Tăng cường hiệu quả của tổ chức phi chính phủ Việt Nam

() – Tổ chức phi chính phủ quốc tế đều được xem như là mũi nhọn để đưa văn hóa của quốc gia đến khắp khu vực và ra toàn cầu, đằng sau đó là các lợi ích kinh tế kèm theo…Vậy ở Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ đã được phát triển như thế nào và đang có vai trò như thế nào? Làm thế nào để tăng hiệu quả hoạt động của những tổ chức đó đang là vấn đề được quan tâm.

Xã hội đang biến đổi sâu sắc và nhanh chóng, xác định vai trò của các tổ chức phi chính phủ như thế nào… cho phù hợp và hiệu quả. Sức hút của tổ chức phi chính phủ đối với cá nhân? Tại sao người ta tham gia vào các tổ chức phi chính phủ… tất cả đã được đặt lên bàn thảo luận. Và đó cũng là một trong những nội dung mà “Dự án tăng cường năng lực cho các tổ chức phi chính phủ Việt Nam” đặt ra. Từ một dự án… Trong một tinh thần cùng chia sẻ thông tin, PGS.TS Phạm Bích San, Giám đốc Văn phòng tư vấn phản biện (TVPB), Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam (VNGOs) mặc dù đã có nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực song chưa thực sự được ghi nhận như các tổ chức phát triển chính thức. Các VNGOs này tuy đã có nhiều hoạt động rộng khắp và đạt được nhiều thành tựu nhưng hoạt động quảng bá hình ảnh của họ còn chưa được chú trọng và thực hiện một cách bài bản. Chưa có chính sách hay quy định về sự tham gia cũng như thực hiện của các tổ chức xã hội một cách chính thống trong các chương trình quốc gia. Các tổ chức gặp nhiều khó khăn cũng như rào cản về môi trường pháp lý trong quá trình hoạt động. Dự án VNGOs được thực hiện bởi Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, kéo dài từ 5/2010 – 12/2012 tập trung vào các đối tượng: các tổ chức VNGOs (chủ yếu), mạng lưới của các VNGOs, Liên hiệp hội, và các tổ chức cộng đồng trên một số địa bàn: Yên Bái, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hòa Bình, Lạng Sơn và Hà Nội và một số tỉnh miền núi phía Bắc khác. Theo đó, nó hướng tới mục tiêu: Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam được nhìn nhận như những tổ chức phát triển chính thức nhằm hỗ trợ cho các cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc Việt Nam đồng thời nhằm đạt hai kết quả quan trọng bao gồm: Giá trị của các tổ chức phi chính phủ trong phát triển và quản trị tổ chức được nhìn nhận tốt hơn; Phát triển hành lang pháp lý bao gồm cả vị thế xã hội cho các tổ chức phi chính phủ trên các lĩnh vực hoạt động: quảng bá hình ảnh và đề cao các giá trị của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và vận động môi trường chính sách nhằm hỗ trợ tốt hơn hoạt động của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam. Những điều cơ bản về các VNGOs Trong khi đó, TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam đã nêu lên những thông tin cơ bản nhất về tổ chức phi chính phủ Việt Nam liên quan tới khái niệm, nguyên tắc hoạt động, vai trò, mục tiêu, hình thức tổ chức, sự hình thành và phát triển, chức năng, đóng góp của hệ thống tổ chức này với xã hội. Theo đó, Liên hiệp quốc đã đưa ra khái niệm về tổ chức phi chính phủ là các tổ chức phi lợi nhuận do các nhóm công dân tự nguyện lập ra ở quy mô địa phương, quốc gia hoặc quốc tế, tự gây quỹ và tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc không kiếm lời. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hoạt động của các tổ chức phi chính phủ bảo đảm nguyên tắc: phi lợi nhuận, hỗ trợ, chia sẻ, cùng có lợi và dân chủ, tự nguyện. Các tổ chức phi Chính phủ trước mang tính chất cứu trợ là chủ yếu, hiện tại phần nhiều hướng tới nâng cao năng lực cho cộng đồng, chủ đề quan tâm là biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo… Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển xã hội; tiến hành các hoạt động vận động và tác động chính sách, phúc lợi và từ thiện; tạo đồng thuận giữa nhà nước và xã hội. Hướng tới các mục tiêu: bảo vệ và phát triển xã hội; lấp khoảng trống, những vấn đề khoảng cách giữa nhu cầu của xã hội và khả năng cung cấp từ nhà nước và thị trường (Tiếp cận trên bình diện rộng các vấn xã hội: tệ nạn xã hội, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, người nghèo, phụ nữ... khoảng cách giữa nhu cầu của xã hội và khả năng cung cấp từ nhà nước và thị trường...), các tổ chức phi chính phủ là những tổ chức có tính pháp nhân, có hoặc không có cơ quan chủ quản về hành chính cũng như chuyên môn, hoạt động độc lập về tài chính, cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt và liên kết, hỗ trợ nhau tạo thành các hội, hiệp hội. Sự phát triển của các VNGOs tại Việt Nam Trên thế giới, các tổ chức phi chính phủ phát triển từ sau Thế chiến thứ 2, trong khi đó ở Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ đầu tiên được thành lập từ 1956 theo sắc lệnh của Chủ tịch nước là Tổng hội Y học Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam, Hội Đông Y Việt Nam... nhưng phải đến những năm 90, các VNGOs này mới thực sự phát triển mạnh, gắn với nền kinh tế thị trường. Năm 2007, đã có trên 300 hội hoạt động trên toàn quốc, hơn 2000 hội tại các tỉnh, 70 hội ngành Trung ương, trong đó, VUSTA là tổ chức liên hiệp hội khoa học kĩ thuật, có thành viên là hơn 60 hội ngành TW, 57 liên hiệp hội địa phương và hơn 270 tổ chức phi chính phủ. Các VNGOs có chức năng tham gia các hoạt động xã hội, hỗ trợ cho nhà nước trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống... Cụ thể, các VNGOs đã và đang tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, nâng cao năng lực phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, môi trường, y tế, chuyển giao công nghệ, tư vấn pháp luật và vận động chính sách; Tự tổ chức thực hiện các hoạt động từ thiện, góp công góp quĩ... đồng thời hoạt động đối ngoại. Với danh nghĩa các VNGOs, nhà nước có thể có những đối sách mang tầm cỡ chiến lược thông qua những phát ngôn, phản ứng, bày tỏ quan điểm... với quốc tế như các tổ chức VCCI (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam), VUSTA với Hội Địa lý Mỹ. Chẳng hạn như VUSTA, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong nước, trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài, điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên; làm đầu mối giữa các hội thành viên và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức khác nhằm giải quyết những vấn đề chung trong hoạt động hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên, của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, người ta không thể phủ nhận những đóng góp của các tổ chức VNGOs khi hệ thống các tổ chức này đang góp phần đào tạo nâng cao dân trí, thực hiện chính sách xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao; nghiên cứu và triển khai công nghệ; tư vấn phản biện. Trong quá trình hoạt động của mình, nhất là ở bối cảnh hiện nay, các VNGOs đang gặp phải một số khó khó khăn và thách thức. Theo đó, các văn bản pháp luật quy định hoạt động của VNGO còn chưa phổ biến trong khi hoat động của những tổ chức này lại đang gặp khó khăn về nguồn tài trợ và thiếu liên kết chia sẻ học hỏi giữa các thành viên. Không chỉ thế, việc tự giới thiệu những đóng góp của tổ chức đối với xã hội còn chưa được chú trọng trong khi xã hội chưa có thông tin, hiểu biết đầy đủ về những đóng góp của VNGOs. Điều này đòi hỏi trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, hơn lúc nào hết, vai trò của các VNGOs càng cần được tăng cường và khẳng định, để cùng với các cơ quan hữu quan, các đơn vị quản lý nhà nước tham gia vào sự nghiệp xây dựng đất nước thời kỳ mới.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=431762&co_id=30066