Tăng cường công khai, minh bạch ở Thái Bình

Hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, tỉnh Thái Bình đã thật sự coi trọng việc công khai, minh bạch và đối thoại thẳng thắn của cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Điều đó đã mang lại hiệu quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở và công tác xây dựng Đảng, thể hiện rõ nét nhất trong kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh lúa của đồng bằng Bắc Bộ này.

Bài học từ thực tiễn

Xã Vũ Đoài (huyện Vũ Thư) là một địa phương khó khăn về ngân sách và đời sống của nhân dân còn nghèo, nhưng bằng nội lực là chính, đã về đích NTM sớm trước kế hoạch một năm là minh chứng thuyết phục về hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI). Trước hết là việc công khai, minh bạch, gần gũi đối thoại với nhân dân của cấp ủy, chính quyền. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đỗ Hữu Khiêm cho biết: Bắt tay vào xây dựng NTM, vừa đúng thời điểm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, Đảng ủy Vũ Đoài đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền rõ chủ trương; các thôn tổ chức họp dân thông báo công khai, minh bạch, cụ thể kế hoạch đầu tư và các nguồn kinh phí, mức đóng góp của nhân dân. Đồng thời, các cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước nên đã tạo được sự đồng thuận và niềm tin của người dân.

Vũ Đoài đã thực hiện được một kênh tuyên truyền đặc biệt- đó là chính người dân tuyên truyền, vận động người dân. Cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh gương mẫu đi đầu trong việc góp công, góp của, hiến đất; tổ công tác của các thôn được thành lập, gồm những người có uy tín trong cộng đồng dân cư “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để quy tụ sức mạnh từ nhân dân. Nhờ đó, Vũ Đoài huy động được nội lực nhân dân đóng góp hơn 6,5 tỷ đồng, hiến gần 7.500 m2 đất và đóng góp nhiều chục nghìn ngày công lao động xây dựng NTM. Trong quá trình xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng NTM, chất lượng được bảo đảm và không xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí. Đồng chí Đỗ Hữu Khiêm, chia sẻ: Đảng ủy, chính quyền xã rút ra một bài học quý giá, đó là nếu công khai, minh bạch, đối thoại với nhân dân, cán bộ, đảng viên gương mẫu để phát huy dân chủ ở cơ sở, vận dụng khéo léo sức dân, thì mọi việc sẽ trôi chảy.

Xã Tây Giang là một trong bốn xã về đích NTM sớm nhất của huyện Tiền Hải. Bí thư Đảng ủy xã Tạ Văn Tình, chia sẻ: Thấm thía bài học khi bị cuốn vào đợt mất ổn định giai đoạn 1997-1999, cho nên đảng bộ, chính quyền khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) và xây dựng NTM luôn công khai, minh bạch, tăng cường đối thoại thẳng thắn với nhân dân. Tây Giang có năm thôn, để thực hiện NTM, đảng ủy, chính quyền xã phải tổ chức họp với dân tới 16 buổi để 95% số người dân được dự họp, được bàn và thống nhất mức đóng góp.

Ngay việc tổ chức họp dân, đảng bộ cũng làm nghiêm túc từ những chi tiết nhỏ. Thay vì chỉ thông báo qua loa truyền thanh mời dân đi họp, nay trưởng ban công tác mặt trận, bí thư chi bộ viết giấy mời đưa đến từng hộ, thể hiện sự trân trọng người dân. Các đồng chí trong đảng ủy luôn có mặt dự họp với dân, những thắc mắc của người dân được giải đáp tại chỗ. Bởi vậy, dù cùng lúc phải thực hiện nhiều việc khó, như: dồn điền đổi thửa, xây dựng NTM, thu hồi, giải phóng mặt bằng gần 50 ha đất để làm khu công nghiệp... nhưng những năm qua Tây Giang không xảy ra khiếu kiện. Mới đây nhất, giữa năm 2016, Tây Giang thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng 27 ha để bàn giao cho dự án của Viglacera chỉ mất có một tháng.

Huyện ủy Tiền Hải cho biết, từ khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, Ban Thường vụ đã chỉ đạo tập trung giải quyết những vụ việc bức xúc ở một số xã; Huyện ủy phân công lại đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý của huyện phụ trách các xã và dự sinh hoạt với các đảng bộ, chi bộ cơ sở cho phù hợp. Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập ba đoàn công tác đến 12 xã để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của người dân nhằm tập trung chỉ đạo tháo gỡ; thành lập tổ công tác, do một đồng chí Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng, xuống tập trung tháo gỡ khó khăn cho một xã. Huyện ủy Tiền Hải cũng đã triển khai đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn”, trong đó đề cao việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Theo Bí thư Huyện ủy Tiền Hải Nguyễn Văn Giang, những kết quả từ việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 đã góp phần tạo tiền đề và cơ sở để huyện tiếp tục thực hiện mục tiêu trọng tâm của nhiệm kỳ này là phát triển khu công nghiệp, kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái...

Đổi mới phương thức lãnh đạo

Làm việc với chúng tôi, đồng chí Đỗ Xuân Thành, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, quy chế theo hướng đề cao hơn trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Từng cán bộ, đảng viên tập trung khắc phục những vấn đề còn yếu kém, khuyết điểm, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu... Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý về dự sinh hoạt với chi bộ, đảng bộ xã và tham gia chỉ đạo xây dựng NTM, đồng thời quy định trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ phụ trách các địa phương, đơn vị.

Sau kiểm điểm, việc sinh hoạt đảng trong cấp ủy, tổ chức đảng có chuyển biến rõ rệt; cán bộ, đảng viên gần gũi, lắng nghe, tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết những việc bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhận thức chính trị, ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt… Việc tăng cường công khai, minh bạch và đối thoại thẳng thắn với nhân dân của người đứng đầu thể hiện rõ nét nhất trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách đã được cấp ủy, chính quyền thực hiện đồng bộ, hiệu quả...

Thái Bình là tỉnh đi đầu cả nước tổ chức thi tuyển công chức trên tinh thần công khai, khách quan, minh bạch tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Từ năm 2012 đến nay đã tổ chức thành công ba kỳ thi, tuyển dụng được 716 công chức. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có nhiều chủ trương đổi mới quy trình lựa chọn, đề bạt cán bộ; bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương, đến nay 8/8 huyện, thành phố có chức danh bí thư hoặc chủ tịch không phải là người địa phương. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng được tăng cường, bảo đảm giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng. Từ năm 2012 đến tháng 6-2015, các cấp có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh đã xem xét thi hành kỷ luật đối với 27 tổ chức cơ sở đảng và 888 đảng viên (khiển trách 526, cảnh cáo 217, cách chức 55, khai trừ 90).

Nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đến nay 42 nội dung, vấn đề trong Chương trình khắc phục những khuyết điểm, hạn chế theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 239 vấn đề của các huyện ủy, thành ủy đã được triển khai thực hiện toàn diện, tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng ở Thái Bình. Đảng bộ tỉnh xác định, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 không phải làm một lần là xong mà đòi hỏi phải trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, kiên trì và bền bỉ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31154402-tang-cuong-cong-khai-minh-bach-o-thai-binh.html