Tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ heo lậu

Ngày 18-11, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn cho các hệ thống phân phối tham gia đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” về cách “truy nguồn gốc” của mặt hàng thịt heo trước khi nhập hàng. Đây là bước thử nghiệm để chuẩn bị đến ngày 10-12 tới đây sẽ triển khai rộng rãi ra thị trường và lúc này người tiêu dùng (NTD) có thể sử dụng smart phone để “soi” thịt sạch khi mua tại các điểm bán.

Xuất phát từ đòi hỏi của người dân về nguồn thực phẩm sạch, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đề án này nhằm tạo cơ hội cho người dân tự kiểm tra nguồn gốc, chất lượng của miếng thịt, biết điểm bán thịt sạch để tìm tới mua. Hưởng ứng hoạt động này, đến ngày 18-11, Ban quản lý đề án đã nhận được đăng ký của 24 cơ sở tham gia với số lượng gần 1.000 trang trại, có sản lượng cung ứng lên tới 10 ngàn con/ngày. Đây là những trang trại đã qua sự kiểm tra, sàng lọc của Sở NN&PTNT và Chi cục Thú y.

Với cơ sở giết mổ, có 17 cơ sở ở 4 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An và Bình Duơng đăng ký. Hệ thống phân phối gồm chợ đầu mối Hóc Môn (100% thương nhân tham gia), chợ đầu mối Bình Điền (60% thương nhân tham gia, 40% thương nhân còn lại đang thăm dò), 4 chợ lẻ gồm: Bến Thành, Thái Bình, An Đông và Hòa Bình, 100% thương nhân tham gia với tổng cộng 76 sạp. Đặc biệt, toàn bộ các hệ thống phân phối hiện đại lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như siêu thị, TTTM có vốn đầu tư nước ngoài đều đã đăng ký tham gia với 338 điểm bán.

Theo ước tính, thương lái cung cấp thịt heo vào TP Hồ Chí Minh khoảng 150 người. Khi cung cấp thịt sạch ra thị trường thì tại các trang trại heo, các con heo sẽ được đeo 2 vòng nhận diện. Khi thương lái mua heo tại các trang trại để vận chuyển đến lò giết mổ hoặc vận chuyển từ lò giết mổ để bán cho các thương nhân tại các chợ đầu mối thì xe vận chuyển thịt heo phải niêm phong để tránh nguồn hàng không chính thức trà trộn vào.

“Nếu kiểm soát tốt tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, xem như đã kiểm soát được 80% lượng thịt vào TP. Kênh phân phối hiện đại thì trước đó họ đã làm bài bản rồi, kiểm soát tốt nữa là ta kiểm soát được thêm 12-15%. Tổng cộng là hơn 90% heo đã được truy xuất nguồn gốc”, ông Hòa cho biết.

Để đề án tiếp tục vận hành tốt, đại diện Ban quản lý đề án cho biết, Sở Công thương cùng các cơ quan, ban, ngành tiếp tục tổ chức nhiều đợt tập huấn cho các thương nhân. Cài đặt quy trình để hoàn tất các ứng dụng tại trang trại, chợ đầu mối, chợ bán lẻ, đơn vị giao vòng nhận diện, đơn vị phân phối tem để kiểm soát việc in, giao tem, ứng dụng cho cơ quan thú y... Từ ngày 5 – 9-12, sẽ có chuyên gia nước ngoài vào để họ kiểm tra chương trình và đề án sẽ được hoạt động thử nghiệm để đến ngày 10-12 sẽ “chạy” chính thức.

Ngoài ra, để thịt sạch lưu thông trên thị trường, Sở Công thương và các đơn vị như Chi cục Quản lý thị trường, Thú y, UBND các quận, huyện... cũng đã làm việc, tăng cường kiểm tra xử lý các cơ sở giết mổ lậu, trái phép trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, ngày 14-11, Ban quản lý Đề án “Quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo”, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã tổ chức tập huấn cho cán bộ thú y, nhân viên của hơn 10 trang trại lớn và 13 lò giết mổ có nguồn cung heo thịt cho thị trường TP Hồ Chí Minh.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/tang-cuong-kiem-soat-co-so-giet-mo-heo-lau-417768/