Tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp

Chiều 11/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa hai đơn vị. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ NN - PTNT và Bộ KH - CN sẽ ưu tiên thực hiện hiệu quả các chương trình...

Tại lễ ký, hai Bộ trưởng đều khẳng định, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là khâu then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ NN - PTNT và Bộ KH - CN sẽ ưu tiên thực hiện hiệu quả các chương trình: Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển sản phẩm quốc gia và chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 sẽ tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành Nông nghiệp, các sản phẩm lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, hai bộ sẽ phối hợp xây dựng một số dự án khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, một số chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp bộ. Trong đó sẽ ưu tiên tập trung cho một số ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cấp quốc gia. Đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu, công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản Việt Nam.

Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 2 bên đã soạn thảo 10 nhóm nội dung hợp tác và để thể hiện rõ quyết tâm phải coi những giải pháp khoa học và công nghệ là khâu đột phá tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng những nhóm sản phẩm quốc gia, chủ lực của các tỉnh, thành phố và địa phương. Lãnh đạo 2 Bộ khuyến khích cộng động doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tạo sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ cho Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cùng với các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu trong thời gian ngắn nhất phục tráng 2 giống lợn đặc sản của Việt Nam (lợn ỉ và lợn Móng Cái) sớm đưa vào sản xuất thương mại.

“Việt Nam có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, phong phú, có nhiều nông sản xuất khẩu ra thế giới. Cùng việc phát triển để phục vụ hội nhập, chúng ta hết sức coi trọng dòng sản phẩm mang tính chất đặc sản để từng bước thế giới biết đến Việt Nam không chỉ ở số nhiều mà biết ở những số đặc sản”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tang-cuong-hop-tac-ve-khoa-hoc-cong-nghe-trong-linh-vuc-nong-nghiep-post180163.html