Tăng cường công khai, minh bạch để thực hiện dân chủ trong các cơ sở giáo dục

Ngày 24/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị về tình hình thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục và đào tạo. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh một loạt vụ việc cho thấy dấu hiệu thiếu dân chủ cơ sở ở một số nhà trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch và cơ chế giám sát trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: Các vấn đề Quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo được thực hiện tốt chưa? Nếu các vấn đề quy chế dân chủ ở các cơ sở giáo dục đào tạo chưa được thực hiện tốt có phải vì thiếu văn bản chỉ đạo? Hay thiếu về cái gì?

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhìn nhận có thực tế văn bản quy chế dân chủ rất nhiều nhưng việc thực hiện tại nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo còn hình thức, sơ sài, chưa hiệu quả, chất lượng chưa cao. Một số cơ sở giáo dục vẫn còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, cá biệt có cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, có tình trạng khiếu nại vượt cấp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá thẳng thắn việc mất dân chủ, tình trạng khiếu kiện ở một số cơ sở giáo dục được phản ánh thời gian qua là cá biệt hay là tương đối nhiều trong các nhà trường? Trả lời Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng vai trò của người đứng đầu rất quan trọng trong thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục. Tình trạng khiếu kiện vượt cấp ở một số trường đại học hay vụ việc trường tiểu học Nam Trung Yên vừa qua là bài học kinh nghiệm về dân chủ, về trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường. Tình trạng thiếu dân chủ có xảy ra ở một số cơ sở giáo dục và chỉ là những vụ việc cá biệt.

Tuy nhiên, khi Phó Thủ tướng đặt câu hỏi hiện có bao nhiêu trường đại học, cao đẳng đã thành lập hội đồng trường, đại diện Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) không đưa ra được thống kê đầy đủ, mà chỉ có số liệu ở phạm vi ngành mình quản lý.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định thực hiện dân chủ cơ sở nói chung, trong đó có các cơ sở đào tạo, ngành giáo dục, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đảng, đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước nhưng trước hết của các cơ cấu lãnh đạo, của cán bộ, giáo viên nhà trường. Về cơ bản, hệ thống văn bản liên quan đến thực hiện dân chủ cơ sở đã tương đối đầy đủ và vẫn tiếp tục được hoàn thiện. Vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện, mà nguyên nhân chính là chúng ta không công khai, minh bạch thông tin.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Theo Phó Thủ tướng, để đảm bảo thực hiện dân chủ ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, cần tăng cường tự chủ trong trường học, bởi không thể có dân chủ khi cơ quan quản lý vẫn “cầm tay chỉ việc,” áp đặt từ trên xuống về chuyên môn, và đặc biệt là về nhân sự. Bên cạnh đó phải xây dựng cơ chế đánh giá, giám sát đối với việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, sau hội nghị này, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH ban hành ngay văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo phải thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến tập thể khi xây dựng các quy chế hoạt động; công khai, minh bạch những thông tin này để cơ quan quản lý nhà nước nắm được, để học sinh, phụ huynh, cộng đồng cùng giám sát.

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tang-cuong-cong-khai-minh-bach-de-thuc-hien-dan-chu-trong-cac-co-so-giao-duc/