Tăng cường, kiểm tra giám sát thực hiện quyền lực Nhà nước

(PL&XH)- Kiểm tra, giám sát mà không kiểm soát được quyền lực, không bãi miễn được những người không còn tín nhiệm với nhân dân thì chẳng khác nào như tiếng trống dù có to cũng chỉ rung lên trong không khí mà thôi.

TS. Phạm Văn Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Văn phòng Quốc hội: "Kiểm tra, giám sát phải hướng tới mục tiêu làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức". So với Cương lĩnh năm 1991, Dự thảo Cương lĩnh lần này bổ sung thêm nội dung: “Có cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp". Theo tôi, vấn đề đặt ra là tại sao lại có sự bổ sung đó? Mức độ bổ sung như thế đã đạt mục đích cho sự vận hành có hiệu quả cơ chế tổ chức quyền lực trong Nhà nước pháp quyền hay chưa? TS. Phạm Văn Hùng Thực tiễn, mấy năm trở lại đây, dù đã có nhiều đổi mới, nhưng bộ máy Nhà nước vẫn bộc lộ không ít yếu kém. Chẳng hạn, vụ Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) - một tập đoàn của Nhà nước mắc nợ 80.000 tỷ đồng trong khi tổng giá trị tài sản chỉ có hơn 90.000 tỷ đồng… Hay tình trạng nhiều khiếu nại đề nghị giám đốc thẩm các loại án cho thấy, chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp ở T.W chưa đảm bảo. Do vậy, việc bổ sung nội dung có cơ chế kiểm tra, giám sát là rất cần thiết, khắc phục những mặt tiêu cực của bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, để kiểm tra, giám sát thực hiện phát huy được vai trò của mình, tôi cho rằng, Dự thảo Cương lĩnh cần thể hiện rõ hơn, nhấn mạnh hơn tính mục đích của nó là kiểm soát quyền lực, làm trong sạch bộ máy Nhà nước. Nói rõ hơn, mục tiêu trọng tâm của cơ chế kiểm tra, giám sát là làm trong sạch đội ngũ những người thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Kiểm tra, giám sát mà không kiểm soát được quyền lực, không bãi miễn được những người không còn tín nhiệm với nhân dân thì chẳng khác nào như tiếng trống dù có to cũng chỉ rung lên trong không khí mà thôi. Khi đó, quyền lực của cơ quan kiểm tra, giám sát vốn được Đảng, Nhà nước và nhân dân đề cao lại có nguy cơ trở thành quyền lực hư ảo. PGS.TS Nguyễn Minh Đoan, Đại học Luật Hà Nội: "Giám sát thực hiện quyền lực Nhà nước phải thường xuyên và hiệu quả". Bất kỳ bộ máy Nhà nước nào trong quá trình tổ chức, hoạt động cũng phải tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát quyền lực, nhằm bảo đảm cho quyền lực Nhà nước được thực thi đúng pháp luật. Tuy nhiên, cơ chế giám sát này chỉ có hiệu quả khi các quy định pháp luật liên quan đến sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được hoàn thiện và thực thi trên thực tế. Muốn vậy, theo quan điểm của cá nhân, Nhà nước cần phải đẩy mạnh việc rà soát và quy định chặt chẽ, chính xác về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan Nhà nước trong cơ chế thực hiện quyền lực Nhà nước thống nhất. PGS.TS Nguyễn Minh Đoan Ngoài ra, cần coi trọng hoạt động giám sát từ phía các tổ chức Đảng, các tổ chức xã hội và nhân dân đối với các cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước trong việc tổ chức, thực thi quyền lực Nhà nước. Sự giám sát của nhân dân đối với công việc của các cơ quan Nhà nước cần được củng cố thông qua chế độ công khai, minh bạch các chính sách và các quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trực tiếp tham gia các công việc của Nhà nước nếu có thể. Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2010102208224569p1001c1015/tang-cuong-kiem-tra-giam-sat-thuc-hien-quyen-luc-nha-nuoc.htm