Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học

Ngày 10/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý đã có công văn số 222/TB-BGDĐT kết luận tại Hội nghị giao ban về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học.

Tại công văn trên, Thứ trưởng Trần Quang Quý nêu rõ những mặt còn tồn tại như, chất lượng triển khai Thông tư liên tịch số 34 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an ở một số đơn vị, nhà trường chưa cao. Công tác phối hợp giữa nhà trường và công an địa phương để tổ chức nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của học sinh, sinh viên (HSSV) chưa thường xuyên, liên tục nên chưa chủ động phát hiện được những nguy cơ, còn lúng túng, bị động khi xử lý vụ việc. Một số nhà trường chưa chú ý đến việc tuyên truyền, giải thích cho HSSV hiểu rõ các quy định liên quan đến chế độ, chính sách, học phí, học bổng; các quy chế, quy định về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập,... hoặc thiếu sự quan tâm đến những điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, sinh hoạt của HSSV nên cũng để xảy ra tình trạng bức xúc, khiếu kiện; cá biệt có một số trường hợp để HSSV tụ tập đông người để phản đối, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trường học. Nhằm tiếp tục giữ vững sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các nhà trường, tạo môi trường lành mạnh để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục chỉ đạo, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau: Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 48/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới và Quyết định số 282/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 48/CT-TW của Bộ Chính trị là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Hiệu trưởng nhà trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên và HSSV chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề chủ quyền, biên giới, đối ngoại, quốc phòng; các giải pháp của Chính phủ tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách liên quan trực tiếp đến ngành Giáo dục như: chương trình cho HSSV vay vốn để học tập, đầu tư xây dựng KTX sinh viên, chương trình kiên cố hóa trường, lớp học,... Kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, lôi kéo, kích động HSSV và cán bộ, giáo viên tham gia hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Thứ trưởng cũng yêu cầu nhà trường phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh địa phương chỉ đạo tổ chức Đoàn và Hội sinh viên nhà trường kiện toàn để duy trì hoạt động hiệu quả của “Tổ thăm dò dư luận sinh viên”. Tăng cường đối thoại, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của sinh viên thông qua các trang web, diễn đàn trên mạng internet,...nhằm phát hiện và phối hợp xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh trong HSSV. Rà soát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách của Nhà nước và nhà trường nhằm phát hiện các vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cấp trên để xử lý. Tránh để xảy ra khiếu kiện, tụ tập phản đối tập thể trong HSSV, cán bộ, giáo viên. Tuyệt đối không để phát sinh, kéo dài các vấn đề bức xúc trong HSSV, cán bộ, giáo viên. Chủ động duy trì “đường dây nóng” với các cơ quan chức năng ở địa phương để có thông tin, phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra. Duy trì chế độ trực ban công tác. Chủ động báo cáo nhanh tình hình với cấp trên và với Bộ GD-ĐT để phối hợp chỉ đạo xử lý. Tổ chức cho HSSV tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân các cấp theo đúng quy định. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở địa phương trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm bầu cử.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=458634&co_id=30085