10 đến 15 phút để tự làm sạch nơi mình làm việc, sinh sống. Lực lượng thanh niên ra quân giúp người dân xóa các điểm tù đọng, vớt rác trên kênh rạch, phát quang bụi rậm để xóa các "ổ muỗi, ổ bọ gậy". Anh Bạch Thanh Tú, Quận đoàn 6 bộc bạch: "Tôi cùng các đoàn viên đã tiến hành thu gom các đồ vật không sử dụng để tránh đọng nước, không phát sinh bọ gậy. Ngoài tuyên truyền cho người dân chủ động phòng, tránh muỗi đốt để phòng ngừa SXH và Zika, chúng tôi còn giúp người dân súc rửa các vật chứa nước, đậy kín các vật dụng chứa nước khi không sử dụng".

Bà Nguyễn Thị Xuân Ba ở quận 8 nói: "Tôi và mọi người trong gia đình ngủ mùng, nuôi cá lia thia trong chậu, úp chai, lọ, hũ xuống nếu không dùng, lấp các vũng nước đọng… để diệt hết muỗi, và không mắc SXH".

Ngành y tế thành phố yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập phải thực hiện tích cực truyền thông phòng bệnh cho bệnh nhân và người thân; không để phát sinh ổ bọ gậy trong khuôn viên cơ sở. Các trung tâm y tế, trung tâm y tế dự phòng quận, huyện và các trạm y tế phường, xã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp phòng, chống bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika; chủ động tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch bệnh bảo đảm theo đúng yêu cầu chuyên môn kỹ thuật nhưng phải phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao.

Thông điệp truyền thông lần này là: Diệt bọ gậy là cách đơn giản và hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika; không có bọ gậy, không có muỗi truyền bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika; mọi người, mọi nhà phải diệt muỗi, bọ gậy để phòng, chống bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika. Ngoài hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, thành phố sẽ đẩy mạnh xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP liên quan đến phòng, chống bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika với mức phạt tiền từ một đến hai triệu đồng cho hành vi "không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch".

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/32879402-tang-cuong-phong-chong-dich-benh-nguy-hiem.html